Nuôi lươn không bùn, sau 9 tháng cứ 10.000 con lãi 50 triệu đồng
Đó là mô hình nuôi lươn không bùn do Trung tâm Khuyến nông Tiền Giang đã xây dựng. Các mô hình sản xuất lươn giống bán nhân tạo, nuôi lươn không bùn từ giống nhân tạo bằng thức ăn viên với việc tổ chức lớp dạy nghề tại mô hình, bước đầu đã mang lại hiệu quả khả quan.
Lươn thương phẩm của mô hình nuôi lươn không bùn do Trung tâm Khuyến nông tỉnh Tiền Giang thực hiện.
Việc nuôi lươn trước đây thường xuyên gặp khó khăn trong phát triển mô hình do con giống tự nhiên ngày càng cạn kiệt và không đảm bảo chất lượng; nuôi trên nền đáy bùn khó quản lý làm lươn dễ bị bệnh, tỉ lệ sống thấp, chi phí sản xuất cao...
Trong quá trình nuôi lươn thương phẩm sử dụng thức ăn tươi sống (thường là cá tạp) không chủ động được và không đảm bảo yêu cầu chất lượng khiến lươn dễ bị lây nhiễm bệnh từ nguồn thức ăn tươi sống, môi trường nước nuôi dễ bị ô nhiễm, ảnh hưởng đến hiệu quả mô hình...
Trước tình hình đó, Trung tâm Khuyến nông Tiền Giang đã xây dựng các mô hình sản xuất lươn giống bán nhân tạo, nuôi lươn không bùn từ giống nhân tạo bằng thức ăn viên, tổ chức lớp dạy nghề tại mô hình, bước đầu đã mang lại hiệu quả khả quan.
Thành công đầu tiên đó là mô hình sản xuất lươn giống bán nhân tạo đã giúp người nuôi lươn chủ động được nguồn giống chất lượng trong quá trình nuôi, con giống nhân tạo rất khỏe mạnh, kích cỡ đồng đều, sạch bệnh, sử dụng được thức ăn viên, ít hao hụt khi nuôi, đáp ứng yêu cầu về chất lượng và một phần số lượng theo nhu cầu của người nuôi.
Ngoài ra, tại các mô hình trình diễn đã tổ chức lớp dạy nghề nuôi lươn, giúp người dân nắm bắt và thực hành quy trình đạt kết quả tốt, qua đó được nhiều người dân đồng tình ủng hộ; đồng thời đã tổ chức cho nông dân các huyện, thị, thành đến tham quan, chia sẻ kinh nghiệm tại các mô hình. Từ hiệu quả của mô hình, hiện nay, nông dân nhiều nơi trong tỉnh đều nuôi lươn theo kiểu mới này, tuy số hộ nuôi chưa nhiều nhưng bước đầu đã mang lại hiệu quả khả quan.
Cụ thể, mô hình nuôi lươn này không cần diện tích đất nhiều, với mật độ nuôi thịt 150 con/m2 thì hai bạt có diện tích 30m2 nuôi được khoảng 5.000 con lươn, giống đã được thuần bằng thức ăn viên nên chủ động được thức ăn và cần một ao xử lý nước khoảng vài trăm mét vuông là đủ (có thể sử dụng nước sông, nước giếng khoan hoặc nước máy bơm lên hồ rồi cấp qua bạt nuôi lươn), cần đo oxy trước khi cấp nước qua bạt nuôi lươn.
Trong quá trình nuôi định kỳ sử dụng chế phẩm sinh học xử lý nước và trộn vô thức ăn cho lươn. Sau 9 tháng nuôi, lươn thịt cho thu hoạch với lợi nhuận trung bình 50 triệu đồng/10.000 con hoặc mô hình sản xuất lươn giống sau 6 tháng thực hiện lợi nhuận trên 30 triệu đồng/50kg lươn bố mẹ (khoảng 120 cặp lươn bố mẹ).
Qua các mô hình đã giúp nâng cao trình độ sản xuất của người dân, nhờ ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, tiêu biểu là sản xuất được giống nhân tạo đã nâng cao tỉ lệ sống khi nuôi; nuôi trên bạt không bùn giúp giảm bệnh, dễ chăm sóc quản lý; tạo thói quen sử dụng chế phẩm sinh học; sử dụng thức ăn viên trong quá trình ương nuôi lươn đã tạo điều kiện cho người nuôi chủ động được nguồn thức ăn, giảm đánh bắt cá tạp làm thức ăn cho lươn, góp phần hạn chế bệnh, giảm ô nhiễm môi trường và giảm hệ số thức ăn.
Mô hình đã giúp tận dụng thời gian nhàn rỗi cho nông dân, tạo việc làm cho nông dân, nhờ vậy góp phần giảm giá thành, tạo ra sản phẩm an toàn đảm bảo sức khỏe cho người sản xuất, người tiêu dùng và bảo vệ môi trường. Đây được xem là mô hình phù hợp nơi đô thị ít đất sản xuất, tận dụng lao động sẵn có tại nông hộ, giúp nông dân tăng thu nhập trên cùng một đơn vị diện tích đất.
Có thể bạn quan tâm
Nuôi trồng thủy sản là ngành công nghiệp thực phẩm đang phát triển nhanh nhất của thế giới. Vì sự tiêu thụ thủy sản tăng vọt trên khắp thế giới
Lipid đóng vai trò dinh dưỡng quan trọng trong giai đoạn đầu đời của cá nuôi và động vật có vỏ
Tôm được nuôi trong bể với độ pH “an toàn” hoạt động bình thường, trong khi những con nuôi ngoài vùng an toàn xuất hiện các triệu chứng AHPNS và chết.