Nuôi ghép rô phi trong ao tôm
Chuẩn bị ao nuôi
Đối với ao nuôi tôm thẻ chân trắng (TTCT) mật độ cao (100 - 200 con/m2) cũng có thể thả được rô phi, bằng vèo lưới giữa ao nơi quy tụ chất thải tôm. Ao nuôi diện tích 4.000 - 6.000 m2, mật độ 40 - 50 con/m2 (TTCT) và 7 - 15 con/m2 (tôm sú) thì có thể thả ghép trực tiếp rô phi vào ao nuôi.
Ao được tháo cạn, diệt tạp, bón vôi, lấy nước, gây màu như ao nuôi tôm bình thường. Ao nuôi TTCT thâm canh, khi chuẩn bị ao nên thiết kế vèo lưới ở vùng trũng giữa ao, chiếm 7 - 10% diện tích ao, mắt lưới thưa (cỡ 0,5 - 1 cm) để chất thải lọt qua lưới làm thức ăn cho cá. Lưới được mắc chắc chắn, phía trên lưới cao hơn mực nước ao 40 - 50 cm.
Thả giống
Sau khi lắp đặt quạt khí, gây màu nước thì tiến hành thả tôm và nuôi như quy trình. Sau 20 ngày nuôi, lượng chất thải tích tụ nhiều thì thả cá rô phi.
Nhằm tránh cá sinh sản trong ao tôm, cần chọn cá rô phi đơn tính. Đối với ao TTCT mật độ cao, thời gian nuôi ngắn, nên thả cá rô phi thuần, cỡ lớn (15 - 20 con/kg), cỡ cá giống phải lớn hơn cỡ mắt lưới. Mật độ cá thả trong vèo lưới từ 6 - 8 con/m2. Ao nuôi tôm mật độ thấp, nên thả cá cỡ 40 - 50 con/kg, mật độ 1 con/1 - 2 m2 ao.
Quản lý và chăm sóc
Ao nuôi TTCT mật độ cao thì cá rô phi thả trong vèo lưới thường không cho ăn để cá ăn chất thải của tôm được quạt khí quây tụ vào vèo. Định kỳ 15 ngày/lần làm thoáng lưới vèo để chất thải dễ lọt qua. Ao nuôi tôm thả ghép rô phi cần căn cứ vào tập tính bắt mồi của tôm và rô phi để cho tôm ăn hợp lý.
Tôm thường ăn mồi mạnh vào chập tối và rạng sáng; cá rô phi ăn mồi mạnh ban ngày. Do vậy, để tôm được cung cấp đủ thức ăn, nên cho ăn vào 2 bữa chính (chiếm 80% tổng lượng thức ăn trong ngày) vào thời điểm trước khi trời sáng và sau khi tối (5 giờ và 18 giờ), ban ngày chỉ cho tôm ăn ít (20%) để tránh rô phi tranh mồi của tôm.
Thức ăn được thả ở chỗ bãi nông quanh ao. Thức ăn thừa và lượng chất thải của tôm sẽ được cá rô phi sử dụng làm thức ăn.
Trong thời gian nuôi, cá rô phi sử dụng thức ăn thừa và chất thải của tôm sẽ hạn chế được lượng N và P trong nước, nhưng trong quá trình bài tiết, tôm và cá sẽ thải ra lượng NH3 không nhỏ. Nếu lượng này vượt quá 0,1 mg/l sẽ gây độc cho tôm (ức chế sinh trưởng, giảm khả năng kháng bệnh, gia tăng mẫn cảm với điều kiện môi trường, như thiếu ôxy và biến động của nhiệt độ…).
Do vậy có thể thay nước định kỳ 1 tháng/lần; mỗi lần thay 15 - 20% lượng nước trong ao. Nếu điều kiện thay nước gặp khó khăn thì bón chế phẩm sinh học định kỳ 10 - 15 ngày/lần.
Duy trì máy sục khí làm tăng hàm lượng ôxy hòa tan, phòng ngừa tôm nổi đầu, quy tụ chất thải làm thức ăn cho cá. Hàng ngày cần kiểm tra ao thường xuyên, quan sát màu nước, theo dõi tình hình hoạt động và ăn mồi của tôm, kịp thời phòng trị bệnh, cần ghi chép nhật ký hàng ngày làm cơ sở cho việc điều chỉnh thức ăn và xử lý dịch bệnh.
Thu hoạch
Ao nuôi TTCT mật độ cao có thể thu hoạch sau 2,5 - 3 tháng. Đối với cá rô phi nuôi trong vèo, việc thu hoạch sẽ đơn giản bằng cách thu hết cá rô phi trong vèo lưới, sau đó mới kéo lưới thu tôm. Nếu cá rô phi chưa đạt cỡ thương phẩm có thể chuyển sang ao khác nuôi tiếp.
Đối với ao tôm thả ghép trực tiếp rô phi, sau 3 - 4 tháng nuôi thì có thể thu hoạch. Căn cứ vào sự khác nhau về tập tính hoạt động của tôm và rô phi mà thu hoạch tôm sau 8 giờ tối, bằng mồi nhử trong lồng lưới. Lúc này cá rô phi ít hoạt động và ăn mồi, còn tôm thì bắt mồi mạnh nên sẽ vào lồng nhiều. Mỗi ao nuôi đặt 5 - 6 lồng lưới, kích thước 2 - 3 m3 để thu tôm. Có thể thu hoạch tôm liên tục 1 tuần, khi lượng tôm vào lồng ít thì dùng lưới vét thu cả cá và tôm còn lại.
Sau mỗi vụ nuôi có thể thu hoạch 2 - 3 tấn tôm sú, 5 - 6 tấn TTCT và 1 - 1,2 tấn cá rô phi trên 1 ha. Đối với hình thức nuôi ghép rô phi trong vèo lưới, có thể đạt 9 - 12 tấn TTCT và 0,5 - 0,8 tấn cá rô phi trên 1 ha. Hiện nay, kỹ thuật nuôi ghép này đã được áp dụng thành công tại Philippines, Trung Quốc, Thái Lan và ở 2 tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu ở nước ta.
Tags: nuoi ghep ca ro phi, ao nuoi tom, nuoi trong thuy san
Có thể bạn quan tâm
Theo Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh tôm (Bộ Nông nghiệp và PTNT), hiện nay có khoảng 10 loại hóa chất thường được sử dụng trong ao nuôi tôm với mục đích khử trùng, diệt khuẩn nước ao tôm trước khi thả giống cũng như xử lý nước định kỳ trong quá trình nuôi để phòng ngừa dịch bệnh. Tuy nhiên, qua đánh giá chỉ có một vài loại hóa chất là có hiệu quả diệt khuẩn cao trong môi trường ao nuôi tôm.
Nhằm đảm bảo chất lượng nước tối ưu và đáy ao sạch ở các trang trại nuôi tôm thì việc chọn chất lượng thức ăn tốt ổn định và việc theo dõi cẩn thận sàng cho ăn dựa trên bảng hướng dẫn cho ăn đã được chứng minh/thử nghiệm là các bước thực hành khuyến nghị để kiểm soát lượng thức ăn cho vào ao.
Để nuôi tôm đạt hiệu quả cao, ngoài các khâu kỹ thuật thì làm thế nào để giảm hệ số chuyển hóa thức ăn của tôm xuống mức thấp nhất mà vẫn đảm bảo tôm phát triển bình thường, cần được người nuôi quan tâm.
Trong ao nuôi tôm có quá nhiều sứa nước ảnh hưởng xấu đến sức khỏe tôm nuôi, có khi gây ngộ độc và làm cho tôm chết hàng loạt.
Để hạn chế những bệnh virus nguy hiểm trên tôm (đốm trắng, đầu vàng, taura, hoại tử cơ và cơ quan tạo máu, đục cơ) cần thực hiện xét nghiệm giống và kiểm dịch trước khi thả.