Nuôi Heo Rừng Giữa Miệt Vườn Sông Nước
Mô hình trên được anh Thái Thiện Tùng (SN 1975, ngụ phường Tân Phú - quận Cái Răng) thực hiện từ cuối năm 2007 với gần 200 con heo rừng, kết quả bước đầu hết sức khả quan
Khoảng 9h sáng, theo chân một người quen chúng tôi chạy xe dọc đường Quang Trung chừng 5km, đến cầu Bến Bạ rồi rẽ phải vào một con lộ nhỏ đi thêm 700m nữa để tận mắt chứng kiến trang trại nuôi heo rừng được coi là hiếm ở TP Cần Thơ này.
Khi được hỏi ý tưởng này anh Tùng cho biết, thấy vùng Đông Nam Bộ nuôi nhiều và cho hiệu quả kinh tế cao. Còn ở ĐBSCL có nuôi nhưng rất ít, riêng ở Cần Thơ thì chưa có ai nuôi nên tôi quyết định thử sức một lần.
Trước khi nuôi anh Tùng đã đi hầu hết các trang trại ở các tỉnh Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai… tham khảo và học hỏi một số kinh nghiệm, kỹ thuật nuôi để khái quát và có phương án nuôi phù hợp với đất miền Tây Nam Bộ.
Cái khó nhất là diện tích đất để làm chuồng trại. Các tỉnh vùng ngoài thì đất rộng cho nên dễ dàng nuôi. Còn ở Cần Thơ thì đất hẹp và đặc biệt là phải xa dân cư để tránh tình trạng ô nhiễm.
Được một người quen giới thiệu, anh Tùng gặp nhiều chủ trang trại nuôi heo rừng ở tận Thái Lan, sau đó anh đã nhập về 120 con heo bố mẹ (10 con đực, 110 con cái), mỗi con nặng khoảng 50kg với giá cả trăm triệu đồng. Kỹ thuật nuôi anh cũng được các chủ người Thái Lan chỉ dẫn tận tình, có tài liệu để tham khảo.
Sau khi nhập heo về, anh Tùng cho biết là được ngành chức năng hết sức quan tâm nên đã tiến hành tiêm thuốc phòng chống dịch. Ông Nguyễn Bá Thành - Giám đốc cơ quan thú y vùng 7 cho rằng đây là loại heo nhập, lại là loại động vật hiếm nuôi ở ĐBSCL cho nên cần phải kiểm dịch chặt chẽ.
Với diện tích nuôi hơn 1.000m2, chuồng trại được xây với 2 loại hình, loại chuồng nền đất có rào lưới B40 và loại chuồng xây gạch bê tông dành cho từng loại heo khác nhau cũng như chuồng riêng để tránh heo con bị cắn chết.
Anh Tùng cho biết thêm nuôi heo rừng thuận lợi vì có thức ăn tự nhiên, nhiều loại rau, củ như rau muống, rau lang, cải, khoai… đều có thể mua hoặc trồng để cung cấp hàng ngày.
Thịt heo rừng có đặc tính ít mỡ, thịt săn chắc, thơm ngon, có giá trị về dinh dưỡng cao hơn thịt heo thường nên nhiều người dân ở các tỉnh như Cà Mau, Kiên Giang, Bến Tre, Bạc Liêu… đã tìm đến mua.
Theo anh Tùng giá heo con trung bình 200 đến 250.000 đồng/kg, còn giá heo bố mẹ thì khá cao, trung bình khoảng 300.000 đồng/kg trở lên (trừ đi các chi phí anh lãi từ 50 - 100.000 đồng/kg sau 6 tháng). Hiện nay anh Tùng đã cho bán thí điểm 10 con cả heo con và bố mẹ.
Một số nhà hàng, quán ăn cao cấp ở Cần Thơ cũng đã tìm đến đặt mua, bởi theo các chủ kinh doanh thì thịt heo rừng của anh Tùng rất được thực khách ưa chuộng.
Hiện một số người dân đã tìm đến trang trại của anh Tùng để tham khảo mô hình nuôi heo rừng ở vùng sông nước. Anh Tùng cho biết trước đó nhiều người đã tìm đến các tỉnh miền Đông Nam Bộ nhưng từ khi có sự xuất hiện trang trại của anh ở Cần Thơ thì họ bắt đầu tìm đến để mua và học cách nuôi.
Với 70 heo con vừa đẻ và nhiều heo mẹ khác đang mang thai, hiện nay trang trại của anh Tùng có thể nói là rất thành công khi lần đầu nuôi thử nghiệm. Anh cho biết sẽ bắt đầu bán cả heo bố mẹ và heo con nếu ai có nhu cầu mua về nuôi hoặc làm thịt. Về kỹ thuật nuôi anh cũng sẽ sẵn sàng chỉ dẫn để người mua có thể an tâm hơn.
Có thể bạn quan tâm
Mô hình trên được anh Thái Thiện Tùng (SN 1975, ngụ phường Tân Phú - quận Cái Răng) thực hiện từ cuối năm 2007 với gần 200 con heo rừng, kết quả bước đầu hết sức khả quan
Nhìn chung Heo rừng lai là loại động vật có sức đề kháng cao với bệnh tật hơn heo nhà. Chúng ít bệnh và thích nghi cao với môi trường sống.
Heo rừng cân đối, nhanh nhẹn, di chuyển linh hoạt, hơi gầy, dài đòn, lưng thẳng, bụng thon, chân dài, nhỏ và móng nhọn, cổ dài, đầu nhỏ, mõm dài và nhọn, tai nhỏ vểnh và thính, mũi rất thính và khỏe
Chọn những con đầu thanh, ngực sâu, mình nở, hoạt bát, lưng thẳng, bụng gọn, bốn chân chắc khỏe, bộ phận sinh dục phát triển và hoạt động tốt. Nếu có điều kiện nên chọn lọc qua đời trước (dòng, giống bố mẹ, ông bà...), qua bản thân (ngoại hình, khả năng thích nghi, khả năng sinh sản...) và qua đời sau.
Trên thực tế, người ta nuôi heo rừng lai dưới ba cách: nuôi nhốt, nuôi thả tự do, nuôi heo trong vòng rào.