Nuôi tôm trên cát thu tiền tỷ: Lợi thế nhiều, thách thức không ít
Nghề nuôi tôm trên cát mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân 14 tỉnh duyên hải miền Trung. Tuy nhiên, nếu quản lý không tốt sẽ phát sinh nhiều hệ lụy về ô nhiễm môi trường, cạn kiệt tài nguyên nước và lây lan dịch bệnh dẫn đến thất bại.
Bộ Trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường thăm các cơ sở nuôi tôm trên cát tại Hà Tĩnh sáng 16.5. ảnh: Hữu Anh
Ngày 16.5, tại Hà Tĩnh, Bộ NNPTNT cùng đoàn đại biểu của 14 tỉnh thành duyên hải miền Trung đã tổ chức hội nghị toàn quốc bàn về phát triển bền vững nghề nuôi tôm trên cát.
14 tỉnh nuôi tôm trên cát
Báo cáo tại hội nghị, ông Như Văn Cẩn - Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản, Tổng cục Thủy sản cho biết: Phong trào nuôi tôm trên cát bắt đầu từ những năm 2000, tuy nhiên, giai đoạn đầu phát triển chậm do gặp những vướng mắc về đầu tư cơ sở hạ tầng. Đến năm 2016, cả nước có 14 tỉnh thành ven biển miền Trung từ Thanh Hóa đến Bình Thuận nuôi tôm trên cát với tổng diện tích trên 3.700ha, sản lượng đạt 41.000 tấn. Một số địa phương nuôi tôm trên cát năng suất cao như Quảng Nam (hơn 20 tấn/ha), Quảng Ngãi (17 tấn/ha). Nhiều tỉnh diện tích nuôi tôm trên cát lớn như Bình Thuận (chiếm 28% tổng diện tích nuôi tôm trên cát), Ninh Thuận (18%), Phú Yên (16%).
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường khẳng định: “Các tỉnh ven biển miền Trung với những bãi ngang thuộc tuyến cao triều là những dải cát rộng chiều dài chạy dọc ven biển, được xem là tiềm năng to lớn nuôi trồng thủy sản đặc biệt là nuôi tôm trên cát, với tổng diện tích đất cát khoảng 100.000ha”.
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, không chỉ đánh giá trên giấy, thực tế tỉnh Hà Tĩnh đã trực tiếp đến kiểm tra và xem thực địa với những mô hình nuôi tôm trên cát cho kết quả khả quan, thu nhập cao, giải quyết việc làm cho người dân vùng ven biển, bãi ngang khó khăn.
Ông Nguyễn Văn Hoàng - đại diện Công ty TNHH Growbest Hà Tĩnh cho hay: “Năm 2014, công ty đã chi gần 100 tỷ đồng để đầu tư cơ sở hạ tầng cho cả 3 khu nuôi với tổng diện tích 36,8ha ở các xã Kỳ Phương và Kỳ Nam, thị xã Kỳ Anh. Mặc dù nằm trong “tâm điểm” và chịu thiệt hại hàng chục tỷ đồng do sự cố ô nhiễm môi trường biển, nhưng bằng kinh nghiệm, kỹ thuật, các kỹ sư, công nhân Công ty TNHH Growbest Hà Tĩnh đã không bỏ cuộc, giành thắng lợi vụ tôm ngay trong thời điểm “tâm bão”. Giữa năm 2016, Công ty TNHH Grobest đã thả nuôi 26 ao tôm với tổng diện tích 4ha tại khu nuôi mới ở xã Kỳ Nam và sau 3 tháng cho thu hoạch gần 160 tấn, trừ chi phí, lãi khoảng 8 tỷ đồng”.
Không quy hoạch, khó thành công
Tổng cục Thủy sản phối hợp với các tỉnh rà soát quy hoạch, tổng kết các mô hình nuôi tôm trên cát tại 14 tỉnh duyên hải miền Trung để đưa ra giải pháp phát triển nghề nuôi tôm trên cát, góp phần thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc phát triển ngành tôm Việt Nam với mục tiêu đến 2025 xuất khẩu tôm đạt 10 tỷ USD”. Bộ Trưởng Bộ NNPTNT-Nguyễn Xuân Cường
Bà Nguyễn Thị Hạnh - Giám đốc Công ty TNHH Sao Đại Dương ở xã Thạch Trị, huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) cho biết: “5 năm nay, công ty của tôi luôn thành công, đặc biệt năm 2016 cho ra đời 200 tấn tôm với lợi nhuận từ 6 - 8 tỷ đồng. Để nuôi tôm bền vững đòi hỏi phải có quy hoạch, cơ sở hạ tầng như thủy lợi để đảm bảo cấp và xử lý chất thải mới đảm bảo nghề tôm bền vững”.
Chia sẻ về kinh nghiệm nuôi tôm trên cát, bà Hạnh cho biết: "Tôi đã tiếp nhận những ao tôm hoang hóa từ cơ sở hạ tầng của dự án nuôi tôm Việt Mỹ đổ vỡ để tiếp tục nuôi tôm, buộc người nuôi phải đầu tư chuyển đổi sang mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng bằng lót bạt đáy ao, đưa lại thành công trong nhiều năm liền. Đến nay, công ty đầu tư nuôi gần 40ha tôm thẻ chân trắng trên cát”.
Ông Lê Đình Sơn - Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh cho biết: “Bài học lớn mà Hà Tĩnh từng gặp phải 10 năm trước là Công ty Việt Mỹ vào đầu tư nuôi tôm trên cát tại các xã ven biển ở Thạch Hà và Cẩm Xuyên, nhưng do công tác quản trị lỏng lẻo nên đã đổ vỡ sau 2 năm triển khai. Đến nay, bài học của Công ty Việt Mỹ vẫn còn thời sự cho người nuôi tôm ở địa phương này”.
Trước những thách thức của nghề nuôi tôm trên cát, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh: “Trong chiến lược ngành hàng tôm Việt Nam, khu vực này có chiến lược đặc biệt quan trọng. Đến nay, chúng ta có thể khẳng định dải đất ven biển này có 15.000ha nuôi tôm trên cát với nguồn nước mặn đầy lợi thế với độ sâu, độ mặn. Yếu tố quan trọng ở vùng này là thị trường với nhiều khu công nghiệp lớn và du lịch trọng điểm của cả nước. Thực tế vừa qua cho thấy, nếu làm tốt và đúng quy trình, hiệu quả nuôi tôm trên cát cao. Nhưng vùng này có nhiều thách thức. Nắng nóng gay gắt, lạnh sâu, mùa mưa lũ và bão tố. Bên cạnh đó, nguồn nước ngọt không đều, nước ngầm bị ô nhiễm; đầu tư cao cho cơ sở hạ tầng khó khăn cho hộ nông dân. Nếu không có chính sách hỗ trợ của Nhà nước thì rất khó đầu tư phát triển. Thiếu quy hoạch cụ thể mà tự phát làm rất dễ thất bại”
Có thể bạn quan tâm
Diện tích tôm nuôi bị thiệt hại ở 5 tỉnh trọng điểm là Cà Mau, Bạc Liêu, Kiên Giang, Sóc Trăng và Trà Vinh đã gần 2.000 ha, chủ yếu do môi trường và thời tiết
Vừa qua, nhiều ao tôm trên địa bàn tỉnh Trà Vinh xuất hiện hện tượng tôm sú bị một căn bệnh lạ, tạm gọi là bệnh vảnh mang.
Ngành nuôi tôm nước ta đã phát triển phương thức nuôi tôm thâm canh ở nông hộ nên tăng được sản lượng, mở ra khả năng tăng nhanh kim ngạch xuất khẩu