Nuôi gà ri với quy trình khép kín, bảo vệ môi trường
Mô hình nuôi gà ri trên nền đệm lót sinh học của anh Trần Văn Thuận, ở ấp Hòa Phước, xã Hòa Lộc, huyện Mỏ Cày Bắc đã được thực hiện hơn 10 năm qua và luôn đạt hiệu quả kinh tế cao. Đặc biệt, mô hình này còn giúp tránh được mùi hôi thối và không gây ô nhiễm môi trường xung quanh, điều mà từ lâu nay các hộ chăn nuôi nào cũng mong muốn.
Tham quan mô hình nuôi gà ri của anh Trần Văn Thuận.
Trại nuôi gà ri của anh Thuận được xây dựng ở khu vườn nhà có diện tích khoảng 5.000m2, với tổng đàn trên 10 ngàn con và được thả nuôi trong 10 dãy chuồng lồng, mỗi lồng khoảng 2 gà trống và 10 gà mái, chưa kể đàn gà con giống 2.000 con đang dưỡng. Ở đây, anh Thuận nuôi theo quy trình khép kín vừa đáp ứng nhu cầu gà giống cho các hộ chăn nuôi, vừa xuất bán gà thịt ra thị trường cho các tỉnh, thành trong khu vực và TP. Hồ Chí Minh. Do vậy, khách hàng khi đến đây mua trứng từ gà thương phẩm, gà con giống đến gà thịt thương phẩm, trại gà của gia đình anh đều đáp ứng được.
Anh Thuận cho biết, nhiều năm gắn bó với nghề chăn nuôi gia súc, gia cầm tại gia đình, bên cạnh thuận lợi, anh cũng gặp không ít khó khăn, vất vả, do dịch bệnh và giá cả thị trường thường xuyên biến động. Tuy nhiên, anh vẫn kiên trì bám trụ với nghề. Bởi lẽ, vùng đất ở đây trồng cây ăn trái cho thu nhập không cao. Đã quyết định sống với nghề này thì phải làm cho đến nơi đến chốn. Anh dành nhiều thời gian tìm hiểu trên sách vở, trên các phương tiện thông tin đại chúng về kỹ thuật trong chăn nuôi để áp dụng và đạt hiệu quả.
Chia sẻ một số kinh nghiệm trong chăm sóc gà ri, anh Thuận cho hay, để nuôi gà ri thương phẩm, gà giống đạt hiệu quả kinh tế cao, người nuôi cần chú trọng từ khâu chăm sóc, phòng bệnh cho gà đến thức ăn, nước uống và vệ sinh chuồng trại sạch sẽ. Đặc biệt, việc đầu tư xây dựng chuồng trại và sử dụng công nghệ đệm lót sinh học trong chăn nuôi gà sẽ giúp nâng cao năng suất, giảm các bệnh thường gặp và tiết kiệm công lao động. “Tôi nuôi lâu dài nên phải tìm hiểu phương pháp bảo vệ môi trường và đây là công nghệ chăn nuôi an toàn không chỉ bảo đảm sức khỏe gia đình mà còn giữ gìn vệ sinh môi trường xung quanh” - anh Thuận bộc bạch.
Anh Thuận cho biết thêm, gà ri ăn thức ăn không nhiều, nhưng lại đẻ rất sai. Gà ri nuôi khoảng 4,5 - 5 tháng là bắt đầu cho trứng, với thời gian đẻ kéo dài hơn 9 tháng, tỷ lệ đạt trên 50% và tỷ lệ ấp nở từ 70 - 80%. Chi phí nuôi con gà ri từ lúc nở tới khi hết vòng đời đẻ trứng tốn khoảng 100 ngàn đồng/con. Tuy nhiên, sau khi gà ri hết đẻ trứng có thể bán gà thịt ra thị trường với giá khoảng 75 ngàn đồng/con, trong khi đó, gà con nuôi thời gian 1 tháng, đạt trọng lượng khoảng 200gr, bán với giá 15 ngàn đồng/con.
Hiện nay, đầu ra của gà ri thương phẩm, gà giống ổn định, nhiều thương lái đến tận trại chăn nuôi của anh Thuận để đặt hàng với số lượng lớn. Không chỉ chăm lo phát triển kinh tế gia đình, anh Thuận còn cung ứng gà con giống, sẵn lòng hướng dẫn về kỹ thuật chăn nuôi và thu mua lại gà thịt của bà con xung quanh để cung ứng thị trường các tỉnh trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long và TP. Hồ Chí Minh.
Có thể bạn quan tâm
Ðặc biệt là giống xoài Ðài Loan, xoài Tây… to, mọng đang trở thành lựa chọn mới trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng của nhiều nông hộ.
Đó là mô hình phát triển kinh tế hộ xuất sắc của anh Lê Văn Hoàng, xã Ðinh Trang Thượng, huyện Di Linh, đem lại lợi nhuận cao.
Bưởi non rụng thường bỏ đi, hay mua bưởi chỉ ăn múi còn cùi cũng vứt. Song, vài năm gần đây, chúng được tận dụng để làm nguyên liệu nấu chè bưởi bán khá đắt đỏ