Nuôi gà Phùng thu lãi 500 triệu/ năm
Nhờ sự hỗ trợ của Hội kinh tế trang trại huyện Tân Kỳ, đầu năm 2014, chị Hoan nhập về 1.000 con gà giống Phùng Dầu Sơn. Do thời tiết bất lợi, mưa, rét đậm kéo dài, lại chưa có nhiều kinh nghiệm trong phòng chống dịch bệnh nên đàn gà bị chết gần hết.
Không nản chí, chị Hoan đăng ký học một lớp thú y và tham quan các mô hình chăn nuôi thành công, đồng thời tìm tài liệu, sách báo về kỹ thuật chăn nuôi để học hỏi.
Cuối năm 2014, chị mạnh dạn nhập về 5.000 con gà. Hệ thống chuồng trại được chị đầu tư đầy đủ hệ thống điện chiếu sáng, máng ăn, uống sạch sẽ. Nền chuồng sử dụng đệm lót sinh thái, chất độn bằng vỏ trấu, có xử lý men vi sinh nên đảm bảo phân gà được phân hủy nhanh, không gây ô nhiễm môi trường.
Ngoài cám ăn công nghiệp, chị còn cho gà ăn thêm một số phụ phẩm nông nghiệp như ngô, sắn. Ban ngày gà thả vườn, tự kiếm ăn, ban đêm mới cho vào chuồng nên thịt chắc, thơm ngon.
Chị nuôi theo hình thức quay vòng, nên cứ 1,5 tháng có thể xuất bán một lứa
Nuôi theo hình thức quay vòng, nên cứ 1,5 tháng, chị Hoan xuất bán một lứa, khoảng 3 tấn gà thịt.
Rút kinh nghiệm và áp dụng những kiến thức đã tích lũy được, chị Hoan dành nhiều thời gian theo dõi gà ăn, uống, nhận biết những biểu hiện khác lạ để kịp thời xử lý. Dày công tìm hiểu, học hỏi, đến nay chỉ cần nhìn vào màu phân gà, quan sát lượng thức ăn tiêu thụ trong ngày của đàn gà, chị có thể chẩn đoán được dấu hiệu bệnh của gà để phòng ngừa kịp thời. Nhờ đầu tư chăm sóc nên đàn gà của gia đình chị Hoan phát triển rất tốt.
Giống gà Phùng sinh trưởng trong thời gian 3,5 tháng. Nhưng chị Hoan nuôi quay vòng, rải giống đều nên 1,5 tháng là xuất 1 đợt, khoảng 3 tấn gà. Chị Hoan phấn khởi cho biết: Dù nuôi nhiều nhưng gia đình tôi chưa bao giờ phải lo đầu ra, các thương lái đến tận nhà thu mua. Mỗi năm gia đình tôi nuôi khoảng 5.000 con cho lãi ròng gần 500 triệu đồng. Hiện tại, trang trại chăn nuôi của gia đình đang tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động ( trả công 3 - 5 triệu đồng/người/tháng).
Ông Trương Văn Đức - Bí Thư Đảng ủy xã Đồng Văn cho biết: Mô hình nuôi gà Phùng của chị Hoan mang lại hiệu quả kinh tế cao. Chị còn cung cấp giống và hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi gà Phùng cho một số bà con trong vùng. Xã khuyến khích người dân nhân rộng mô hình, vừa tận dụng được diện tích vườn đồi, vừa phù hợp với khả năng của bà con vì chi phí đầu tư thấp, giống gà thịt ngon, dễ tiêu thụ...
Có thể bạn quan tâm
Theo lời giới thiệu của cán bộ Hội Nông dân xã Định An, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương, chúng tôi tìm đến nhà anh Phan Thanh Bình (sinh năm 1981) ở ấp 2, An Phước. Vừa làm công nhân tại Nông trường Cao su Trần Văn Lưu vừa chăn nuôi trâu sinh sản, anh Bình trở thành tấm gương điển hình về làm kinh tế giỏi, đi lên từ chính nghề nuôi trâu.
Đi ngang qua ven biển Khai Long, địa phận ấp Rạch Thọ, xã Đất Mũi (huyện Ngọc Hiển), phóng tầm mắt, một bên là bãi Khai Long sôi động với nghề nuôi nghêu, một bên là rừng đước thẳng hàng. Quan sát dưới chân rừng, ấn tượng bởi một hình ảnh thực sự bất ngờ ngay giữa miền biển Đất Mũi: Đó là hàng trăm con dê đang mải mê kiếm ăn. Những hình ảnh đẹp, bình dị này khiến nhiều người nghĩ rằng đang lạc về một chốn thảo nguyên thanh bình chứ không phải đang ở miền biển cực Nam Tổ quốc.
Chỉ bằng nghề trồng chuối tây, hàng trăm hộ dân ở xã Kim Bình (huyện Chiêm Hóa, Tuyên Quang) đã có thu nhập từ 100 triệu đồng/hộ trở lên. Chuối tây ở Kim Bình giờ được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc với số lượng và giá cả ổn định.