Nuôi tôm quảng canh cải tiến ít thay nước
Nghề nuôi tôm ở Cà Mau đang phải đối diện với những thách thức do các tác động bất lợi từ thời tiết, dịch bệnh, ô nhiễm môi trường... Để thích ứng với biến đổi khí hậu, ngành chức năng của tỉnh đã thực hiện nhiều mô hình nuôi cải tiến.
Mô hình giúp người dân có thu nhập ổn định
Với lợi thế đầu tư ít, nguồn thu ổn định, dễ thực hiện, nuôi tôm quảng canh cải tiến ít thay nước được đánh giá là mô hình bền vững, phù hợp với điều kiện phát triển của đa số dân địa phương.
Thành công của mô hình này được khẳng định vào năm 2016. Ngành nông nghiệp tỉnh đang triển khai nhân rộng. Tại huyện Năm Căn, Trung tâm Khuyến nông Cà Mau đã kết hợp với Phòng NN-PTNT huyện thực hiện nhân rộng hơn 160ha.
Gia đình ông Nguyễn Thành Nhân ở xã Hàng Vịnh, huyện Năm Căn đã có kinh nghiệm nuôi tôm gần 20 năm. Vài năm qua, năng suất tôm nuôi ngày càng giảm, từ khó khăn trên, cuối năm 2016, ông Nhân đã mạnh dạn tiến hành thực hiện mô hình nuôi quảng canh cải tiến ít thay nước.
Sau gần 3 tháng thực hiện mô hình, trên diện tích đất hơn 2ha, ông Nhân đều đặn có cho nguồn thu từ 15 - 20kg tôm mỗi con nước (một tháng có 2 con nước bắt tôm). Với giá bán trên dưới 200.000 đồng/kg, là nguồn thu ổn định rất lâu rồi mới trở lại với ông.
Đến nay, sau hơn nửa năm gắn bó, ông Nhân đánh giá mô hình rất phù hợp với bà con. “Mô hình này không đòi hỏi vốn nhiều, kỹ thuật cũng không quá khó. Đặc biệt, nguồn thu từ mô hình ổn định và vượt trội so với nuôi tôm quảng canh truyền thống”, ông Nhân nói.
Gia đình ông Quang Văn Thảnh ở thị trấn Năm Căn cũng tiến hành thực hiện mô hình từ giữa năm 2016. Với diện tích 3ha, trước kia những con nước trúng tôm, gia đình ông mới thu được 4 - 5 triệu đồng. Sau khi làm mô hình, mỗi con nước trung bình gia đình ông bỏ túi không dưới 10 triệu đồng.
Theo ông Thảnh, cơ bản vấn đề cải tạo nuôi của mô hình cũng như nuôi tôm trước đây. Nhưng khác là đều đặn cứ sau 15 ngày, phải dùng men vi sinh tưới đều trên diện tích ao để giúp cải tạo môi trường nước và đáy ao.
Ông Mã Huy, PGĐ Trung tâm Khuyến nông Cà Mau cho biết: Đối với các mô hình nuôi tôm quảng canh thông thường chỉ đạt trung bình trên dưới 200kg/ha/năm. Riêng mô hình nuôi quảng canh cải tiến ít thay nước có thể đạt 400 - 500kg/ha/năm. Thực tế, các mô hình do trung tâm triển khai trong nông hộ đều cho năng suất tôm tăng từ 2 - 3 lần so với trước đây.
Hiệu quả bền vững của mô hình hứa hẹn tạo đột phá tăng sản lượng nuôi tôm
Nói về kỹ thuật để mô hình đi đến thành công, ông Huy lưu ý, về vấn đề bờ bao bà con phải gia cố kỹ để chống rò rỉ phục vụ cho việc ít thay nước. Bên cạnh đó, bà con cần dùng chế phẩm sinh học định kỳ để cải tạo. Bước nâng cao của mô hình này là bà con cần thường xuyên kiểm tra các yếu tố môi trường trong ao nuôi để xử lý kịp thời và kiểm soát dịch bệnh. Đặc biệt, công đoạn vèo tôm rất quan trọng nhưng trước đây bà con thường bỏ qua. Thực hiện mô hình này bắt buộc phải làm để kiểm soát và đạt được số lượng con giống thả ra...
“Không chỉ dễ thực hiện, mô hình trên còn vượt trội về hiệu quả kinh tế và thể hiện được sự bền vững so hơn các hình thức nuôi quảng canh khác. Đặc biệt, mô hình còn được đánh giá cao khi tạo ra sản phẩm sạch, đạt được các tiêu chuẩn chứng nhận, phù hợp với xu hướng của thị trường. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình để đột phá tăng sản lượng tôm của tỉnh”, ông Huy nói.
Có thể bạn quan tâm
Toàn ngành nuôi trồng thủy sản Myanmar thay đổi sau khi các cơ quan quản lý hợp tác với Hội đồng Xuất khẩu ngũ cốc Mỹ (USSEC) đẩy mạnh nghề nuôi cá rô phi
Tình hình hiện nay đang đặt ra những vấn đề đầy thách thức đối với sản phẩm cá tra, một mặt hàng thủy sản chiến lược của nước ta.
Tuy thị trường xuất khẩu gạo của nước ta gần đây đã khởi sắc nhưng với việc đẩy giá lúa gạo trong nước lên cao như hiện nay, rất có thể xuất khẩu gạo