Trang chủ / Hải sản / Tôm thẻ chân trắng

Nuôi tôm theo công nghệ sinh học

Nuôi tôm theo công nghệ sinh học
Ngày đăng: 26/09/2015

Xu thế phát triển tất yếu

Nuôi tôm theo CNSH hiện nay được coi là một giải pháp hỗ trợ mang tính tất yếu của ngành nuôi tôm công nghiệp tại nhiều nước trên thế giới.

Sự xuống cấp của môi trường, dịch bệnh phát sinh, việc sử dụng hóa chất, thuốc kháng sinh trong phòng trị bệnh trong tôm nuôi đã ngày càng tạo áp lực phải thay đổi những cách thức tiếp cận mới trong nuôi tôm để ngành tôm có thể phát triển bền vững và quan trọng hơn là tôm và những sản phẩm từ tôm được chấp nhận trên thế giới, ngay cả những thị trường khó tính và khắt khe nhất.

CNSH ứng dụng rất nhiều trong ngành tôm từ lựa chọn tôm bố mẹ, sản xuất giống, chọn giống, phát hiện và điều trị bệnh, nuôi thương phẩm.

Trong đó, CNSH áp dụng trong nuôi tôm thương phẩm chủ yếu để đạt được những mục đích chính như : xử lý chất thải của tôm trong ao, tăng hệ số sử dụng thức ăn, ngăn ngừa sự bùng phát của dịch bệnh, hạn chế hoặc không dùng kháng sinh…

Nhiều quốc gia như Thái Lan đang phát triển công nghệ nuôi tôm theo CNSH, sau khi các lô hàng của họ bị thị trường EU trả về do phát hiện Chloramphenicol, một loại kháng sinh trong danh mục cấm sử dụng.

Hiện nay, 10% trong tổng số 20.000 trang trại nuôi tôm của Thái Lan đang nuôi tôm theo CNSH và số lượng này còn tăng trong những năm tiếp theo.

Indonesia đã áp dụng CNSH trong nuôi tôm thẻ chân trắng cho thấy chi phí sản xuất giảm khoảng 15-20%, năng suất và kích cỡ tôm đều được cải thiện, đặc biệt nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh thấp do không phải thay nước trong quá trình nuôi.

Những công nghệ của tương lai

CNSH ( men vi sinh ) trong nuôi tôm thương phẩm hiện nay chủ yếu sử dụng những vi khuẩn có lợi trong việc phân hủy chất thải hữu cơ độc hại trong ao và kích thích quá trình sử dụng và tiêu hóa thức ăn của tôm.

Công nghệ đó được biết qua những tên chủ yếu là Probiotic và Biofloc.

Những mô hình nuôi tôm tiên tiến trên thế giới hiện nay như Raceway, tuần hoàn… chỉ có thể thực hiện được khi có nền tảng vững chắc về công nghệ Probiotic hoặc Biofloc, hoặc sự kết hợp hỗ trợ lẫn nhau của cả hai.

Probiotic ( men vi sinh, men tiêu hóa ) được hiểu là những vi khuẩn sống có lợi được bổ sung vào môi trường ao nuôi hoặc trực tiếp vào cơ thể tôm (qua con đường thức ăn).

Để các vi khuẩn hữu ích có điều kiện phát triển mạnh mẽ hơn, cải thiện tiêu hóa tốt hơn cho tôm thì cần phải sử dụng nguồn thức ăn “đặc biệt” cho các vi khuẩn có lợi được gọi là Prebiotics.

Các vi khuẩn có lợi được sử dụng phổ biến là các khuẩn hình que và khuẩn sữa được chế ở dạng lỏng hoặc dạng viên.

Việc sử dụng Probiotic đang dần phổ biến ở nhiều quốc gia bởi những lợi ích của nó mang lại và hy vọng có thể thay thế việc sử dụng thuốc kháng sinh và hóa chất trong nuôi tôm, có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe con người.

Nếu công nghệ sinh học Probiotic tập trung vào sự hiệu quả của vi khuẩn với hệ tiêu hóa của tôm thì một công nghệ khác tập trung vào hiệu quả phân hủy nitơ (thức ăn dư thừa, chất thải của tôm) được gọi là Biofloc.

Công nghệ này hướng vào sử dụng vi khuẩn tự dưỡng để chúng có thể chuyển các chất thải hữu cơ (cơ chất) trực tiếp thành sinh khối vi khuẩn (thường rất giàu protein) trong thời gian cực ngắn mà không cần phải sử dụng ánh sáng mặt trời.

Khi được giữ lơ lửng liên tục trong nước và đạt đến một mật độ nhất định, các vi khuẩn sẽ kết dính lại với nhau thành những hạt nhỏ gọi là floc.

Mỗi floc có khoảng 2-20% là tế bào sống và 60-70% là chất hữu cơ, mỗi hạt floc ngoài vi khuẩn dị dưỡng còn có nấm, tảo, động vật phù du… là nguồn thức ăn tự nhiên có giá trị dinh dưỡng cao cho tôm.

Nhờ có sự phát triển CNSH nên nhiều mô hình nuôi tôm mới được phát triển và ứng dụng mang lại hiệu quả cao như công nghệ nuôi tôm siêu thâm canh trong đường máng nước xếp chồng lên nhau ở Mỹ, có thể sản xuất ra tôm có cỡ lớn tới 1,1 ounce/con và sản lượng 25kg/m3 nước…

Có thể nói công nghệ sinh học sẽ là chiếc chìa khóa vàng cho ngành tôm của thế giới trong tương lai.

TẠI VIỆT NAM, NĂM 2010, NHÓM NGHIÊN CỨU CỦA TRƯỜNG ĐẠI HỌC QUỐC TẾ (ĐẠI HỌC QUỐC GIA TP HỒ CHÍ MINH) ĐÃ HOÀN THÀNH NGHIÊN CỨU VỀ ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ BIOFLOC, VỚI ƯU THẾ GIẢM THIỂU NGUY CƠ LÂY NHIỄM DỊCH BỆNH, TĂNG NĂNG SUẤT VÀ ĐẶC BIỆT LÀ TIẾT KIỆM CHI PHÍ THỨC ĂN CHO NGƯỜI NUÔI TÔM.

Trang 30-31 báo CON TÔM số 3 tháng 1/2012

Tags: nuoi tom, nuoi trong thuy san, thuy san, con tom, nuoi tom, ao nuoi tom, quan li trong nuoi tom, con nghe sinh hoc, probiotic


Có thể bạn quan tâm