Nuôi tôm siêu thâm canh công nghệ cao
Neovia Việt Nam vừa giới thiệu dự án nuôi tôm thẻ siêu thâm canh kết hợp công nghệ cao (Biosipec).
Ao ương giai đoạn 2 trong hệ thống Biosipec
Dự án này không chỉ giúp làm tăng mạnh sản lượng tôm thẻ trong một vụ nuôi, làm tăng số vụ trong năm, mà còn giảm đáng kể tác động tới môi trường.
Theo ông Thomas Raynaud, GĐ Kỹ thuật và Marketing thủy sản của Neovia Việt Nam, Biosipec áp dụng rất nhiều công nghệ cải tiến, tiêu biểu như: Hệ thống xử lý nước để tăng cường an toàn sinh học (ATSH) và ngăn ngừa dịch bệnh; hệ thống sục khí đặc biệt để giảm chi phí năng lượng nhưng tối ưu hóa lượng oxy cung cấp; hệ thống cho ăn tự động với cảm biến âm thanh giúp cung cấp thức ăn theo nhu cầu của tôm, qua đó làm giảm chỉ số tiêu tốn thức ăn.
Khác với việc nuôi tôm thẻ theo cách thông thường chỉ có 1 giai đoạn (con giống mua về được thả thẳng xuống ao nuôi), Biosipec gồm 3 giai đoạn nuôi: 2 giai đoạn ương và 1 giai đoạn nuôi thương phẩm. Theo đó, hệ thống Biosipec được thiết kế tới 3 ao, gồm 1 ao ương giai đoạn 1, 1 ao ương giai đoạn 2 và 1 ao nuôi thương phẩm.
Ngoài ra còn có 1 ao chứa và 1 hệ thống xử lý nước. Các ao ương giai đoạn 1 và 2 được đặt trong nhà màng, trong đó, ao ương giai đoạn 1 là bể xi măng, ao ương giai đoạn 2 là dạng ao đất. Còn ao nuôi thương phẩm là ao ngoài trời.
Khi tôm giống mới đưa từ trại giống về, sẽ được thả vào ao ương giai đoạn 1. Do ở giai đoạn này, tôm rất nhạy cảm với môi trường, nên nước trong ao được xử lý tiệt trùng toàn bộ, không còn mầm bệnh. Nhờ đó, dù thả với mật độ tôm giống cao từ 5.000 - 12.000 con/m2, những sau khi kết thúc ương giai đoạn 1 (4 tuần ương), tỷ lệ tôm sống vẫn rất cao đạt tới trên 80%, kích cỡ tôm từ 250 - 500 mg/con.
Kết thúc ương giai đoạn 1, tôm sẽ theo dòng chảy tự nhiên sang ao ương giai đoạn 2. Với cách di chuyển này, tôm sẽ không bị stress, tránh bị lây nhiễm mầm bệnh... Ở giai đoạn ương này, mật độ tôm giống từ 300 - 500 con/m2, thời gian nuôi 6 tuần. Kết thúc ương giai đoạn 2, tôm đạt kích cỡ 5 - 6g/con, tỷ lệ sống cũng rất cao trên 80%.
Với việc ương 2 giai đoạn như trên, khi được đưa tới ao nuôi thương phẩm, tôm đã đạt kích cỡ của tôm giống lớn, có sức đề kháng tốt nhất, tỷ lệ sống cao nhất. Tạo ao nuôi thương phẩm, tôm được nuôi với mật độ 180 - 250 con/m2, thời gian nuôi 6 tuần, khi thu hoạch đạt 12 - 16 g/con, tỷ lệ sống 85%. Đặc biệt trong giai đoạn nuôi thương phẩm, Biosipec áp dụng hệ thống cho ăn tự động với cảm biến âm thanh giúp cung cấp thức ăn theo nhu cầu thực tế của tôm dưới ao nuôi.
Với 3 giai đoạn ương và nuôi như trên, cộng với việc áp dụng các công nghệ cao, Biosipec giúp cho tôm nuôi đạt tỷ lệ sống chung cho cả quá trình sản xuất đạt mức cao là trên 80%, trong khi nuôi thông thường chỉ đạt tỷ lệ sống bình quân 30 - 50%.
Nhờ nuôi mật độ cao và đạt tỷ lệ sống như trên, năng suất tôm nuôi theo hệ thống Biosipec có thể đạt tới 30 tấn/ha (nuôi thông thường 5 tấn/ha). Với thiết kế chia thành 3 ao với 3 giai đoạn ương, nuôi, hệ thống Biosipec giúp người nuôi tôm quay vòng vụ nhanh và có thể nuôi tới 5/vụ năm (tổng sản lượng 150 tấn/ha/năm). Còn nuôi thông thường vì chỉ có 1 giai đoạn nên chỉ được khoảng 2-3 vụ/năm.
Đó là hiệu quà kinh tế? Còn môi trường? Hệ thống Biosipec giúp tiết kiệm đáng kể lượng nước sử dụng trong quá trình nuôi tôm, vì không cần thay nước trong cả 2 giai đoạn ương và giai đoạn nuôi thương phẩm; giảm chi phí năng lượng nhờ hệ thống sục khí đặc biệt...
+ Ông Hubert de Roquefeuil, CEO của Tập đoàn Neovia khẳng định, Biosipec đã tạo nên mô hình chương trình trang trại tương lai, vì kết nối được tất cả các công nghệ, kỹ thuật với nhau trong suốt quá trình nuôi.
+ Ông Trần Công Khôi, Phó Vụ trường Vụ Nuôi trồng thủy sản (Tổng cục Thủy sản) cho biết, ngành nuôi thủy sản nói chung, nuôi tôm nói riêng ở Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm môi trường từ chính quá trình nuôi. Do đó, ngành thủy sản đang rất cần những mô hình nuôi cho năng suất cao mà ít tác động tới môi trường. Với mục đích và những kết quả đã đạt được, hệ thống Biosipec rất phù hợp với định hướng phát triển nuôi trồng thủy sản của Việt Nam.
Có thể bạn quan tâm
Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng theo hướng VietGAP chuẩn bị bước vào vụ mới đem lại nhiều lợi ích, không những con tôm nuôi đạt kích cỡ, sản lượng cao,sạch bệnh
Bệnh do vi khuẩn gây nên, khiến vỏ tôm bị tổn thương, hoặc mềm vỏ, có nhiều loại vi khuẩn có khả năng ăn mòn lớp kitin ở vỏ tôm và gây lở loét
Một thí nghiệm mới của Calysta cho thấy sản phẩm FeedKind có khả năng giúp tôm sóng sót và tăng trưởng tương đương hoặc cao hơn bột cá