Nuôi rắn ri voi trong vèo
Anh Cường bắt đầu xây hầm nuôi rắn ri voi vào năm 2008, nhưng do học hỏi được phương pháp nuôi trong vèo nên anh chuyển sang thực hiện vào năm 2010 đến nay. Hiện, gia đình anh còn 3 hầm nuôi rắn xây dựng kiên cố đang bỏ trống vì cách nuôi này không mang lại hiệu quả như nuôi trong vèo lưới.
Theo tính toán của anh Cường, xây dựng 1 hầm nuôi rắn bằng bê tông kiên cố phải tốn chi phí 4 - 5 triệu đồng và mất nhiều diện tích đất trống, còn nuôi bằng vèo thì tận dụng nguồn nước ở các mương trong vườn có sẵn, chi phí mua lưới cước để làm vèo thả rắn không quá 200.000 đồng với diện tích 3m2.
“Để vèo lưới chắc chắn thì người nuôi cần chú ý phải làm 2 lớp để bảo quản rắn và thời gian sử dụng được khoảng 4 năm. Nếu ở nhà không có mương sẵn thì người nuôi có thể đào mương với độ sâu từ 8 tấc đến 1m, khi đặt vèo xuống nước, đảm bảo độ sâu khoảng 6 - 8 tấc nước.
Để có nơi cho rắn trú ẩn nên bỏ các nhánh chà vào vèo, vì cách nuôi này giúp rắn được sống như môi trường tự nhiên. Tùy vào tuổi đời của rắn lớn hay nhỏ mà người nuôi cho ăn cách khoảng từ 5 - 10 ngày/lần. Trong lúc này, phải kiểm tra vèo lưới có chắc chắn hay không để kịp thời thay thế hoặc thêm lớp lưới mới”, anh Cường nói.
Từ khi thực hiện mô hình này, chỉ từ hơn 10 con rắn giống ban đầu, sau gần 5 năm chăm sóc, đến nay số lượng rắn của gia đình anh Cường đã dần phát triển lên đến 8 vèo với hơn 420 con, trong đó có 120 con rắn bố mẹ. Với nguồn rắn giống sẵn có, anh Cường còn cho rắn sinh sản để bán ra thị trường.
Hiện nay, giá rắn thương phẩm dao động từ 500.000 - 700.000 đồng/kg, rắn giống 60.000 - 100.000 đồng/con. Từ lúc thực hiện mô hình đến nay, gia đình anh đã bán được 4 lần rắn thương phẩm, lợi nhuận từ 10-20 triệu đồng/đợt. Hồi tháng 5 âm lịch vừa qua, anh Cường đã bán khoảng 600 con rắn giống, thu được hơn 60 triệu đồng.
Anh Cường cho biết thêm: “Hiệu quả từ cách nuôi rắn ri voi bằng vèo còn giúp người nuôi kiểm soát tốt sự sinh trưởng của đàn rắn, giảm công chăm sóc, chi phí đầu tư, đặc biệt là khâu thay nước so với cách nuôi trong hầm thông thường, vì thế đàn rắn ít bị bệnh”.
Tuy nhiên, theo anh Cường, rắn ri voi là loại dễ nuôi, nhẹ công chăm sóc, kháng bệnh tốt, nhưng khi nuôi phải tốn nhiều chi phí đầu tư thức ăn. Mỗi lần cho rắn ăn, nếu không tranh thủ kiếm cá mồi từ thiên nhiên thì phải tốn hơn 100.000 đồng cho đàn rắn hiện có.
Anh Cường thường chọn rắn bố mẹ có trọng lượng từ 800g đến hơn 1kg để cho sinh sản. Khoảng tháng 5 đến tháng 6 âm lịch cho rắn giao phối, thả nuôi tỷ lệ 50% rắn đực, 50% rắn cái sẽ tránh tình trạng rắn đẻ non.
Khi chọn giống nuôi phải đồng đều, không dị tật, nhanh nhẹn. Mỗi năm rắn chỉ đẻ một lần, mỗi con đẻ từ 15 - 20 rắn con, nuôi 15 - 18 tháng, rắn có thể đạt trọng lượng từ 1,1 - 1,7 kg/con.
Hiện nay, ngoài thực hiện mô hình nuôi rắn trong vèo, gia đình anh Cường còn làm hơn 10 công ruộng, nuôi dê, vịt và trồng cam xoàn. Từ đó có thể thấy, cách nuôi rắn ri voi trong vèo lưới không mất nhiều thời gian, giúp anh Cường tận dụng được lúc nhàn rỗi và cả diện tích mặt nước ở trong vườn cây ăn trái kiếm thêm thu nhập cho gia đình.
Thấy được lợi ích trên nên hiện nay đã có 8 hộ dân ở khu vục Bình Hòa, phường Vĩnh Tường mua rắn giống và nhờ anh Cường hướng dẫn kỹ thuật nuôi rắn ri voi trong vèo lưới. Từ cơ sở này, các hộ nuôi rắn trên địa bàn đã thành lập CLB Thành Đạt, với số lượng đàn rắn ri voi gần 1.000 con và hoạt động dưới sự quản lý của Hạt Kiểm lâm liên huyện Long Mỹ - Vị Thanh.
Anh Nguyễn Văn Hiền, ở khu vực Bình Hòa, cho biết: “Thấy mô hình nuôi rắn ri voi trong vèo của anh Cường mang lại hiệu quả nên tôi đã mua hơn 20 con rắn giống về nuôi. Nhờ được hướng dẫn kỹ thuật nên gần một năm nay đàn rắn của tôi phát triển rất tốt, ít bệnh, tỷ lệ hao hụt không nhiều. Khoảng vài tháng nữa tôi sẽ xuất bán và chừa lại 4 cặp rắn giống để sinh sản rắn con, tiếp tục tái đàn”.
Theo thống kê của Hạt Kiểm lâm liên huyện Long Mỹ - Vị Thanh, số lượng đàn rắn ri voi hiện nay ở thị xã Long Mỹ hơn 1.500 con. Phong trào nuôi loài động vật hoang dã này đang phát triển trong thời gian gần đây vì giá rắn thương phẩm cao.
“Việc thành lập CLB Thành Đạt nuôi rắn ri voi ở khu vực Bình Hòa, phường Vĩnh Tường nhằm giúp các hộ được quản lý, cấp sổ nuôi động vật hoang dã để việc mua bán rắn được dễ dàng hơn. Ngoài ra, khi tập hợp được các thành viên vào câu lạc bộ giúp các hộ nuôi rắn tránh được tình trạng bị thương lái ép giá khi bán với số lượng ít.
Để giúp câu lạc bộ hoạt động hiệu quả với nghề nuôi rắn ri voi, chúng tôi còn thường xuyên tổ chức tập huấn về kỹ thuật nuôi rắn sao cho đạt hiệu quả, cũng như phối hợp với Hội Nông dân thị xã hỗ trợ vốn đầu tư cho các hộ còn khó khăn về vốn…”, ông Huỳnh Thế Anh, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm liên huyện Long Mỹ - Vị Thanh, cho biết.
Có thể bạn quan tâm
Thôn Nhị Hà 2 (xã Nhị Hà, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận) có 354 hộ dân sinh sống, kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Là vùng ít chủ động nguồn nước, nên bên cạnh trồng lúa và hoa màu, phần lớn các hộ dân nơi đây đều phát triển thêm chăn nuôi gia súc, gia cầm quy mô nhỏ để cải thiện kinh tế.
Giá heo con giống tại thị trường TP Cần Thơ hiện giảm trở lại bình quân khoảng 300.000 - 400.000 đồng/con so với cách nay khoảng 1 tháng.
Dù tuổi đời còn khá trẻ nhưng anh đã được người nuôi ong ở địa phương xem là “kỹ sư nuôi ong” thực thụ vì những kiến thức, kỹ thuật hữu ích mà anh truyền thụ cho họ. Anh là Hoàng Văn Hiển, 31 tuổi ở thôn Cam Vũ, xã Cam Thủy, huyện Cam Lộ (Quảng Trị).