Trang chủ / Tin tức / Tin thủy sản

Nuôi thủy sản ở Sóc Trăng: Không chỉ là sú, thẻ

Nuôi thủy sản ở Sóc Trăng: Không chỉ là sú, thẻ
Tác giả: Mai Trường
Ngày đăng: 26/10/2017

Trong những năm gần đây, tại những vùng mặn, lợ ở Sóc Trăng, nhiều đối tượng nuôi mới được người dân đưa vào sản xuất không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế cao, mà còn góp phần tạo thế bền vững cho ngành thủy sản nói chung và tôm nước lợ nói riêng của tỉnh.

Cá bông lau cũng được đưa vào nuôi trên vùng đất Cù Lao Dung cho hiệu quả không thua gì nuôi tôm sú Ảnh: X.Trường 

Nhiều lợi thế

Do diện tích, sản lượng và giá trị quá lớn, nên mỗi khi nhắc đến nghề nuôi thủy sản vùng mặn, lợ ở Sóc Trăng, mọi người hầu như chỉ nhắc tới con tôm sú và tôm thẻ chân trắng. Tuy nhiên, với diện tích bãi bồi ven biển rộng hàng chục nghìn ha cùng hệ thống rừng phòng hộ khá dầy là điều kiện lý tưởng cho nhiều giống, loài thủy sản có giá trị cư ngụ và sinh sản, tạo nguồn giống tự nhiên phong phú, đa dạng, phục vụ tốt cho việc khai thác nguồn giống.

Thực tế cho thấy, từ lâu, cư dân vùng ven biển Sóc Trăng đã biết tận dụng nguồn tài nguyên “trời cho” này để làm sinh kế. Ban đầu chỉ là khai thác một số giống, loài phổ biến như: nghêu giống, nghêu thịt, cua biển giống, cá kèo giống, cá bông lau giống…; sau đó tiến thêm một bước cao hơn là đưa vào nuôi trồng để gia tăng giá trị và hiệu quả kinh tế.

Đối với nguồn nghêu giống tập trung chủ yếu ở bãi bồi ven biển xã An Thạnh Nam, huyện Cù Lao Dung và xã Vĩnh Hải, thị xã Vĩnh Châu trên diện tích gần 4.000 ha, với sản lượng khai thác gần 500 tấn nghêu giống mỗi năm. Ngoài lượng nghêu giống, hai khu vực trên còn có sự xuất hiện của nghêu thịt, dù sản lượng không cao, nhưng cũng là nguồn thu nhập đáng kể cho cư dân vùng ven biển. Theo chị Nguyễn Thị Lành, một hộ khai thác nghêu ở Cù Lao Dung, khi hết mùa nghêu giống, chị chuyển sang cào nghêu thịt mỗi ngày cũng được vài chục ký, thu nhập khoảng 200.000 đồng.

Theo PGS.TS Trần Đắc Định, Phó trưởng Bộ môn Quản lý kinh tế nghề cá, Khoa Thủy sản, Trường Đại học Cần Thơ: “Ngoài nuôi thủy sản thì những vùng bãi bồi ven biển Sóc Trăng còn là một lợi thế để phát triển nghề nuôi nghêu, nhất là nghêu bố mẹ. Trước mắt, là nuôi nghêu bố mẹ thử nghiệm ở huyện Cù Lao Dung, sau đó sẽ từng bước mở rộng diện tích”. Hiện tại, bãi nghêu Cù Lao Dung đang được khoanh nuôi để bảo tồn đàn nghêu giống, nghêu bố mẹ nhằm nâng cao sinh kế cho người dân trong vùng.

Đa dạng đối tượng

Sau khi nghề nuôi tôm nước lợ bị thiệt hại nặng do dịch bệnh EMS vào năm 2011, nhiều đối tượng nuôi mặn, lợ bắt đầu được người dân quan tâm nhiều hơn, nên diện tích cũng ngày một tăng theo. Trong số này có hai đối tượng phát triển mạnh là cá kèo và cua biển, nhờ nguồn con giống tự nhiên tại chỗ khá dồi dào và điều kiện nuôi phù hợp.

Theo ThS Quách Thị Thanh Bình, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Sóc Trăng, từ đầu năm đến nay, nông dân vùng ven biển trong tỉnh thả nuôi 361 ha cá kèo và 391 ha cua biển. Kết quả, thu hoạch 201 ha cá kèo và 261 ha cua biển cho thấy, năng suất cá kèo bình quân ước 17 tấn/ha, còn cua biển là 0,9 tấn/ha. Với năng suất này trong vụ cá kèo năm nay, bình quân người nuôi thu lãi 170 - 200 triệu đồng/ha/vụ, còn cua biển, người nuôi cũng có mức lãi 70 - 100 triệu đồng/ha/vụ. Ông Lý Chí Hiếu, Phó Trạm Khuyến nông thị xã Vĩnh Châu cho biết, cua biển và cá kèo chủ yếu được người dân tận dụng nuôi xen canh, luân canh với tôm nước lợ hoặc artemia để vừa tăng thêm thu nhập, vừa có nguồn nước tốt để nuôi tôm. Tuy phát triển muộn hơn con cá kèo và cua biển, nhưng các đối tượng nuôi mới như: cá chẽm, cá dứa, cá bông lau cũng cho thấy tiềm năng phát triển rất lớn. Trước đây, nghề nuôi cá chẽm phát triển khá mạnh, nhưng do khâu tiêu thụ không ổn định nên một số người bỏ nghề, diện tích nuôi cá chẽm của tỉnh đến thời điểm này ước  khoảng 67 ha, tập trung nhiều ở huyện Trần Đề, thị xã Vĩnh Châu.

Một trong những người nuôi cá chẽm thành công nhất tại Sóc Trăng là anh Võ Điền Trung Dũng, ấp Tổng Cáng, xã Liêu Tú, huyện Trần Đề, với diện tích nuôi thâm canh lên đến 11 ha, cho năng suất bình quân 90 - 100 tấn/ha. Từ năm 2015, anh Dũng đã kết nối được với đầu mối ở chợ Bình Điền (TP Hồ Chí Minh), nên việc tiêu thụ rất thuận lợi, người nuôi có lợi nhuận cao và ít rủi ro so với nuôi tôm. Anh Dũng cho biết: “Để có đầu ra ổn định, cần có sự liên kết và thả nuôi luân phiên mới đủ lượng sản phẩm cung cấp thường xuyên theo yêu cầu thị trường”.

Mới được đưa vào nuôi thương phẩm 2 năm nay, nhưng con cá bông lau đang chứng tỏ lợi thế không nhỏ của mình so với một số đối tượng nuôi mặn, lợ khác. Cái lợi lớn nhất của nghề nuôi cá bông lau ở Cù Lao Dung chính là con giống được khai thác tại chỗ, nuôi bằng nguồn nước tại chính nơi khai thác chúng, nên chẳng những phát triển tốt, mà chất lượng thịt cá cũng thơm ngon không thua kém ngoài tự nhiên.

Theo anh Nguyễn Văn Kiệt, ở ấp Vàm Hồ, xã An Thạnh Nam, sau khoảng 8 tháng nuôi bằng thức ăn công nghiệp cá đã đạt cỡ 1,2 kg/con và bán được giá 115.000 đồng/kg. Với giá bán trên cùng với năng suất khoảng 14 - 15 tấn/ha, người nuôi có lời không thua gì tôm nước lợ. Ngoài ra, người dân còn tận dụng nguồn nước nuôi cá bông lau để phục vụ cho vụ tôm tiếp theo rất hiệu quả.

Bên cạnh các đối tượng nuôi mặn, lợ đã chứng minh được tính hiệu quả, vẫn còn một số đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao rất có tiềm năng đang được ngành nông nghiệp tỉnh đưa vào nuôi thử nghiệm tại các địa phương, như: cá chim vây vàng, cá dứa, cá rô phi đơn tính, cá đù…

Con tôm sú và tôm thẻ chân trắng đã khẳng định tính hiệu quả, nhưng độ rủi ro vẫn còn cao, nên việc đa dạng hóa đối tượng nuôi thủy sản cho vùng mặn, lợ là hướng đi phù hợp, nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của vùng này; giúp gia tăng giá trị, hiệu quả và phục vụ cho mục tiêu phát triển thủy sản của tỉnh một cách bền vững trong thời gian tới.

>> Hiện, diện tích nuôi cá dứa tại Sóc Trăng là 22,7 ha, cá chim vây vàng 9 ha, cá đù 2 ha, cá rô phi đơn tính 296 ha; điều này cho thấy các đối tượng này đã thích nghi cao với điều kiện nuôi trong tỉnh và đang có thị trường khá ổn định.


Có thể bạn quan tâm

Châu Âu 'rút thẻ vàng' với hải sản Việt Nam Châu Âu 'rút thẻ vàng' với hải sản Việt Nam

“thẻ vàng” được xem là hình thức cảnh cáo chưa đi kèm các biện pháp trừng phạt. Lý do EU rút thẻ vàng vì cho rằng VN chưa quản lý tốt ngành khai thác hải sản

25/10/2017
Nông dân thu tiền tỷ nhờ nuôi tôm trên cát Nông dân thu tiền tỷ nhờ nuôi tôm trên cát

Nuôi tôm trên cát đang mang lại tiền tỷ cho nông dân Diễn Châu (Nghệ An) bởi chất lượng của tôm cao, đầu ra thuận lợi.

26/10/2017
Nuôi cá bống bớp năng suất cao vùng nước lợ Nuôi cá bống bớp năng suất cao vùng nước lợ

Quy trình này được Viện Nghiên cứu Hải sản thực hiện với mục đích đưa cá bống bớp trở thành đối tượng thủy sản xuất khẩu chủ lực của từng địa phương

26/10/2017