Nuôi ốc bươu đen trong bể bạt thu nhập gần 100 triệu đồng/năm
Sau thời gian thả nuôi thử nghiệm, ông Nguyễn Văn Tươi, hội viên Hội Nông dân ấp B2 (xã Châu Thới, huyện Vĩnh Lợi) đã thành công với mô hình nuôi ốc bươu đen trong bể bạt. Việc nuôi ốc thành công đã giúp gia đình ông Tươi có thêm nguồn thu nhập đáng kể lúc nông nhàn và mô hình này đang được nhiều người tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm để làm theo.
Ông Nguyễn Văn Tươi cho ốc bươu đen ăn. Ảnh: V.M
Trước đây, do chủ yếu sống bằng nghề trồng lúa nên tranh thủ thời gian nông nhàn ông Tươi đã tìm tòi, cần mẫn thử nghiệm các mô hình chăn nuôi phụ thêm như: trồng rau, nuôi cá, heo, gà… Đến năm 2019, ông Tươi mạnh dạn xây dựng 3 bể bạt, có tổng diện tích hơn 30m2 và đặt mua 10kg ốc giống bố mẹ từ tỉnh Hậu Giang về thả nuôi.
Theo ông Tươi, ốc bươu đen sống trong môi trường nước ngọt, nguồn thức ăn chủ yếu là các loại thực vật, trái cây sẵn có ở địa phương, nên chi phí thấp. Thịt ốc bươu đen đang được thị trường ưa chuộng, dùng để chế biến nhiều món ăn hấp dẫn, nên đầu ra tương đối ổn định, giá thành khá cao.
Trong quá trình chăn nuôi, ông Tươi còn tìm tòi học hỏi kỹ thuật nuôi ốc từ phương tiện thông tin đại chúng để áp dụng vào bể nuôi của mình như: kỹ thuật nuôi ốc bươu đen sinh sản, thương phẩm, kỹ thuật ấp trứng, cách xử lý nước, tạo môi trường sạch để phòng bệnh cho ốc. Từ việc nuôi ốc thương phẩm ban đầu, nông dân Nguyễn Văn Tươi đã thành công trong việc nuôi ốc sinh sản, bán con giống.
Hiện tại, trung bình mỗi tháng ông Tươi xuất bán khoảng 4.000 con ốc giống, thu về hơn 2 triệu đồng. Ngoài ra, mỗi năm ông còn xuất bán thêm 3 đợt, mỗi đợt khoảng 300kg ốc thương phẩm, với giá 50.000 đồng/kg. Như vậy, ngoài nguồn thu nhập chính từ việc trồng lúa thì ông Tươi đã tận dụng thời gian nông nhàn để tăng thu nhập cho gia đình gần 100 triệu đồng/năm từ mô hình nuôi ốc bươu đen, góp phần vào sự phát triển chung của địa phương.
Có thể bạn quan tâm
Từ mô hình luân canh tôm - lúa, mỗi năm ông Trần Quang Hiên (Cà Mau) có thể thu lãi tiền tỷ.
Đó là ông Trần Thanh Năm (SN 1959, xóm 19, xã Xuân Vinh, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định). Ông là một trong những nông dân tiêu biểu ở địa phương.
Nhiều năm qua, người dân thôn Hòa Bình (xã Tam Hòa, huyện Núi Thành) đã chuyển dần từ vuông nước mặn nuôi tôm sang trồng rong câu chỉ vàng cho thu nhập cao.