Nuôi lợn rừng sạch qua…mạng internet
Bằng cách sử dụng mạng internet để theo dõi quá trình nuôi các đàn lợn rừng thông qua hệ thống webcam, anh Đoàn Phan Dinh (SN 1991, ở ấp An Hòa, xã An Khánh, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp) dễ dàng thu được được tiền tỷ mỗi năm.
Trong ảnh: Mô hình nuôi lợn rừng của anh Dinh được nhiều đánh giá mang lại hiệu quả tốt
Quản lý từ xa
Mô hình nuôi lợn sạch qua mạng internet hoàn toàn do anh Đoàn Phan Dinh nghĩ ra và được nhiều người đánh giá là mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tất cả các công đoạn đều được quản lý chặt chẽ, khép kín, đặc biệt là giảm nhiều về giá thành sản xuất và ít hao hụt do dịch bệnh.
Theo mô hình trên, chuồng trại được xây dựng thông thoáng, sử dụng đệm lót sinh học để kiểm soát tốt chất thải, cách ly hiệu quả các mầm bệnh. Ngoài thức ăn dạng công nghiệp và cám nhuyễn, lợn rừng sẽ được cho uống thuốc nam (các loại cây cỏ trong tự nhiên có tính phòng, hỗ trợ trị bệnh đường tiêu hóa, hô hấp) hay một số loại men sinh học do anh Dinh tự làm hoặc mua lại từ các công ty bào chế dược liệu dành riêng cho gia súc, gia cầm.
Do là mô hình kết hợp giữa anh Dinh và người dân các địa phương ĐBSCL cho nên được quản lý chặt chẽ từ mạng internet thông qua hệ thống webcam. Hệ thống này sẽ quay lại toàn bộ quá trình nuôi của người dân như: Thời gian cho ăn, kỹ thuật chăm sóc, tình trạng sức khoẻ của lợn theo từng độ tuổi, loại thức ăn,…
“Bằng cách quản lý này, người dân là đối tác của tôi sẽ phải nuôi theo quy trình đã thỏa thuận trước đó, nếu thương lái hoặc doanh nghiệp nào muốn mua đàn lợn nào, cũng có thể trực tiếp theo dõi quá trình nuôi trên qua webcam, không sợ mua phải lợn bẩn, lợn không đảm bảo chất lượng về thịt…Nhiều hộ dân phối hợp với tôi làm thí điểm mô hình này rất có ý thức và thích thú hơn trong chăn nuôi lợn” – anh Dinh thông tin thêm.
Nhiều triển vọng
Anh Dinh cho biết, năm 2011, khi đang còn đang là sinh viên ở Trường ĐH Cần Thơ, anh đã tranh thủ thời gian rảnh đi làm phụ hồ ở các công trình xây dựng. Tiền kiếm được, anh để dành để mua 2 con lợn rừng về nuôi và bắt đầu khởi nghiệp với loài vật nuôi hoàn toàn xa lạ với người dân ĐBSCL này.
Vừa nuôi, anh Dinh vừa tự rút kinh nghiệm, sau khi ra trường, anh đã quyết định cầm bằng kỹ sư chăn nuôi về quê để…nuôi lợn rừng. Đến nay, riêng đàn lợn rừng của anh đã tăng lên khoảng 500 con.
Từ nay đến năm 2018, kế hoạch của anh Dinh đưa ra là phối hợp với người dân các tỉnh, thành vùng ĐBSCL nuôi khoảng 3.000 con lợn rừng sinh sản và phấn đấu đáp ứng từ 300-500 tấn lợn thịt/năm. Với số lượng lợn nuôi này, anh Dinh hy vọng, nhiều người dân trong vùng sẽ thu lợi nhuận lớn, sản phẩm có được có thể cung cấp được cho nhiều khu vực lân cận, đặc biệt là các siêu thị trong cả nước.
Anh Dinh cho rằng: “Hiện nay, nước ta đã hội nhập sâu rộng với thế giới, theo đó ngành chăn nuôi sẽ chịu thêm nhiều áp lực cạnh tranh. Do vậy, việc cung cấp sản phẩm theo hướng sạch, an toàn, đầu ra vẫn sẽ luôn ổn định bằng chứng là thời gian qua, lượng lợn rừng của tôi cung không đủ cầu”.
Anh Dinh bên đàn lợn rừng do mình nuôi
Ông Nguyễn Văn Cường – Trưởng Phòng NNPTNT huyện Châu Thành cho biết: “Mô hình nuôi lợn rừng của anh Dinh rất hiệu quả. Thứ nhất, anh liên kết được với các nhà hàng, siêu thị nên đảm bảo đầu ra ổn định; thứ hai là anh phối hợp chặt chẽ với người dân trong vùng cung cấp con giống và bao tiêu sản phẩm; nuôi theo hướng mới và hiện đại. Tôi nghĩ rằng, mô hình này cần được nhân rộng trong thời gian tới”.
Hiện nay, anh Dinh đang hợp tác với khoảng 30 hộ dân chăn nuôi khoảng 1.300 con lợn rừng các loại (lợn giống, lợn thịt và lợn sinh sản). Theo đó, Dinh hỗ trợ kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm đầu ra cho người nuôi. Thống kê, năm 2016, số lợn được xuất bán là khoảng 30 tấn, thu về 3 tỷ đồng (lợi nhuận trên 1 tỷ đồng).
Có thể bạn quan tâm
Mùa xuân này, người dân Phổ Hòa hết sức phấn khởi vì quê hương được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), diện mạo xóm làng khang trang và cuộc sống đủ đầy
Trong đó, Nghị định sửa đổi, bổ sung quy định về đối tượng được miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đối với toàn bộ diện tích đất nông nghiệp.
Nhờ mạnh dạn chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng hoa, nhiều hộ nông dân (ND) nơi đây đã có thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.