Trang chủ / Tin tức / Tin nông nghiệp

Nuôi lươn không bùn, lãi chục triệu đồng mỗi tháng

Nuôi lươn không bùn, lãi chục triệu đồng mỗi tháng
Tác giả: Hữu Trung
Ngày đăng: 29/05/2021

Anh Lê Thành Luân – SN 1993 ở thôn 4, xã Quang Diệm (Hương Sơn – Hà Tĩnh) thời gian gần đây đã mạnh dạn đầu tư nuôi lươn không bùn, mỗi năm lãi 150 triệu đồng.

Những ngày này, anh Lê Thành Luân đang tất bật đóng “hàng” để ship hơn 5 tạ lươn cho khách ở tận miền Nam. Lươn tự nhiên được anh thuần dưỡng nuôi không bùn dai thịt, thơm ngon nên được thị trường ưa chuộng. "Mỗi năm, tôi bán ra thị trường hơn 1 tấn lươn, thu về 200 triệu đồng, trừ chi phí lãi 150 triệu đồng” – anh Luân chia sẻ.

Anh Luân kể: Đầu năm 2019, sau khi đi xuất khẩu lao động ở Đài Loan về có ít vốn là anh bắt tay đầu tư nuôi lươn không bùn. Từ các kênh thông tin, anh nhận thấy đây là đối tượng nuôi ít bệnh tật, có sức đề kháng tốt, có thể chế biến được nhiều món ăn giàu dinh dưỡng.

Đầu tiên, anh nuôi khoảng 2.000 con lươn tự nhiên trong bể xây rộng chừng 6 m2. Tuy nhiên, do chưa hiểu được đặc tính, thích nghi nên lươn chết gần hết.

Qua tìm hiểu, anh thực hành phương pháp bỏ đói, không cho lươn ăn trong vòng 1 tháng để thuần dưỡng, đặc biệt là theo dõi lươn về bệnh nấm đầu, bệnh tiêu hóa. Thời gian sau đó, anh Luân cho lươn ăn cá tươi, ốc bươu vàng, giun quế và cám xay nhỏ. Mặt khác, thường xuyên kiểm tra độ pH phù hợp và nhiệt độ nước trong bể nuôi luôn duy trì 20 độ C...

Dần dần, lươn thích nghi và phát triển khá tốt. “Lươn tiêu thụ thức ăn hàng ngày rất ít, mỗi con chỉ hấp thụ 0,2% lượng thức ăn so với trọng lượng cơ thể” – anh Luân cho hay.

Hiện tại, anh Luân đầu tư hơn 70 triệu đồng xây 14 bể xi măng nuôi lươn tự nhiên không bùn. Để có được nguồn nước sạch, anh sử dụng nước giếng khoan, xử lý trong bể lắng từ 6 - 8 giờ trước khi bơm nước vào. Anh thực hiện thay nước định kỳ 2 - 3 lần/ngày, tuân thủ nguyên tắc “đúng giờ, đúng lượng” bởi lươn rất nhạy cảm với môi trường, bẩn quá hoặc sốc nước lươn sẽ chết.

Lươn có đặc tính ưa tối nên khi nuôi, trong bể luôn phải tạo nơi trú ẩn cho lươn bằng các giá thể dây nilon đen.

Nguồn lươn tự nhiên đưa về nuôi chủ yếu mua lại của người dân chuyên đặt trúm. Tuy nhiên, để lươn sinh trưởng tốt, anh phải hướng dẫn cho người dân cách đặt sao cho đảm bảo đúng yêu cầu, thân lươn không bị xây xước, không rơi xuống đất để thuận lợi cho việc thuần dưỡng, hạn chế tỉ lệ chết.

Hiện tại, nhu cầu tiêu thụ lươn trong và ngoài tỉnh rất cao song nguồn khai thác tự nhiên ngày càng khan hiếm. Do vậy, từ nhiều năm qua giá lươn luôn cao và ổn định, với mức 180 – 200 nghìn đồng/kg. Khách hàng của anh chủ yếu ở các tỉnh phía Nam, Nghệ An, Hà Tĩnh...

Theo ông Bùi Trọng Tuyên - Phó Chủ tịch UBND xã Quang Diệm, đây là mô hình nuôi lươn không bùn đầu tiên trên địa bàn xã. Mô hình của anh Luân đã mở ra hướng đi mới nhằm đa dạng hóa đối tượng nuôi, cần được đánh giá và nhân rộng nhằm góp phần cải thiện thu nhập cho nông dân và thúc đẩy nền kinh tế địa phương phát triển.


Có thể bạn quan tâm

Sâu đo tàn phá quế tại Lào Cai Sâu đo tàn phá quế tại Lào Cai

Sâu đo gây hại quế đang có chiều hướng gia tăng và lan rộng tại những rừng quế trồng lâu năm và mới trồng tại một loạt xã ở huyện Bảo Yêu (Lào Cai).

27/05/2021
Mùa mưa nên thận trọng các dịch hại trên lúa làm đòng và trổ Mùa mưa nên thận trọng các dịch hại trên lúa làm đòng và trổ

Các loại dịch hại thường gây hại nghiêm trọng đến sự sinh trưởng cây lúa vào giai đoạn đòng trổ. Nếu không có biện pháp phòng trừ sẽ ảnh hưởng năng suất cuối vụ

29/05/2021
Cần quy trình khoa học cho thiết bị bay phun thuốc bảo vệ thực vật Cần quy trình khoa học cho thiết bị bay phun thuốc bảo vệ thực vật

Thiết bị bay phun thuốc BVTV không hoàn toàn là giải pháp hoàn hảo. Vì vậy, cần sớm có nghiên cứu bài bản, khoa học về quy trình áp dụng các thiết bị này.

29/05/2021