Trang chủ / Tin tức / Tin thủy sản

Nuôi tôm hùm bằng vật liệu mới

Nuôi tôm hùm bằng vật liệu mới
Tác giả: Đức Huy
Ngày đăng: 09/10/2018

Sở NN-PTNT tỉnh Phú Yên vừa phối hợp với TX.Sông Cầu tổ chức hội thảo về vật liệu mới làm lồng nuôi tôm hùm, nhằm tìm hướng đi ổn định, bền vững cho vùng nuôi tôm hùm lớn nhất của Phú Yên.

Lồng nuôi tôm hùm bằng vật liệu mới được giới thiệu tại hội thảo

Hiện Phú Yên có 3 vùng nuôi thủy sản lồng bè tập trung được quy hoạch ổn định lâu dài, gồm: vùng nuôi H.Tuy An (650 ha) và 2 vùng nuôi ở TX.Sông Cầu là vịnh Xuân Đài (747 ha), đầm Cù Mông (253 ha). Lâu nay, ngư dân chủ yếu làm lồng nuôi tự phát, vật liệu đều là gỗ và sắt, chưa chú trọng đến khâu xử lý môi trường nên gây ô nhiễm môi trường. Điểm yếu của lồng nuôi tôm hùm do người dân tự làm đã bộc lộ sau cơn bão số 12 vừa qua khi nhiều lồng bị phá hỏng.

Ông Đào Mai Quốc Việt, cán bộ Trung tâm khuyến nông tỉnh Phú Yên, cho biết đơn vị đã phối hợp với một công ty Singapore thử nghiệm mô hình nuôi tôm hùm thương phẩm bằng lồng lưới hợp kim đồng tại một hộ ở thôn Dân Phú 2, xã Xuân Phương (TX.Sông Cầu). Lồng nuôi có kích thước 2,5 x 2,5 x 1,2 m, khung lồng làm bằng sắt, lưới bằng hợp kim đồng, mắt lưới 2a (khoảng 4 cm). Mô hình này triển khai từ tháng 7.2017 và qua cơn bão số 12 năm 2017 đến nay lồng nuôi vẫn đảm bảo chất lượng. Sau 12 tháng lồng nuôi vẫn còn tốt, không biến dạng qua mưa bão; đặc biệt là hàu, hà bám vào lồng không đáng kể. Loại lồng này rất thông thoáng (do mắt lưới lớn) nên tăng cường lưu thông nước, hạn chế dịch bệnh trên tôm nuôi.

Hội thảo còn đưa ra một vật liệu mới nữa là lồng tôm hùm làm bằng nhựa HDPE. Trong mùa mưa bão năm 2017 tại tỉnh Khánh Hòa, tất cả lồng nuôi bằng nhựa HDPE đều an toàn, trong khi lồng nuôi truyền thống bị hư hỏng nặng.

Theo nhiều ngư dân, 2 loại vật liệu mới làm lồng nuôi đều tốt, nhưng lồng bằng hợp kim đồng có mắt lưới quá lớn, chỉ thả nuôi cỡ tôm từ 4 - 6 tháng trở lên nên vẫn phải nuôi lồng truyền thống ở giai đoạn đầu. Trong khi đó, nhà sản xuất chỉ bán lưới mà không sản xuất ra nguyên chiếc lồng nên ngư dân phải thuê làm thêm khung lồng và bọc lưới, tốn kém và mất thời gian. Còn với lồng bằng nhựa HDPE, kích thức nhỏ nhất của nhà sản xuất đưa ra là 4 x 4 x 4 m, trong khi lồng nuôi truyền thống lâu nay cỡ 2,5 x 2,5 x 1,2 m. Cả hai loại lồng nuôi bằng vật liệu mới này đều đắt hơn lồng nuôi truyền thống 4 - 10 lần, nên nhiều người nuôi muốn đầu tư nhưng chưa được.

TS Võ Văn Nha, Giám đốc Trung tâm quan trắc môi trường và cảnh báo dịch bệnh, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III, khuyến cáo Phú Yên và các cơ quan chức năng cần có nghiên cứu thêm đối với vật liệu lưới lồng làm bằng hợp kim đồng có ảnh hưởng đến môi trường hay không, bởi hợp kim đồng ở dưới nước lâu ngày cũng sẽ bị bào mòn. Với số lượng ở TX.Sông Cầu khoảng 83.000 lồng, thì sau một thời gian nhất định nào đó vùng nuôi có khả năng bị nhiễm đồng hay không? Tỉnh cần làm việc với các nhà khoa học để có những nghiên cứu về vật liệu mới bền hơn, phù hợp hơn thay thế vật liệu làm lồng nuôi truyền thống.


Có thể bạn quan tâm

Một số phương pháp dùng thuốc trong nuôi trồng thủy sản Một số phương pháp dùng thuốc trong nuôi trồng thủy sản

Giới thiệu 6 phương pháp dùng thuốc và hóa chất thường được áp dụng để phòng trị các bệnh bên ngoài và bên trong cơ thể của động vật thủy sản

06/10/2018
Công nghệ thông minh cho nuôi cá biển xa Công nghệ thông minh cho nuôi cá biển xa

Sự xuất hiện của robot và thiết bị bay tự động dưới nước đã giúp nghề nuôi biển ngoài khơi bền vững, đồng thời chính thức tạo ra cuộc cách mạng hóa ngành nuôi

06/10/2018
Mô hình nuôi tôm hùm tiêu biểu ở Phú Yên Mô hình nuôi tôm hùm tiêu biểu ở Phú Yên

Mô hình nuôi tôm hùm kết hợp vẹm xanh, rong sụn để cải thiện môi trường trong vùng nuôi tôm hùm tại xã Xuân Phương

09/10/2018