Ồ ạt cầm cố sổ đỏ, cả xã thành con nợ tiền tỷ vì tôm
Với hy vọng đổi đời, người dân xã biển bãi ngang Hải Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình đổ xô nuôi tôm thẻ chân trắng. Nhưng với cách nuôi tự phát, thiếu kỹ thuật nên sau nhiều vụ nuôi thất bại, phải ôm nợ hàng trăm tỷ đồng…
Ồ ạt cầm cố sổ đỏ
Hải Ninh là một xã biển bãi ngang, bao đời nay người dân nơi đây chuyên nghề đánh bắt hải sản gần bờ, tuy không giàu nhưng cũng duy trì được cuộc sống hàng ngày. Khoảng năm 2002 một số người dân từ nơi khác bắt đầu đến xã Hải Ninh thuê đất nuôi tôm.
Thấy họ nuôi tôm có lời, đến năm 2012 người dân Hải Ninh cũng mon men bắt đầu nuôi tôm. Những vụ nuôi tôm đầu tiên, do thời tiết thuận lợi, ao nuôi mới chưa ô nhiễm nên không ít người trúng tôm, thu bạc tỷ. Thấy nuôi tôm mau đổi đời, đến năm 2013 thì phong trào nuôi tôm ở Hải Ninh bắt đầu nở rộ.
Theo thống kê của UBND xã Hải Ninh, địa phương này có hơn 1.200 hộ dân nhưng thời điểm đó đã có hơn 400 hộ đầu tư nuôi tôm. Nhiều gia đình đang đi biển, buôn bán hải sản… cũng bỏ ngang theo nghiệp nuôi tôm. Số hộ nuôi tăng nhanh đến nỗi diện tích đất ở đây không còn, nhiều người dân Hải Ninh đã tỏa đến các xã khác ở huyện Quảng Ninh, Lệ Thủy, Bố Trạch, thậm chí vào tận tỉnh Quảng Trị để thuê đất, thuê hồ nuôi tôm. Để có vốn nuôi tôm, ngoài số tiền dành dụm được qua bao năm đi biển, buôn bán hải sản, hầu hết người dân Hải Ninh đều phải cắm hết sổ đỏ (quyền sử dụng đất), nhà cửa thế chấp vào ngân hàng để vay tiền…
Năm 2013, thấy nhiều người nuôi tôm thu được tiền tỷ, 2 anh em ông Mai Văn Bủng và Mai Văn Mưu ở thôn Tân Hải (Hải Ninh) đã gom hết tài sản và găm hết sổ đỏ vào ngân hàng để đầu tư nuôi tôm. Vụ đầu tiên trúng đậm, trừ chi phí anh em ông Bủng còn lãi 1,5 tỷ đồng. Thấy nuôi tôm có vẻ êm ả, năm 2014, anh em ông Bủng quyết định vào tận xã Ngư Thủy Bắc (huyện Lệ Thủy) thuê 3ha hồ tôm đầu tư đánh quả lớn. Tưởng rằng canh bạc này sẽ cho 2 anh em ông thu lãi lớn, thoát cảnh cơ hàn. Vậy mà 3 hồ tôm của anh em ông Bủng đang yên lành bỗng nổi bồng bềnh rồi chết trắng hồ.
Cả xã nợ hơn 150 tỷ đồng
“Nợ nần chồng chất nhưng chúng tôi đã “đâm lao đành phải theo lao” mà nuôi tôm tiếp. Biết nuôi tôm là “đánh bạc với trời” nhưng nếu không nuôi thì biết đào đâu ra tiền để trả nợ.”
Anh Mai Văn Vĩnh – một hộ nuôi tôm đã có món nợ ngân hàng lên đến 1,6 tỷ đồng.
Về xã Hải Ninh trong những ngày này, đâu đâu chúng tôi cũng nghe bàn tán xôn xao về chuyện nuôi tôm thua lỗ, ôm nợ ngân hàng lên đến hàng tỷ đồng, thậm chí nhiều người đã phải bỏ nhà, bỏ quê vì không còn khả năng trả nợ. Gặp anh Mai Văn Vĩnh ở thôn Cừa Thôn, một hộ nuôi tôm đã ôm món nợ ngân hàng lên đến hàng tỷ đồng.
Rót ly nước mời khách, anh Vĩnh như muốn trút hết nỗi niềm sau vụ nuôi tôm thất bại: “Mấy năm nay chúng tôi thua lỗ liểng xiểng, mấy vụ tôm vừa rồi, vụ nào cũng lỗ chổng vó. Tuy nợ nần chồng chất, nhiều người đã không còn khả năng trả nợ, nhưng chúng tôi vẫn phải gắng gượng nuôi tiếp vì không còn lựa chọn nào khác. Nếu không tiếp tục “đánh bạc với trời” thì biết đào đâu ra tiền để trả nợ.”
Tuy nhiên, theo ông Hoàng Minh Đoàn – cán bộ nông lâm ngư của xã Hải Ninh, trên thực tế trong những năm qua phong trào nuôi tôm ở xã Hải Ninh phát triển rất rầm rộ nhưng là tự phát. Hầu hết các hộ nuôi tôm đều không có cán bộ kỹ thuật, chủ yếu là dựa vào nhân viên kỷ thuật thị trường của các công ty thức ăn và học lóm nhau là chủ yếu.
Cũng theo ông Đoàn, trong gần 2 năm qua, người nuôi tôm thẻ chân trắng ở Hải Ninh đã bắt đầu nếm trái đắng. Muốn nhanh phát tài, nhiều hộ dân trúng những vụ đầu đều dốc toàn bộ vốn liếng vào những vụ tiếp theo, đến khi con tôm chết thì mất trắng. Để gỡ gạc, họ lại chạy đôn chạy đáo vay cho được tiền lại tiếp tục đầu tư nuôi tôm. Cứ thế, gỡ vốn đâu chẳng thấy mà những món nợ cứ thế tăng lên.
Theo thống kê sơ bộ của UBND xã Hải Ninh, đến thời điểm này số tiền mà người nuôi tôm ở địa phương này nợ ngân hàng lên đến con số 151 tỷ đồng. Trong danh sách 328 hộ nuôi tôm của xã Hải Ninh thì tất cả đều mang nợ ngân hàng, hộ ít nhất cũng đã 200 triệu, hộ nhiều nhất lên tới 3 tỷ đồng.
Trao đổi với Dân Việt, ông Trương Văn Liệu – Chủ tịch UBND xã Hải Ninh rất lo lắng với món nợ khổng lồ mà những người nuôi tôm ở xã Hải Ninh đang mắc phải. Theo ông Liệu, Hải Ninh vốn là một xã bãi ngang nghèo, những năm qua được Nhà nước quan tâm, ngư dân nơi đây cũng mạnh dạn đầu tư ngư lưới cụ đánh bắt hải sản nên kinh tế của xã cũng tăng trưởng khá, đời sống người dân được tăng lên, số hộ nghèo giảm hẳn. Tuy nhiên, với những món nợ mà hàng trăm hộ dân ở Hải Ninh đang mắc phải thì sắp tới nguy cơ vỡ nợ là rất lớn và chắc chắn số hộ nghèo ở Hải Ninh sẽ tăng lên đột biến…
Có thể bạn quan tâm
Bạc hà là một loại hoa màu xưa nay được bà con nông dân trồng một ít xen chân vườn để dùng chế biến các món ăn trong gia đình như nấu canh chua, xào, bóp xổi chấm nước cá kho...
Ở ĐBSCL, nông dân mới nghe làm lúa GAP thấy lạ và tưởng như rất khó. Song nhiều hộ ở Tiền Giang, An Giang, Sóc Trăng bắt tay thử nghiệm mô hình và đạt chứng nhận. Nhưng vì sao phong trào làm lúa GolbalGAP chưa thể mở rộng ?
Sinh năm 1988 ở thôn Sen Đông, xã Sen Thủy (Lệ Thuỷ - Quảng Bình), học hết lớp 9, Lê Đăng Tây đã phải nghỉ học vì gia đình quá khó khăn. Sau nhiều năm làm thuê trong Nam
Giá gạo nội tiêu và XK của Thái Lan tăng tới 1-3%, trong khi đó lượng gạo XK theo hợp đồng với Nigeria vẫn tiếp tục được thực hiện.
Tại tỉnh Trà Vinh, nhiều diện tích nuôi tôm sú chính vụ 2011 đang trong giai đoạn từ 30 - 45 ngày tuổi bị chết vì bệnh đỏ thân. Đến nay, ở các huyện Duyên Hải, Cầu Ngang, Trà Cú đã có gần 1.110 ha tôm sú của 930 hộ dân bị thiệt hại, với số lượng gần 44 triệu con