Nuôi tôm thời công nghệ
Những năm gần đây, công nghệ nuôi tôm không ngừng được cải tiến và hoàn thiện; nhờ vậy, năng suất và hiệu quả kinh tế tăng lên rõ rệt. Sau đây là một số công nghệ nuôi tôm tiên tiến, có tính đột phá cũng như có nhiều triển vọng trong nuôi tôm thời gian qua.
Xu thế phát triển các mô hình nuôi tôm công nghệ cao ngày càng được ứng dụng rộng rãi. Ảnh: Phan Thanh
Nuôi tôm 3 giai đoạn
Là mô hình của Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam chuyển giao. Trong đó, mô hình được chia ra làm 3 khu vực chính, gồm: khu vực xử lý nước đầu vào, khu vực ương nuôi tôm và khu vực xử lý chất thải. Trong cả 3 giai đoạn, tôm được nuôi trong hệ thống ao lót bạt 100%, có hố xiphong để đưa chất thải ra ngoài; các ao được trang bị mái che nhằm đảm bảo tôm nuôi được tốt nhất mà không bị phụ thuộc vào thời tiết. Mô hình giúp xoay vụ nhanh, các ao nuôi còn có thêm thời gian nghỉ để vệ sinh đảm bảo hơn; ngoài ra, nuôi 3 giai đoạn còn sử dụng được ưu thế tăng trưởng bù do san thưa mật độ ở mỗi giai đoạn, giúp nuôi tôm đạt kích cỡ lớn, tăng năng suất và hạ bớt chi phí sản xuất.
SUCCESS – Nuôi tôm công nghệ cao
Mô hình SUCCESS của Skretting Việt Nam có nhiều ưu điểm sau: Trung bình với 1 hệ thống nuôi có tổng diện tích 1 ha thì người nuôi cần dành khoảng 60% diện tích bề mặt cho khâu xử lý nước (trước khi sử dụng) và 40% diện tích bề mặt còn lại cho các ao nuôi; Diện tích ao nuôi đề xuất giúp công tác quản lý ao nuôi được thuận lợi: 500 – 2.000 m²; độ sâu ao nuôi: 1,5 – 1,8 m; ngoài hệ thống xả nước từ ống xả trung tâm, phục vụ công tác thay nước và xả bùn thải, nước trong lớp đất dưới đáy bạt do rò rỉ từ bạt nuôi cũng cần được thoát ra ngoài, tránh để tích tụ, tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn có hại, sinh khí độc gây phồng bạt hoặc gây bệnh cho tôm. Hiện, công nghệ này đang được Skretting Việt Nam triển khai nhân rộng tại nhiều hộ nuôi và khách hàng của mình.
Nuôi tôm TLSS
Mô hình nuôi TLSS (Thang Long Smart System) được Công ty TNHH Khoa Kỹ Sinh vật Thăng Long nghiên cứu. Giai đoạn đầu, tôm được ương nuôi trong hệ thống bể bạt tròn, mật độ dao động 2.000 – 3.000 con/m3, sau thời gian 20 – 25 ngày, tôm đạt size 1.500 – 2.500 con/kg tiến hành chuyển sang giai đoạn nuôi thương phẩm chính thức. Mật độ nuôi ở giai đoạn này khoảng 200 – 500 con/m2 (Nếu mật độ nuôi trên 300 con/m2 thường sẽ chuyển qua thêm giai đoạn nữa vào thời điểm tôm đạt cỡ trung bình khoảng 200 con/kg). Giai đoạn này tôm được nuôi trong ao lót bạt HDPE, diện tích được khuyến cáo nên duy trì ở mức 800 – 1.200 m2/ao. Sau thời gian nuôi khoảng 60 – 70 ngày, tôm đạt cỡ 30 – 40 con/kg thì tiến hành thu hoạch. Trong năm 2020, Thăng Long đã bắt đầu triển khai mô hình TLSS tại các trang trại nuôi của khách hàng ở khu vực ĐBSCL và mang lại hiệu quả rất tích cực với tỷ lệ thành công 83% cho hiệu quả kinh tế cao.
Nuôi tôm hai giai đoạn ít thay nước
Là mô hình do Công ty TNHH Công nghệ Sinh học Trúc Anh thực hiện. Giai đoạn 1, tôm được ương nuôi trong ao lót bạt, có mái che, sục khí đầy đủ, có hệ thống ống sang tôm, hệ thống ôxy đáy, quạt nước. Tôm giống cỡ PL10 – 12 thả với mật độ 1.000 – 3.000 con/m2, thời gian ương trung bình 20 – 25 ngày. Khi tôm có trọng lượng 1,5 – 2 g/con, chuyển sang giai đoạn 2 với mật độ 200 – 300 con/m2, nuôi đến khi đạt kích cỡ 40 – 60 con/kg. Với mô hình này, tỷ lệ sống khoảng 90 – 95%, năng suất đạt 30 – 40 tấn/ha. Mỗi năm có thể nuôi được 4 – 5 vụ.
Nuôi tôm ao đất bền vững
Vinhthinh Biostadt đã phát triển “Giải pháp nuôi tôm ao đất bền vững: Ương vèo – Ao bạt trung gian – Ao đất” phù hợp với từng điều kiện nuôi, giúp người nuôi dễ dàng tiếp cận và thực hiện. Cụ thể giai đoạn 1, tôm được ương trong bể với thể tích vừa phải dưới 100 m3. Thời gian khoảng 20 – 25 ngày với tỷ lệ sống cao hơn 90%. Sau đó, tôm ương sẽ được chuyển sang giai đoạn 2 tại ao trung gian được thiết kế hệ thống bể tròn khung sắt trải bạt (hoặc là ao lót bạt). Tôm được nuôi tại đây đến 60 ngày tuổi (bao gồm cả thời gian ương vèo giai đoạn 1), sau đó sẽ được chuyển ra ao nuôi đất ở giai đoạn 3 với mật độ thấp dưới 80 con/m2. Với quy trình sinh học và phác đồ phòng bệnh ở giai đoạn ao đất của Vinhthinh Biostadt, lượng nước thay hằng ngày ít nên sẽ hạn chế tác động đến môi trường nuôi xung quanh, từ đó hạn chế mầm bệnh gây hại cho tôm.
Nuôi tôm siêu thâm canh ao tròn nổi
Các bể nuôi được thiết kế hình dạng tròn với thể tích tùy theo công năng dùng để chứa, xử lý nước đầu vào (1.000 – 1.500 m3), ương (200 – 500 m3) hoặc để nuôi (500 – 1.500 m3). Tỷ lệ tôm sống đến cuối chu kỳ đạt trên 80%; hệ số chuyển đổi thức ăn thấp, thời gian nuôi ngắn nên giảm chi phí nuôi 10 – 20% so các quy trình nuôi thông thường khác; sản lượng bình quân có thể đạt từ 48 – 60 tấn/ha… Năm 2020, mô hình này đã được Công ty TNHH Uni-President Việt Nam triển khai áp dụng cho nhiều hộ nuôi và khách hàng của mình, mang lại thành công cũng như lợi nhuận cao.
Nuôi tôm thâm canh nhiều giai đoạn
Tập đoàn Việt – Úc đã triển khai nuôi tôm 3 giai đoạn mang lại hiệu quả cao tại huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu. Hệ thống ao nuôi được thiết kế gồm 3 ao: 1 ao ương giai đoạn 1, 1 ao ương giai đoạn 2 và 1 ao nuôi giai đoạn 3. Ao thiết kế tròn khung sắt đảm bảo an toàn sinh học tốt hơn ao đất lót bạt, vì nước bên ngoài không thấm vào ao nuôi được. Kết quả nuôi 115 ngày, tôm đạt kích cỡ lớn (24 con/kg); sản lượng đạt gần 10 tấn/1.600 m2. Mô hình nuôi tôm trong nhà kín với quy trình 3 giai đoạn cộng với việc áp dụng các công nghệ cao, góp phần tăng tỷ lệ sống với hơn 90%, tiết kiệm chi phí đầu tư từ 20 – 25% so với hình thức nuôi truyền thống.
Nuôi tôm 2-3-4
Công nghệ do Tập đoàn Thủy sản Minh Phú phát triển. Trong tiêu đề của công nghệ này, số 2 là nuôi 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 là gièo tôm trong ao gièo nổi tròn trong thời gian 25 – 30 ngày, giai đoạn 2 là nuôi tôm trong ao nuôi tròn 70 – 80 ngày. Số 3 là 3 lần thu tỉa; số 4 là 4 yêu cầu gồm con giống sạch bệnh; nguồn nước nuôi sạch; sạch kháng sinh và sạch môi trường.
Nuôi tôm hùm trong bể
Đây là công nghệ mới được Viện Nghiên cứu NTTS III chuyển giao, Công ty TNHH Thủy sản Đắc Lộc (Tuy Hòa, Phú Yên) tiếp nhận và phát triển. Công nghệ nuôi trong bể đảm bảo an toàn môi trường biển, hạn chế chi phí bơm và giảm lượng nước xả thải. Thay vì phải thay nước nuôi hàng ngày, hệ thống cho phép tái sử dụng nước và chỉ cần bổ sung thêm lượng nước hao hụt trong khi chạy tuần hoàn để bổ sung thêm các hàm lượng khoáng và kiềm có trong nước. Sau thời gian nuôi 12 tháng, tôm hùm xanh đạt trên 380 g/con, tỷ lệ sống trên 75%; tôm hùm bông đạt từ 600 – 700 g/con, tỷ lệ sống trên 73% sau thời gian nuôi 14 tháng.
Có thể bạn quan tâm
Các chuyên gia tại Newfoundland đang nghiên cứu phế phẩm từ các nhà máy chế biến cá hồi để tạo ra nguyên liệu sản xuất nhựa phân hủy sinh học thay thế nhựa tổng
Thời gian gần đây, một số dân ở tỉnh Đồng Tháp thả nuôi thành công hai loại cá chạch lấu và cá heo bằng quy trình nuôi nhân tạo.
Cá quất là đối tượng nuôi chính trong mô hình của anh Phạm Văn Hàn, thôn Làng Kim, xã Quang Kim (Bát Xát, tỉnh Lào Cai).