Nuôi tôm thẻ chân trắng vụ đông
Vào mùa đông, TTCT rất khó nuôi, đặc biệt ở miền Bắc. Kỹ thuật nuôi TTCT trong nhà bạt là biện pháp hữu hiệu để chủ động nuôi trong mùa đông giá rét.
Tác dụng của nhà bạt
Nhà bạt được xây dựng cố định, phủ bạt nilon sẽ giúp điều chỉnh nhiệt độ tốt hơn và phòng được bệnh đốm trắng trong giai đoạn chuyển mùa ở vụ đông.
Ban ngày, ao sẽ hấp thụ nhiệt từ bên ngoài và ban đêm hạn chế được sự thoát nhiệt và không khí lạnh lùa vào ao nuôi.
Nhiệt độ trong nhà bạt luôn cao hơn so với ngoài môi trường từ 5 – 70C nên nhà bạt có thể chống rét cho tôm.
Hạn chế được chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm, giảm thiểu được stress trên tôm nuôi do biến đổi đột ngột của thời tiết, nhất là những ngày chuyển rét đậm, giúp ao nuôi tôm không bị phân tầng nước vào những ngày mưa lớn.
Vì vậy, trong những giai đoạn điều kiện thời tiết bất thường, vẫn có thể chăm sóc tốt cho tôm và tăng số vụ nuôi trong năm.
Chuẩn bị ao nuôi
Ao có diện tích 2.000 – 5.000 m2, được lót bạt, độ sâu 1,5 – 1,8 m.
Hàm lượng ôxy hòa tan > 4 mg/l, pH: 7,5 – 8,5; độ kiềm: 80 – 120 mg/l, H2S < 0,01 mg/l, NH3 < 0,1 mg/l.
Có hệ thống cấp thoát nước, ao chứa, lắng hoàn chỉnh.
Chuẩn bị nhà bạt: Nhà bạt có thể dựng bằng cọc bê tông hoặc bằng cọc gỗ.
Dùng cột bê tông có chiều dài 5 – 6 m làm trụ đỡ, chăng dây cáp bọc nhựa tạo khung.
Sau đó phủ bạt kín, để phòng tránh để xô bạt, cần chăng đè dây cáp bọc nhựa lên trên.
Hoặc có thể dùng các cột gỗ có đường kính 6 cm, dùng dây thép (2,4 mm) buộc dựng thành khung cột và nâng đỡ giá lưới.
Khoảng cách giữa hai cột gỗ là 1,2 m.
Phủ một tấm phim nhựa mỏng lên trên.
Khi thiết kế, tạo cửa để dễ dàng trong khâu chăm sóc quản lý sau này.
Trước khi nuôi, cần có biện pháp cải tạo ao tốt, chỉ để lượng bùn đáy khoảng 5 – 10 cm, hoặc nếu đáy phủ bạt thì bóc lớp bạt cũ.
Sau đó bón vôi với liều lượng 15 – 17 kg vôi cho 100 m3, phơi đáy 5 – 7 ngày.
Nếu ao rải bạt đáy thì rải bạt mới.
Sau đó, cấp nước vào ao khoảng 1,2 – 1,4 m.
Gây màu nước: Có thể gây màu nước bằng cám gạo, bột cá, bột đậu nành nấu chín (2 – 3 kg/1.000 m3) trộn với men bánh mì rồi ủ chua.
Hoặc có thể dùng các loại phân vô cơ như NPK, DAP với liều lượng 2 – 3 kg/1.000 m3.
Bón liên tục trong khoảng 3 – 5 ngày đến khi thấy nước có màu xanh nõn chuối hay màu nâu với độ trong khoảng 30 – 40 cm thì ta tiến hành thả giống.
Thả giống
Thời gian thả giống từ khoảng giữa tháng 10 dương lịch.
Nên thả tôm giống trước khi chuyển mùa đông.
Tôm giống cỡ PL12 – 15, khỏe mạnh, đồng đều có màu sắc sáng bóng, tự nhiên.
Giống được bắt tại các trại giống có uy tín, đã được kiểm dịch chất lượng và nguồn gốc rõ ràng, có sức đề kháng với bệnh tốt.
Thả với mật độ 80 – 100 con/m2, lúc thời tiết dễ chịu, không thả vào lúc trời nắng, mưa.
Khi thả tôm, cần thả cả bao tôm giống xuống ao nuôi khoảng 15 – 20 phút khi nhiệt độ trong bao vận chuyển giống bằng với nhiệt độ ngoài môi trường nuôi.
Sau đó bắt đầu mở bao tôm giống ra, tạt nước ngoài môi trường vào bao, rồi từ từ thả tôm giống ra ngoài ao nuôi.
Chăm sóc quản lý
Sử dụng thức ăn công nghiệp theo hướng dẫn trên bao bì.
Nên cho tôm ăn một cách khoa học, hợp lý, tránh để thừa thức ăn, gây ô nhiễm môi trường ao nuôi.
Sử dụng sàng để cho tôm ăn, quan sát và điều chỉnh lượng thức ăn.
Thường xuyên kiểm tra, tránh trường hợp rách bạt khi gió to.
Một yếu tố quan trọng khi nuôi TTCT trong nhà bạt là cần chuẩn bị nhiều thiết bị quạt nước và thời gian chạy máy quạt nước trong ngày nhiều hơn, đảm bảo cung cấp đủ ôxy trong quá trình nuôi.
TTCT có nhu cầu ôxy cao (> 4 mg/l).
Trong điều kiện nuôi nhà bạt ở ao nuôi ít sự xáo trộn, hàm lượng ôxy hòa tan khuyếch tán vào ao nuôi thấp.
Ao nuôi 4.000 m2 thì cần chuẩn bị 5 dàn quạt nước (90 – 100 vòng quay/phút).
Tháng nuôi đầu tiên, thời gian quạt nước trong ngày từ 6 – 8 tiếng/ngày, khoảng từ 22 giờ hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau, sang tháng nuôi thứ hai, thời gian quạt nước từ 9 – 12 tiếng/ngày, bắt đầu từ 20 giờ hôm trước đến 7 giờ sáng hôm sau.
Đến tháng nuôi thứ ba, thời gian quạt nước là 15 tiếng/ngày, bắt đầu từ 16 giờ hôm trước đến 7 giờ sáng hôm sau.
Đo hàm lượng ôxy hòa tan hai lần một ngày vào 8 giờ sáng và 16 giờ chiều, nếu hàm lượng ôxy hòa tan thấp, cần điều chỉnh ngay chế độ quạt nước.
Ngoài việc đầu tư cơ bản thì yêu cầu tuân thủ quy trình nuôi.
Định kỳ sử dụng men vi sinh để cải thiện môi trường ao nuôi như chế phẩm sinh học EM, vi khuẩn quang hợp, C.P.Bio, Super VS hoặc các loại thuốc cải tạo đáy hiệu quả cao.
Định kỳ bón Dolomide một tuần một lần với liều lượng 7 – 10 kg/100 m3 nhằm ổn định độ kiềm và pH trong ao nuôi.
Kiểm soát độ trong của nước khoảng 20 – 30 cm.
Định kỳ 7 ngày bổ sung thêm nước cho ao nuôi một lần, thời gian đầu mỗi lần từ 2 – 5% độ sâu mực nước trong ao, thời gian cuối vụ nuôi mỗi lần từ 4 – 8%.
Nếu độ trong quá cao thì phải bón phân để gây màu nước cho ao.
Thường xuyên kiểm tra các yếu tố môi trường ao nuôi.
Khi có biến động bất thường, cần can thiệp kịp thời.
Thu hoạch: Sau 150 đến 170 ngày nuôi, tôm đạt kích cỡ 40 – 60 con/kg, tiến hành thu hoạch một lần.
Nuôi tôm trong nhà bạt tăng số vụ nuôi trong năm, giảm thiểu rủi ro, tăng năng suất trên một đơn vị diện tích, sản phẩm luôn chủ động để phục vụ thị trường với giá có thể cao gấp 1,5 lần so với chính vụ.
Có thể bạn quan tâm
Những tín hiệu vui về xuất khẩu thủy sản đã phần nào vực dậy nghề nuôi cá tra trầm lắng trong mấy tháng qua. Nhiều chủ hộ còn lưng đồng vốn đã khởi động cho vụ nuôi mới trong niềm hân hoan và hy vọng. Nhưng vẫn không ít nông dân rất băn khoăn là không biết nuôi như thế nào để đạt hiệu quả cao.
Ngày 28/9/2010, Chi cục Thủy sản Đồng Tháp đã mở lớp tập huấn “Chăm sóc, quản lý, phòng trị bệnh nhằm giảm giá thành trong nuôi cá tra” giúp người nuôi có lãi.
Không phải là vùng sông nước nhưng anh Bùi Văn Thơ ở ấp An Bình II, xã An Hòa Tây, huyện Ba Tri đã thành công qua mô hình nuôi cá tra thương phẩm với chi phí thấp nên thu được lãi cao trong điều kiện giá cá tra luôn biến động.
Theo như ý kiến của nhiều chuyên gia thủy sản, khi cá tra ăn mồi với lượng không ổn định, thường ăn rất trễ trong ngày và có biểu hiện hơi nhát có thể là do tầng đáy ao nuôi bị nhiễm phèn, do trời chuyển lạnh nên nhiệt độ ở tầng nước mặt bị giảm thấp và do chất vẩn hữu cơ lơ lửng trong nước quá nhiều.
Cá tra đánh bắt ngoài tự nhiên hoặc nuôi đăng quầng trong nước sông sạch thì luôn có thịt trắng, trong khi cá nuôi trong hầm, bè, nơi nước tù thì thịt cá bị vàng, chủ yếu do môi trường nước nuôi và chế độ cho ăn.