Nuôi gà Sao nuôi cho hiệu quả cao
Với thịt thơm ngon, ít mỡ và có giá trị kinh tế cao, gà Sao đã thành đối tượng chăn nuôi hiệu quả tại nhiều địa phương.
Đặc điểm gà Sao
Gà Sao lông xám đen, điểm màu trắng nhạt; thân hình thoi, lưng hơi gù, đuôi cúp; đầu không có mào mà thay vào đó là các mấu sừng, các mấu sừng này tăng sinh qua các tuần tuổi, ở giai đoạn trưởng thành mấu sừng cao 1,5 - 2 cm. Da mặt và cổ gà không có lông, lớp da trần này màu xanh xa trời, dưới cổ có yếm thịt mỏng, chân không có cựa. Ở một ngày tuổi, gà Sao có bộ lông màu cánh sẻ, có những đường kẻ sọc chạy dài từ đầu đến cuối thân, mỏ và chân màu hồng, chân có 4 ngón và có 2 hàng vảy. Giai đoạn trưởng thành, gà Sao có bộ lông màu xám đen, trên phiến lông điểm nhiều nốt chấm trắng tròn nhỏ. Mào tích của gà Sao màu trắng hồng và có 2 loại, một loại hình lá dẹt áp sát vào cổ, một loại hình lá hoa đá rủ xuống.
Gà Sao lúc còn nhỏ nhút nhát, sợ người, sợ bóng tối, sợ tiếng động, khi lớn chúng có thể bay lên cao cách mặt đất 6 - 10 m. Nếu được nuôi theo dạng công nghiệp thì gà mái đẻ nhiều trứng, mỗi con mái có thể đẻ 80 - 100 quả trứng, kéo dài khoảng 6 tháng. Mùa đẻ trứng của gà thường từ tháng 4 đến tháng 10. Gà mái có nhược điểm là yếu kém khả năng nuôi giữ con.
Thịt gà Sao ngon, bổ dưỡng nên được người tiêu dùng ưa chuộng; tiêu thụ mạnh nhất hiện nay tại các quán ăn, nhà hàng.
Triển vọng
Gà Sao xuất hiện ở Việt Nam từ thế kỷ 19, do người Pháp đưa vào nuôi ở Đà Lạt và Nam bộ. Ban đầu, chúng được nuôi làm cảnh, do có ngoại hình đẹp. Thời gian gần đây gà Sao được nuôi lấy thịt, trứng. Tháng 4/2002, Trung tâm Nghiên cứu gia cầm Thụy Phương (Viện Chăn nuôi) nhập 3 dòng gà Sao từ Viện Nghiên cứu tiểu gia súc Godollo (Hungary) về nuôi thử nghiệm. Sau 5 năm nghiên cứu, chọn lọc nâng cao năng suất, đã khẳng định gà Sao có khả năng thích ứng tốt với điều kiện sinh thái Việt Nam và có sức sản xuất khả quan. Năm 2007, Trung tâm đã hoàn thiện quy trình nuôi dưỡng gà Sao (chăm sóc, nuôi dưỡng, ấp trứng nhân tạo và thú y, phòng bệnh); đồng thời xây dựng các mô hình chăn nuôi sinh sản và lấy thịt có hiệu quả kinh tế ở các tỉnh miền Bắc.
Thời gian gần đây, tại một số tỉnh (Thanh Hóa, Quảng Bình, Quảng Ngãi, Tiền Giang...) đã có những mô hình chăn nuôi gà Sao cho hiệu quả cao.
Ông Nguyễn Hữu Nguyên, cán bộ Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Quảng Ngãi, cho biết: Chi phí nuôi gà Sao thịt trên 6,8 triệu đồng/100 con; trong đó, mua giống 2 triệu đồng, thuốc thú y 0,6 triệu đồng, thức ăn 4,2 triệu đồng. Với giá 100.000 đồng/kg, 100 con gà thịt cho thu khoảng 14 triệu đồng. Trừ chi phí (chưa tính khấu hao chuồng trại, dụng cụ chăn nuôi và lãi vay), thu nhập trên 6 triệu đồng/100 con/3 tháng (trên 2 triệu đồng/tháng), khá cao so với nhiều ngành nghề khác ở nông thôn.
Ông Huỳnh Thanh Bình (ấp 10, xã Thuận Hưng, huyện Long Mỹ, TP Cần Thơ) kể: "Gia đình tôi nuôi 40 con gà Sao (giá 12.500 đồng/con). Sau 2 tháng nuôi, gà đạt trọng lượng 1,1 - 1,2 kg/con, bán 80.000 đồng/kg (loại 900 g/con trở lên), thu lợi nhuận khoảng 25.000 đồng/con".
Nhiều người nuôi đánh giá, nuôi gà Sao khá dễ. Chuồng trại không cần kiên cố, chỉ cần có chỗ cho gà trú mưa nắng, diện tích còn lại chủ yếu để gà chạy nhảy, đi lại. Nuôi thả vườn, nuôi bán chăn thả hoặc nuôi nhốt đều được. Có thể cho ăn thức ăn công nghiệp, lúa hoặc rau xanh. Có thể tận dụng phụ phẩm, phế phẩm nông nghiệp làm thức ăn cho gà. Tỷ lệ hao hụt thấp, người nuôi tiết kiệm được chi phí đầu tư con giống.
>> Gà Sao (còn gọi là gà trĩ, trĩ sao), tên khoa học là Numida meleagris, có nguồn gốc châu Phi, chủ yếu ở Nam Sahara, đang được nuôi nhiều ở Tây Ấn, Brazil, Australia và châu Á.
Có thể bạn quan tâm
Yêu cầu đối với các giống gà hướng thịt là phải đạt được chỉ tiêu tăng trọng nhanh; Tỷ lệ thịt đùi, thịt lườn lớn; Tiêu tốn thức ăn cho tăng trọng
Nuôi gà chậm lớn là vấn đề đáng lo ngại, bởi nó không chỉ làm tốn thức ăn, tăng thời gian nuôi, giảm hiệu quả, mà còn làm tăng chi phí và tỷ lệ gà nhiễm bệnh.
Để đảm bảo việc phòng chống dịch bệnh hiệu quả góp phần nâng cao năng suất chăn nuôi thì sử dụng vacxin trong phòng bệnh là giải pháp tối ưu