Trang chủ / Tin tức / Tin thủy sản

Nuôi thí điểm hải sâm tại đầm nước mặn Sa Huỳnh

Nuôi thí điểm hải sâm tại đầm nước mặn Sa Huỳnh
Tác giả: A.KIỀU
Ngày đăng: 11/04/2018

Hải sâm là loài có giá trị dinh dưỡng và kinh tế cao, được xem là “thần dược của biển cả” vừa được thả giống nuôi thí điểm tại đầm nước mặn Sa Huỳnh, xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ.

Nuôi hải sâm ghép với tôm, ốc hương sẽ giúp các vùng nuôi tôm ven biển của tỉnh xử lý được vấn nạn ô nhiễm môi trường nước. Ảnh: A.KIỀU

Dễ nuôi, thu nhập cao, bao tiêu đầu ra

Công ty TNHH Hải sâm Việt Nam vừa hỗ trợ giống, hướng dẫn kỹ thuật cho các hộ dân ở Sa Huỳnh triển khai thí điểm mô hình nuôi hải sâm, mở ra triển vọng phát triển đối tượng này trên địa bàn huyện Đức Phổ nói riêng và các địa phương ven biển nói chung.

Mô hình nuôi hải sâm tại Sa Huỳnh thả giống trong ao nuôi có diện tích gần 2ha, với số lượng giống được thả là 15.000 con. Nước tại ao nuôi được dẫn trực tiếp từ ngoài biển vào và không qua bất kỳ một bước xử lý hóa học nào. Dự kiến thời gian nuôi từ 8 - 10 tháng.

Theo Giám đốc điều hành Công ty TNHH Hải sâm Việt Nam Vũ Ngọc Tuyến, công ty đã phối hợp với nông dân triển khai nuôi hải sâm ở Khánh Hòa với diện tích lớn. Công ty cung cấp giống, hỗ trợ kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm đầu ra. Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản III tỉnh Khánh Hòa là đơn vị cung cấp giống cho công ty. 

Hải sâm là loài khó gây giống, nhưng lại rất dễ nuôi. Bà con chỉ cần thường xuyên thay nước cho ao nuôi mà không tốn chi phí thức ăn như các vật nuôi khác. Quá trình nuôi cũng chưa phát hiện dịch bệnh gây hại cho hải sâm.

Hải sâm là loài động vật sống dưới đáy ao, có đặc tính ăn đáy, ăn những chất thải hữu cơ ở đáy ao. Ở các tỉnh Khánh Hòa, Bình Định, Phú Yên, bà con thả nuôi chung với ốc hương, tôm, chúng được dùng là loài vật giúp vệ sinh ao nuôi, hạn chế được việc thải một lượng lớn thức ăn thừa và phân của các vật nuôi khác  ra biển, gây ô nhiễm môi trường nước. 

Cũng theo ông Vũ Ngọc Tuyến, với 1ha ao nuôi, trong thời gian nuôi từ 8 - 10 tháng, có thể mang lại cho nông dân thu nhập từ 200 - 300 triệu đồng. Khi thu hoạch, công ty cam kết thu mua toàn bộ sản lượng hải sâm cho bà con. Vì thế, bà con hoàn toàn có thể an tâm khi hợp tác nuôi hải sâm với công ty. Hiện công ty có đầu ra ổn định xuất khẩu đi các nước Châu Á như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc…

Anh Chiến, một chủ đìa nuôi hải sâm cho biết, vùng đầm nước mặn Sa Huỳnh là vịnh kín, độ mặn thuận lợi cho việc nuôi trồng thủy sản, tuy nhiên, những năm qua, bà con chỉ bám vào sản xuất muối, giá cả bấp bênh, nuôi tôm thì dịch bệnh thua lỗ, vẫn chưa tìm được đối tượng nuôi trồng nào phù hợp, có thu nhập ổn định. Hy vọng, đây là hướng đi mới trong việc nuôi trồng thủy sản bền vững cho nông dân nơi đây.

Thí điểm ở nhiều địa phương ven biển

Theo kế hoạch, từ vụ đông xuân 2017 - 2018 đến năm 2020, Sở NN&PTNT sẽ triển khai 27 mô hình ươn hải sâm giống, nuôi thương phẩm theo hình thức nuôi đơn, nuôi ghép hải sâm với ốc hương, tôm tại vùng ven biển các huyện như: Đức Phổ, Mộ Đức và Bình Sơn. Tổng diện tích thả nuôi dự kiến là 7,6 ha. 

Hải sâm vừa được thả nuôi tại đầm nước mặn Sa Huỳnh. Ảnh: A.KIỀU

Ngoài ra, thả bổ sung 20.000 con giống hải sâm vùng ven biển Đức Phổ, Mộ Đức và khu bảo tồn biển Lý Sơn. Sở NN&PTNT đang xây dựng kế hoạch triển khai nuôi hải sâm tại các huyện, đầu tiên là nuôi ghép với các loài khác tại huyện Mộ Đức. 

“Thức ăn của hải sâm chủ yếu là chất mùn bã, chất thải dưới đáy của các loài nuôi ghép, giúp lọc nước, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, hạn chế dịch bệnh trên tôm, ốc hương như hiện hay. Nuôi kết hợp với hải sâm sẽ mang lại lợi ích kinh tế, vừa giải quyết được khâu môi trường, giúp nuôi trồng thủy sản bền vững” - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Trần Ngọc Thương cho biết.

Hải sâm giàu glucozamin và sụn nên được dùng làm thực phẩm lẫn thuốc đông y. Số lượng các loài hải sâm trong tự nhiên đang giảm dần do việc khai thác quá mức. Việc nhân rộng mô hình nuôi hải sâm để cung cấp cho thị trường là cách làm hay, giúp nông dân có thu nhập ổn định, vừa giúp khôi phục lại sinh vật biển quý hiếm này. 


Có thể bạn quan tâm

Lão nông với tâm huyết nuôi tôm Lão nông với tâm huyết nuôi tôm

Với quyết tâm “thà bán nhà chứ không bán trại”, nghề nuôi tôm đã mang lại quả ngọt cho lão nông Nguyễn Thành Công, chủ cơ sở tôm sú giống và thẻ chân trắng

10/04/2018
Kiểm soát chặt tôm bố mẹ nhập khẩu Kiểm soát chặt tôm bố mẹ nhập khẩu

Kiểm tra tôm bố mẹ nhập khẩu là yếu tố quan trọng đảm bảo chất lượng tôm giống về sau. Kiểm soát chặt tôm bố mẹ nhập khẩu

10/04/2018
Tìm lối thoát cho ngành cá vây châu Á Tìm lối thoát cho ngành cá vây châu Á

Được đánh giá là nhiều tiềm năng phát triển, nhưng ngành cá vây châu Á vẫn chưa thoát khỏi vòng luẩn quẩn. Cơ hội lớn, song thách thức phía trước vẫn còn nhiều.

10/04/2018