Trang chủ / Tin tức / Tin thủy sản

Nuôi tôm thế hệ mới chinh phục thị trường khó tính

Nuôi tôm thế hệ mới chinh phục thị trường khó tính
Tác giả: Đình Thung - Lê Khánh
Ngày đăng: 29/06/2021

Với công nghệ tiên tiến, tôm nuôi tại Công ty TNHH Việt Úc Phù Mỹ cho năng suất cao, sạch từ ao nuôi đến bàn ăn, chinh phục cả những thị trường khó tính.

Công ty TNHH Việt Úc Phù Mỹ đã chủ động sản xuất ra nguồn tảo tươi và Artemia hoàn toàn sạch, với các thành phần dinh dưỡng vượt trội, đáp ứng nhu cầu phát triển toàn diện của ấu trùng tôm. Ảnh: LK.

Nuôi tôm kỹ như nuôi con

Đầu tháng 10/2015, Khu phức hợp sản xuất tôm chất lượng cao của Công ty TNHH Việt Úc Phù Mỹ (đơn vị trực thuộc Tập đoàn Việt Úc) khởi công xây dựng tại xã Mỹ Thành (huyện Phù Mỹ, Bình Định).

Đến nay, Công ty TNHH Việt Úc Phù Mỹ đã triển khai xây dựng hoàn thành nhiều hạng mục tại khu phức hợp với diện tích 116ha nằm trong Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được tỉnh Bình Định quy hoạch tại xã Mỹ Thành, gồm các hạng mục: 10 nhà trại nuôi tôm loại I; 4 ao nuôi tôm loại II với diện tích 1.600m2/ao và 2 ao nuôi ương với diện tích 162m2/ao; 2 khu xử lý nước thải chính có công suất 9.000 m3/khu/ngày đêm. Hiện Công ty TNHH Việt Úc Phù Mỹ đang sản xuất 10 trại nuôi tôm loại I và 29 trại nuôi tôm loại II ứng dụng công nghệ nuôi tôm Biofloc, năng suất đạt 40-50 tấn/ha.

Ông Nguyễn Văn Thảo, Giám đốc Công ty TNHH Việt Úc Phù Mỹ, ứng dụng công nghệ cao là ưu tiên hàng đầu của đơn vị trong sản xuất tôm giống và tôm thương phẩm. Tất cả các ao nuôi tôm trong khu phức hợp đều được áp dụng quy trình sản xuất nhà màng của Israel, đảm bảo yêu cầu kết cấu bền vững, cơ giới hóa mức cao nhất.

Quy trình công nghệ đáp ứng các yêu cầu kiểm soát nghiêm ngặt về “tiểu khí hậu nhà kính”, “sinh học nhà kính” và “dịch hại nhà kính”, nhằm thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu. Tập đoàn cũng đã đầu tư xây hệ thống xử lý nước tuần hoàn theo công nghệ của Đức và Mỹ, kiểm soát tự động tất cả các thông số môi trường trong ao nuôi, bảo đảm chất lượng nước ổn định cho tôm sinh trưởng, không gây ô nhiễm môi trường. Nguồn tôm giống thả nuôi đảm bảo an toàn dịch bệnh.

“Với quy trình sản xuất, chế biến khép kín hiện đại, khi xuất khẩu, sản phẩm của chúng tôi không lo ngại các rào cản kỹ thuật cũng như tiêu chuẩn khắt khe của các thị trường khó tính như châu Âu, Nhật, Mỹ. Trong năm 2021, Công ty TNHH Việt Úc Phù Mỹ phấn đấu đạt sản lượng tôm nuôi 3.000 tấn và sản xuất, cung ứng ra thị trường khoảng 4 tỷ con tôm giống. Với việc ứng dụng công nghệ Biofloc trong nuôi tôm thương phẩm thành công, dự kiến, sản lượng tôm thương phẩm của chúng tôi sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới”, ông Nguyễn Văn Thảo, Giám đốc Công ty TNHH Việt Úc Phù Mỹ.

Đối với nước thải trong sản xuất, Công ty TNHH Việt Úc Phù Mỹ đưa ra hệ thống thải, xử lý bằng cách lắng bùn và xử lý bằng công nghệ MBBR qua hệ thống UV trước khi đưa ra môi trường. Công nghệ MBBR là 1 trong những công nghệ xử lý nước thải mới và tiên tiến nhất hiện nay.

Đối với xác tôm, sau khi thu gom, Công ty sẽ đưa ra hố tiêu hủy thuộc khu thải và dùng chế phẩm sinh học ủ để xác tôm phân hủy. Trong quá trình sản xuất, Công ty TNHH Việt Úc Phù Mỹ không sử dụng nước ngọt, nước ngọt chỉ sử dụng tưới cây xanh và vệ sinh ao nuôi khi kết thúc vụ nuôi.

“Với công nghệ tiên tiến, chúng tôi có thể thả tôm giống mật độ dày từ 300-600 con/m2 mặt nước và nuôi 3-4 vụ/năm, năng suất đạt từ 40-60 tấn/ha. Riêng năm 2020, mặc dù khó khăn bủa vây, nhưng chúng tôi đã đạt được kết quả khả quan trong ương nuôi tôm giống lẫn nuôi tôm thương phẩm. Sản lượng tôm thương phẩm thu hoạch trong năm vừa qua đạt 1.000 tấn với cỡ tôm loại 50-60 con/kg; đồng thời cung ứng ra thị trường 3,5 tỷ con tôm giống”, ông Thảo cho hay.

 

Tôm giống thế hệ mới tăng trưởng nhanh hơn 10%

Cũng theo ông Nguyễn Văn Thảo, nuôi tôm đạt năng suất cao là nhờ vào con giống chất lượng. Tập đoàn Việt Úc là đơn vị đầu tiên ở Việt Nam đi tiên phong trong việc đầu tư, nghiên cứu để chủ động được nguồn tôm bố mẹ.

“Hiện Tập đoàn Việt Úc là đơn vị đại diện cho Việt Nam góp mặt cùng với Mỹ, Singapore, Thái Lan, 4 nước hiện chủ động nguồn tôm bố mẹ tại chỗ. Tập đoàn Việt Úc đã cho ra đời tôm giống thế hệ mới công nghệ cao VUS LEADER 21. Tôm giống thế hệ mới cho tăng trưởng nhanh hơn 10% so với tôm giống thế hệ trước. Thêm vào đó, tôm giống thế hệ mới có sức đề kháng mạnh hơn, thích nghi tốt hơn và đầu con đạt hơn”, ông Thảo cho hay.

Theo giải thích của ông Thảo, sở dĩ tôm giống thế hệ mới công nghệ cao VUS LEADER 21 có được những tính trạng vượt trội là nhờ được sử dụng “nguồn sữa mẹ” từ lúc ấu trùng tôm còn trong giai đoạn đầu đời. Đây là yếu tố then chốt giúp nâng cao chất lượng nguồn tôm giống, ảnh hưởng sống còn đến tốc độ tăng trưởng và sức đề kháng khi nuôi tôm thương phẩm về sau.

Theo đó, Tập đoàn Việt Úc không chỉ sử dụng tảo tươi và Artemia trong quá trình ương dưỡng tôm giống như là 2 loại thức ăn thông thường, mà còn đầu tư lớn vào nguồn nhân lực cũng như công nghệ, trang thiết bị hiện đại, chuyên biệt để nghiên cứu chuyên sâu.

“Chúng tôi đã chủ động sản xuất ra nguồn tảo tươi và Artemia hoàn toàn sạch, với các thành phần dinh dưỡng vượt trội, đáp ứng nhu cầu phát triển toàn diện của ấu trùng tôm. Không chỉ vậy, để có được thế hệ tôm giống tôm giống công nghệ cao VUS LEADER 21 cực kỳ ưu việt, trong suốt quá trình ương dưỡng, Tập đoàn Việt Úc tăng “khẩu phần ăn”, sử dụng gấp đôi lượng tảo tươi và Artemia so với các thế hệ tôm giống trước đó. Đặc biệt, môi trường nuôi cần phải ổn định, phải nuôi theo quy trình vi sinh, không sử dụng kháng sinh theo quy trình Biofloc 2 giai đoạn sẽ có sản phẩm đạt chất lượng”, ông Thảo chia sẻ.

Trong lần đi thăm Khu phức hợp sản xuất tôm công nghệ cao của Công ty TNHH Việt Úc Phù Mỹ mới đây, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Hồ Quốc Dũng đánh giá cao kết quả sản xuất của đơn vị trong năm vừa qua. Ông Dũng đồng thời cho rằng, hướng đầu tư phát triển của doanh nghiệp phù hợp với định hướng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020-2025.

Tại buổi làm việc với Bí thư Tỉnh ủy Bình Định, đại diện Cty TNHH Việt Úc Phù Mỹ đề đạt nguyện vọng mong UBND tỉnh Bình Định và UBND huyện Phù Mỹ nhanh chóng hoàn thiện quy hoạch tỷ lệ 1/2000 đối với Đề án Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm với tổng diện tích 406ha trong năm 2021. Khi đã có quy hoạch, Công ty TNHH Việt Úc Phù Mỹ sẽ xúc tiến đầu tư xây dựng nhà máy chế biến thủy sản, nhà máy sản xuất thức ăn thủy sản, khu nghiên cứu và chuyển giao công nghệ nuôi tôm cho người dân.

Theo ông Nguyễn Văn Thảo, việc nhân rộng quy trình sản xuất tôm thương phẩm cho người dân địa phương, đơn vị này đang triển khai đến một số trang trại nuôi có cơ sở vật chất tương đồng, đồng thời đang nghiên cứu các quy trình nuôi trong nhà lưới, phù hợp với điều kiện của người dân địa phương. “Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ mở rộng khu nuôi tôm thương phẩm, đồng thời chuyển giao công nghệ, nhân rộng mô hình sản xuất tôm thương phẩm cho người dân địa phương.

“Việc doanh nghiệp xúc tiến đầu tư nhà máy chế biến thủy sản, chuyển giao công nghệ nuôi tôm cho người dân sẽ góp phần quan trọng phát triển ngành nuôi tôm trong tỉnh, đưa Bình Định trở thành trung tâm sản xuất tôm của khu vực miền Trung. Quan trọng hơn nữa là đảm bảo đầu ra ổn định, tăng thu nhập cho người nuôi tôm ở địa phương”, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Hồ Quốc Dũng, khẳng định.


Có thể bạn quan tâm

Nhận biết tôm bị bơm tạp chất Nhận biết tôm bị bơm tạp chất

Việc ăn tôm bơm tạp chất về lâu dài cũng có thể gây nguy hại đường tiêu hóa, nhẹ thì ngộ độc thực phẩm, tiêu chảy, nặng hơn có thể tích tụ chất độc

25/06/2021
Multiplex PCR - Phát hiện nhanh, chính xác bệnh gan thận mủ Multiplex PCR - Phát hiện nhanh, chính xác bệnh gan thận mủ

Phương pháp Multiplex PCR (PCR đa mồi) phát hiện nhanh và chính xác vi khuẩn Edwardsiella ictaluri gây bệnh gan thận mủ trên cá tra (Pangasianodon hypophthalmus

25/06/2021
Bể biogas giải quyết vấn nạn chất thải chăn nuôi, thủy sản Bể biogas giải quyết vấn nạn chất thải chăn nuôi, thủy sản

Trung tâm Thông tin và Ứng dụng KH-CN tỉnh Trà Vinh đã làm chủ công nghệ sản xuất bể biogas chất lượng cao bằng chất liệu composite.

26/06/2021