Ông Võ Văn Toán trồng nhãn cao sản có hiệu quả kinh tế cao
Qua nhiều năm nghiên cứu, tìm tòi giống cây ăn trái phù hợp, đạt hiệu quả kinh tế cao, năm 2013, ông Võ Văn Toán, nông dân ở ấp Thuận Tân, xã Truông Mít, huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh quyết định đưa loại giống nhãn Idor về trồng thử nghiệm.
Ông Võ Văn Toán trong vườn nhãn giống Idor. Ảnh: Lê Đức Hoảnh - TTXVN
Sau gần 5 năm sản xuất, từ một vài ha ban đầu đạt hiệu quả, ông Toán mạnh dạn chuyển đổi vườn cao su đã già cỗi sang trồng nhãn giống mới. Đến nay, vườn nhãn giống Idor của ông Toán đã được mở rộng lên 17,4 ha.
Nhờ tận tụy chăm sóc, thực hiện đúng quy trình kỹ thuật về bón phân, tưới nước, làm mương tiêu...phòng trừ sâu bệnh...vườn nhãn của ông Toán luôn phát triển tốt, ít sâu bệnh. Đặc biệt, giống này ít bị bệnh chổi rồng, một loại bệnh hầu hết các loại giống nhãn khác ở địa phương đều nhiễm nặng, cho nên năng suất vườn nhãn của ông Toán đều đạt từ 30 -35 tấn/ha.
Với đặc điểm vỏ mỏng, cơm dày, giòn, thơm, hạt nhỏ, vị ngọt vừa phải, được thị trường ưa chuộng, nên giá bán loại nhãn này từ 30.000 đồng - 40.000 đồng/kg, cao gần gấp đôi so với loại nhãn da bò ở địa phương. Sau khi trừ chi phí, mỗi ha nhãn ông Toán thu lãi khoảng 150 triệu đồng/vụ thu hoạch.
Để thuận tiện trong việc chăm sóc, theo dõi sự sinh trưởng của cây trồng, vườn nhãn được ông phân lô, đánh dấu và ghi chép tỉ mỉ. Theo ông Toán, để cây nhãn năng suất cao, quả đẹp, bán được giá, cần đầu tư chăm sóc nhiều trong quá trình sinh trưởng của cây như bón phân đúng mức, kịp thời vụ để cây đủ sức nuôi trái.
Đặc biệt, do diện tích lớn nên cần phải xử lý vườn nhãn cho ra trái rải vụ theo từng lô (xử lý cho ra hoa theo ý muốn), để tiện việc chăm sóc, thu hoạch và cung cấp trái cây cho thị trường quanh năm.
Không những hình thành được vườn nhãn tốt, đạt giá trị kinh tế cao cho gia đình mình, ông Toán còn sẵn lòng chuyển nhượng cây giống và tận tình hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân quanh vùng muốn trồng loại nhãn này để phát triển kinh tế gia đình.
Ông Võ Đức Trong, Giám đốc Sở Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn đánh giá cao giống nhãn I dor, theo ông Trong giống nhãn này phù hợp với vùng đất Tây Ninh, có nhiều tiềm năng cạnh tranh được với các loại trái cây khác; được tiêu thụ mạnh trong nước và xuất khẩu.
Ông Trong cho biết, sẽ khuyến cáo địa phương có kế hoạch nhân rộng loại nhãn này, hạn chế trồng những giống nhãn truyền thống trước đây như nhãn long, nhãn tiêu da bò năng suất thấp, giá rẻ, thị trường tiêu thụ hạn hẹp.
Theo ông Trong, để hỗ trợ cho bà con nông dân trồng nhãn định hình được thương hiệu, tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tây Ninh đang làm thủ tục về việc truy xuất nguồn gốc cây trồng, để mặt hàng Nhãn Idor của ông Toán có thể xuất khẩu sang thị trường khó tính như Mỹ, Australia, Hàn Quốc, Nhật Bản. Đồng thời, tỉnh cũng sẽ có kế hoạch đầu tư lại hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng, tiêu thoát nước...để phục vụ cho việc quy hoạch lại các vùng trồng cây ăn trái chất lượng cao trong tỉnh; trong đó, có cây nhãn giống Idor.
Có thể bạn quan tâm
Ông Dương Văn Lợi, ở ấp Phụng Châu, xã Sơn Định, huyện Chợ Lách hiện có 4.000m2 đất vườn trồng chôm chôm giống mới
Khi xây dựng một khẩu phần ăn, tất cả các nhà dinh dưỡng đều chú ý đến chi phí, nguyên liệu và chất dinh dưỡng. Thậm chí còn nhiều vấn đề phát sinh hơn nữa
Đối với ruộng lúa bị dịch muỗi hành tấn công, gây hại sẽ làm đọt lúa bị se lại như cọng hành.