Trang chủ / Tin tức / Tin thủy sản

Nuôi tôm công nghệ cao Hướng phát triển bền vững

Nuôi tôm công nghệ cao Hướng phát triển bền vững
Tác giả: Việt Nguyễn
Ngày đăng: 11/03/2019

Nuôi tôm công nghệ cao với quy mô lớn lần đầu tiên được doanh nghiệp áp dụng trên địa bàn tỉnh đã cho hiệu quả vượt trội. Đây là hướng phát triển bền vững vì vừa thu được hiệu quả kinh tế cao vừa không ảnh hưởng xấu đến môi trường.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh tham quan mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao của Công ty CP QNTEK. Ảnh: Q. V

Đầu tư lớn

Tháng 10.2018, Công ty CP QNTEK (phường An Mỹ, TP.Tam Kỳ) huy động 40 tỷ đồng để đầu tư các hạng mục hạ tầng phục vụ nuôi tôm công nghệ cao với diện tích ban đầu là 6,5ha tại thôn Phước An, xã Bình Hải (Thăng Bình). Doanh nghiệp đã thả nuôi 20 triệu con giống tôm thẻ chân trắng với mật độ cao là hơn 350 con/m2. Ông Trần Bá Cương - Giám đốc Kỹ thuật Công ty CP QNTEK khẳng định, đây là mô hình nuôi tôm theo quy trình sạch. Công nghệ nuôi tôm tiên tiến nhất hiện nay đang được ứng dụng là công nghệ bọt khí Micro-Nano Oxygen, giữ oxy hòa tan trong nước ≥ 6ppm. Trong quá trình nuôi tôm chỉ sử dụng các men vi sinh có sẵn trong môi trường, không sử dụng men vi sinh bổ sung để phân hủy hữu cơ. Đinh lăng, tỏi, ổi vốn có rất nhiều trên địa bàn tỉnh được doanh nghiệp sử dụng làm các khoáng vi sinh dược liệu cho nuôi tôm. Quá trình nuôi tôm đã xử lý nước thải tuần hoàn bằng công nghệ bọt khí Micro-Nano Ozone, hạn chế tối đa mật độ tảo trong ao nuôi. Đến nay, tất cả tôm nuôi đã phát triển tốt, bước vào giai đoạn thu hoạch, doanh nghiệp dự tính thu được 70 tỷ đồng/vụ.

Ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao kể trên thu được sản lượng, năng suất cao vượt trội so với nuôi tôm quảng canh truyền thống. Vốn lớn, kỹ thuật sản xuất cao nên mô hình này bước đầu chỉ có những doanh nghiệp lớn đầu tư. Trước đây, nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao xuất hiện tại Quảng Nam thông qua mô hình của ông Trần Công Thành (xã Tam Hòa, Núi Thành) và mô hình của ông Nguyễn Xuân Cần (xã Bình Hải, Thăng Bình) với quy mô diện tích nhỏ hơn, mức đầu tư, ứng dụng công nghệ, tổ chức sản xuất cũng nhỏ hơn. “Nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao đòi hỏi phải có vốn lớn, trình độ, năng lực, khả năng quản lý cao hơn thông thường. Nuôi tôm công nghệ cao đem lại giá trị kinh tế cực lớn nhưng người dân rất khó tiếp cận, ứng dụng” - ông Ngô Tấn nói.

Công nghiệp nuôi tôm

Theo bà Phạm Thị Hoàng Tâm - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Nam, điểm nổi bật của nuôi tôm công nghệ cao là kiểm soát toàn bộ chu trình nuôi. Theo đó, kiểm soát tất cả chỉ tiêu môi trường nước, thức ăn, tảo, chất thải. Người nuôi tôm hay doanh nghiệp đòi hỏi phải đầu tư hệ thống công trình nuôi tôm khoa học, bố trí liên hoàn từ hệ thống ao nuôi, ao lắng, trữ nước, ao chứa chất thải và hệ thống xử lý chất thải, bảo vệ môi trường.

Ông Trần Bá Cương cho rằng, đầu tư nuôi tôm công nghệ cao đi đôi với xác lập quy trình nuôi tôm sạch, không sử dụng kháng sinh, hóa chất, đáp ứng các tiêu chí xuất khẩu khắt khe của thị trường ngoài nước, đảm bảo an toàn thực phẩm cho người dùng. Doanh nghiệp có thể phổ biến, hướng dẫn để người dân trên địa bàn tỉnh áp dụng, đầu tư nuôi tôm tập trung, kiểm soát môi trường nước nuôi tôm, xử lý chất thải, bảo vệ môi trường sinh thái. Để nuôi tôm theo quy trình này, mỗi héc ta cần đầu tư hạ tầng và trang thiết bị máy móc khoảng... 5 tỷ đồng. Công ty CP QNTEK cho biết, trong những năm tới, doanh nghiệp sẽ phát triển diện tích nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao lên quy mô 100ha, triển khai theo hình thức công nghiệp, có thể đem lại giá trị hàng hóa xuất khẩu lớn. Khi đó, bắt buộc phải có chiến lược về thị trường tiêu thụ, xây dựng nhà máy chế biến, ký kết hợp đồng xuất khẩu tôm với doanh nghiệp nước ngoài.

Khi đến tham quan mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao của Công ty CP QNTEK, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho biết, đây là mô hình rất tiến bộ, có nhiều cải tiến, ứng dụng công nghệ tiên tiến hơn, đặc biệt là vấn đề xử lý môi trường. Đây là mô hình nuôi tôm Quảng Nam rất khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thuận lợi. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho rằng nuôi tôm trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua còn quá sơ sài, theo hướng quảng canh là chính, kỹ thuật hạn chế, được chăng hay chớ. Khâu lấy nước và xả thải nước ra môi trường vẫn còn rất nhiều khiếm khuyết, gây ô nhiễm đến khu vực ven biển của huyện Thăng Bình, Núi Thành, TP.Tam Kỳ. Từ mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao của Công ty CP QNTEK, Quảng Nam khuyến khích các doanh nghiệp cùng với các hộ nuôi tôm trên cát trong vùng quy hoạch ở huyện Thăng Bình và Núi Thành hợp tác với nhau để cùng đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng nuôi tôm đảm bảo tiêu chuẩn, quản lý khai thác tốt. Đây là hướng phát triển bền vững vì vừa thu được hiệu quả kinh tế cao vừa không ảnh hưởng xấu đến môi trường.


Có thể bạn quan tâm

Thức ăn thủy sản thách thức thay thế bột cá Thức ăn thủy sản thách thức thay thế bột cá

Đến nay, thế giới vẫn không ngừng tìm kiếm nguồn thức ăn thủy sản bền vững, đó là một sứ mệnh khó khăn cho tương lai ngành thức ăn thủy sản.

08/03/2019
Công nghệ nâng bước thủy sản Công nghệ nâng bước thủy sản

Ngành thủy sản năm qua được đánh giá có những bước tiến dài về khoa học công nghệ, phát huy hiệu quả các lợi thế cạnh tranh, ứng dụng công nghệ vào sản xuất

08/03/2019
Hướng dẫn bệnh cá - Bệnh virus cá da trơn (CCVD) Hướng dẫn bệnh cá - Bệnh virus cá da trơn (CCVD)

CCVD là do herpesvirus gây ra. Nó được biết là ảnh hưởng đến cá da trơn Blue và Channel. Bệnh chủ yếu xảy ra ở cá dưới một năm tuổi

08/03/2019