Nuôi trồng đặc sản, nông dân dễ giàu
Cua và chạch đồng có giá trị dinh dưỡng cao, là món ăn dân dã. Hiện nay, do việc đánh bắt quá mức và không có ý thức bảo vệ, tái tạo nên cua, chạch đồng trong tự nhiên rất ít. Nắm bắt nhu cầu tiêu thụ của thị trường ngày càng lớn và giá thành ngày một tăng cao, Ban giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Phú Lãng, xã Quang Lãng (huyện Phú Xuyên) đầu tư gần 1 tỷ đồng phát triển mô hình nuôi cua, chạch đồng trên diện tích 2,2 mẫu cấy lúa kém hiệu quả.
Để triển khai mô hình, Hợp tác xã cải tạo bùn chân ruộng, gia cố các bờ ruộng, ngăn các bờ ruộng với bên ngoài bằng các tấm tôn sắt cao 1m. Sau đó, bơm nước, thả thêm bèo tây để tạo môi trường sống cho cua, chạch. Để tạo thêm nguồn thức ăn cho cua, chạch, Hợp tác xã xây dựng thí điểm 500m2 chuồng trại nuôi giun quế. Với lợi thế là địa phương nông nghiệp nên nguồn thức ăn để nuôi giun quế rất dồi dào, dễ thu mua như các phế phẩm nông nghiệp, phân trâu bò. Hiện nay, Hợp tác xã cũng đã bắt đầu thả giun giống trong các chuồng nuôi.
Chị Nguyễn Hiền Thảo, thành viên Hợp tác xã nông nghiệp Phú Lãng cho hay, cua đồng giờ trở thành đặc sản đồng quê và là loài sinh sản gần như quanh năm, tập trung từ tháng 4 đến tháng 8. Cua phát triển mạnh nhất vào những tháng hè, chỉ từ 2 đến 3 tháng nuôi là có thể bán cua thịt. Giá bán cua luôn ổn định, đầu ra cũng rất thuận lợi.
Còn tại thị xã Sơn Tây, nhiều người dân ở đây đã biến những đồi ngô đồi sắn thành vùng trồng sâm Bố Chính quy mô lớn. Một trong những người đi tiên phong trồng sâm Bố Chính tại khu vực phải kể tới bà Uông Tuyết Nhung, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Phúc Lâm (xã Thanh Mỹ) với quy mô 5ha.
Mô hình trồng sâm Bố Chính được hợp tác xã trồng theo quy trình hữu cơ, có ứng dụng một phần công nghệ cao ở những công đoạn tưới nước, ươm giống. Theo bà Nhung, thời vụ trồng sâm bắt đầu vào mùa xuân, đến tháng thứ 9 được thu hoa, đến mùa xuân năm sau được thu củ. Cả lá, hoa và củ sâm Bố Chính đều có thể chế biến thành thực phẩm chức năng, bồi bổ sức khỏe. Theo ước tính, khi thu hoạch trọn 1 vụ, mỗi ha sâm Bố Chính cho thu nhập hơn 1 tỷ đồng/năm. Không chỉ có vậy, cánh đồng sâm rực rỡ sắc màu còn tôn lên vẻ đẹp của làng quê, có thể hình thành du lịch sinh thái.
Còn tại huyện Ba Vì, sim vốn là cây mọc hoang ở vùng đồi gò, nhưng hoa, và quả sim lại là đặc sản, được nhiều người tìm mua. Nhận thấy lợi ích của loại cây đặc sản này, anh Kiều Văn Lợi ở thôn Bơn, xã Vân Hòa (huyện Ba Vì) đào những gốc sim mọc hoang trên đồi về trồng. Từ năm 2020, những gốc sim ban đầu đã cho thu hoạch quả, bán với giá 40 nghìn đồng/kg, mỗi vụ gia đình anh thu nhập hàng chục triệu đồng. "Trồng sim không khó, vì ít sâu bệnh, ít công chăm sóc, sản phẩm lại khan hiếm nên bán rất dễ dàng", anh Lợi cho biết.
Nói về những mô hình trồng cây, nuôi con đặc sản ông Nguyễn Trọng Vĩnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên cho hay, việc nuôi trồng các loại nông sản đặc sản đang mở ra hướng phát triển mới cho nông dân, bởi trong khi các loại cây trồng mang tính hàng hóa, bán đại trà dễ rơi vào tình trạng "được mùa - mất giá" thì phân khúc đặc sản luôn giữ giá ổn định, không lo khâu tiêu thụ. Thời gian tới, trên cơ sở cách làm hay, hiệu quả từ thực tiễn, địa phương sẽ có đánh giá và hỗ trợ nhân rộng mô hình nuôi trồng cây, con đặc sản.
Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, để nâng cao hiệu quả sản xuất các loại cây trồng, vật nuôi đặc sản, ngành Nông nghiệp Thủ đô đã phối hợp với các địa phương chọn một số loại đặc sản tiêu biểu, xây dựng vùng sản xuất tập trung gắn với các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển nông thôn mới trên địa bàn. Mặt khác, Sở Nông nghiệp & PTNT tích cực hỗ trợ xây dựng chỉ dẫn địa lý cho một số đặc sản có tiếng; phát triển thương hiệu cho một số vật nuôi là đặc sản địa phương; đưa vào chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm; đồng thời nghiên cứu thị trường, dự báo sản lượng bảo đảm ổn định sản xuất./.
Có thể bạn quan tâm
UBND tỉnh Quảng Trị đã có văn bản báo cáo Bộ NN-PTNT, đề xuất kiến nghị Chính phủ hỗ trợ 950 tấn giống lúa cho nông dân tái sản xuất sau ảnh hưởng của đợt mưa.
Trong khi nhiều loại trái cây vẫn khó tiêu thụ thì giá vải đầu mùa 2022 tại Thanh Hà (Hải Dương) đang được bán dao động từ 80.000 đến 120.000 đồng/kg.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Phùng Đức Tiến khẳng định, muốn hướng đến xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi thì phải từng bước tiến tới xây dựng vùng chăn nuôi