Nuôi lợn VietGAP mang lại hiệu quả kinh tế cao
Trong khi nhiều hộ gia đình ở Đông Thọ lúc đó đã bỏ nuôi lợn vì càng nuôi càng lỗ. Để duy trì đàn lợn và kiểm soát nguồn thức ăn chăn nuôi, anh Sáng đã tìm tòi, học hỏi công thức pha trộn thức ăn.
Anh Nguyễn Ngọc Sáng đang kiểm tra lợn giống. Ảnh Quang Đán - TTXVN
Hệ thống chuồng trại được đầu tư hiện đại, nguồn gốc thức ăn, nước uống, thuốc thú y được quản lý chặt chẽ… nên đàn lợn của gia đình anh Nguyễn Ngọc Sáng, chủ trang trại chăn nuôi lợn ở thôn Đông Thịnh, xã Đông Thọ, huyện Sơn Dương (Tuyên Quang) luôn phát triển khỏe mạnh, chất lượng thịt tốt, dễ tiêu thụ...
Đây cũng là một trong hai trang trại chăn nuôi lợn trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang được cấp chứng nhận VietGAP.
Kiểm soát dịch bệnh chặt chẽ, hệ thống camera theo dõi từng chuồng lợn 24/24giờ… là những ấn tượng đầu tiên tại trang trại của gia đình anh Sáng.
Chia sẻ về lý do chọn chăn nuôi lợn theo hướng VietGAP để phát triển kinh tế gia đình, anh Sáng cho biết là do xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu về thực phẩm sạch của người dân ngày càng nâng cao.
Vì vậy, muốn phát triển chăn nuôi bền vững thì phải đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Từ thực tế này, cộng thêm có lợi thế có mặt bằng rộng nên gia đình anh quyết định chọn chăn nuôi lợn.
Tháng 4/2016, gia đình anh Sáng bắt đầu xây dựng chuồng trại. Đến tháng 11/2016, anh mua 100 con lợn giống về nuôi. Lúc mua, giá lợn vẫn rất cao nhưng khi được xuất chuồng thì lợn lại rớt giá khiến anh bị lỗ 170 triệu đồng. Tuy nhiên, kiên trì với hướng đi của mình, anh Sáng vẫn tiếp tục đầu tư mở rộng chuồng trại và nuôi đàn lợn mới.
Trong khi nhiều hộ gia đình ở Đông Thọ lúc đó đã bỏ nuôi lợn vì càng nuôi càng lỗ. Để duy trì đàn lợn và kiểm soát nguồn thức ăn chăn nuôi, anh Sáng đã tìm tòi, học hỏi công thức pha trộn thức ăn.
Sau đó, anh mua nguyên liệu và máy trộn thức ăn về tự chế biến thức ăn cho lợn, không cho ăn cám ăn thẳng như trước. Cách làm này đã giúp anh giảm chi phí chăn nuôi.
Anh Nguyễn Ngọc Sáng đang lấy cám cho lợn ăn. Ảnh Quang Đán - TTXVN
Anh Sáng chia sẻ, thức ăn chăn nuôi trong trang trại của gia đình đảm bảo an toàn với 8 thành phần: ngô, khô đậu tương, cám gạo, cám mì, gạo bóc tách, bột cá cao cấp, dầu ăn và vitamin tổng hợp. Từ khi chăn nuôi bằng thức ăn này, lợn nhanh lớn, chất lượng thịt cũng ngon hơn.
Tháng 10/2017, gia đình anh xuất đàn lợn đầu tiên được chăn nuôi bằng thức ăn pha trộn riêng và không còn tình trạng bị lỗ vốn nữa.
Chia sẻ về điểm khác biệt giữa chăn nuôi lợn thông thường và chăn nuôi lợn theo tiêu chuẩn VietGAP, anh Sáng cho biết, chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP khó khăn hơn nhưng hiệu quả cao hơn.
Chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP phải có mặt bằng, chăn nuôi tập trung; phải quản lý được nguồn thức ăn, nước uống, không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi; phòng, chữa dịch bệnh; quản lý được lượng thuốc thú y trong chăn nuôi.
Bên cạnh đó, phải ghi chép, lưu trữ thông tin theo dõi vật nuôi; xử lý chất thải và đảm bảo vệ sinh môi trường… Nhìn chung, ngoài cách xây dựng chuồng trại, chăm sóc đàn lợn thì việc xử lý các vấn đề về chất thải là yếu tố rất quan trọng bởi nó ảnh hưởng lớn nhất đến sự phát triển của vật nuôi.
Nếu chất thải không được xử lý tốt sẽ là môi trường để dịch bệnh có cơ hội phát triển, làm ảnh hưởng đến chất lượng đàn lợn.
Mặc dù, có nhiều tiêu chuẩn khắt khe nhưng nếu đáp ứng được những tiêu chuẩn này thì đàn lợn sẽ phát triển khỏe mạnh, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người chăn nuôi…
Nhờ đáp ứng được những tiêu chuẩn chăn nuôi lợn an toàn, tháng 12/2017, trang trại chăn nuôi của gia đình anh Sáng được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cấp chứng nhận VietGAP. Đây là một trong hai trang trại chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang được chứng nhận VietGAP.
Toàn cảnh trang trại chăn nuôi lợn của anh Nguyễn Ngọc Sáng. Ảnh Quang Đán - TTXVN
Hiện trang trại của gia đình anh Sáng đang có 2.000 con lợn, mỗi tháng bán ra thị trường 400 con với tổng trọng lượng trên 40 tấn, với giá trung bình 40.000 đồng/kg.
Mỗi tháng, gia đình anh thu về khoảng 1,6 tỷ đồng sau khi trừ chi phí còn lãi gần 200 triệu đồng. Trang trại của gia đình anh cũng đang tạo việc làm cho 8 lao động với mức thu nhập từ 5 – 7 triệu đồng/người/tháng.
Thời gian tới, anh dự định xin phép xây dựng lò mổ, đăng ký nhãn hiệu sản phẩm, làm tem, nhãn mác truy xuất nguồn gốc, cung cấp ra thị trường thịt lợn an toàn…
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Tuyên Quang, trên địa bàn tỉnh hiện có 240 trang trại chăn nuôi nhưng mới có 2 trang trại chăn nuôi lợn được cấp chứng nhận VietGAP. Để khuyến khích phát triển kinh tế trang trại, tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 10/2014/NQ-HĐND với nhiều chính sách ưu đãi, khuyến khích.
Với những "trợ lực" này, Tuyên Quang hy vọng sẽ có thêm nhiều trang trại chăn nuôi được chứng nhận VietGAP trong thời gian tới.
Có thể bạn quan tâm
Một số biện pháp kỹ thuật cần lưu ý khi nuôi rắn ri voi, hy vọng giúp cho bà con hạn chế được phần nào rủi ro khi thực hiện mô hình này.
Thừa Thiên - Huế hiện có nhiều mô hình sản xuất tiêu chuẩn VietGAP với diện tích khoảng 1.057 ha, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Đây là loại cây dễ trồng, phù hợp với điều kiện thời tiết khô hạn nên sau 6 tháng chăm sóc, cây đu đủ cho thu hoạch trái chín to đều, ruột vàng, vị ngọt thơm