Nuôi dưỡng nghé bú sữa
Thời kỳ nghé bú sữa dài hay ngắn tuỳ thuộc vào phương thức chăn nuôi.
Thời kỳ này có thể là 5-6 tháng hoặc nhiều khi người ta cho nghé bú mẹ dài hơn, đến khi cạn sữa.
Trong thời kỳ nuôi nghé bằng sữa người ta còn chia thành hai giai đoạn:
1. Nuôi dưỡng nghé sơ sinh 0 đến 10 ngày tuổi:
Nghé mới sinh rất nhạy cảm với thời tiết và dễ bị nhiễm bệnh, do đó chuồng nuôi cần bảo đảm sạch sẽ, tránh gió lùa và ẩm ướt.
Nếu có điều kiện, nhất là trong trường hợp chăn nuôi quy mô gia trại, trang trại nên nuôi nghé trong cũi cá thể.
Nuôi nghé trong cũi là một biện pháp tiên tiến, bảo đảm vệ sinh phòng bệnh, tránh những tai nạn đáng tiếc cho nghé non, bảo đảm tỷ lệ nuôi sống cao.
Sau khi nghé đẻ 01 giờ thì cho ăn sữa đầu ngay.
Lượng sữa đầu cho nghé ăn trong mấy ngày đầu phụ thuộc vào tình trạng của nghé và thường trong giới hạn 2-3 kg (tức là bằng khoảng 1/10 khối lượng cơ thể).
Sữa đầu rất quan trọng, có tác dụng tẩy sạch đường tiêu hoá và cung cấp cho nghé các kháng thể, các dưỡng chất.
Thời gian cho nghé ăn sữa đầu là 7-10 ngày.
Mỗi ngày ăn 2-3 lần hoặc cho nghé bú tự do.
2. Nuôi dưỡng nghé bú sữa:
Sau khi kết thúc giai đoạn sơ sinh, nghé được chuyển sang nuôi theo chế độ nghé bú sữa.
Trong chăn nuôi tại các nông hộ người ta thường cho nghé bú sữa tự do.
Cần tập cho nghé ăn được sớm các loại thức ăn, nhất là thức ăn thô xanh.
Nghé càng sớm ăn được cỏ khô, cỏ xanh, cỏ ủ tươi, thức ăn tinh thì càng có điều kiện phát triển tốt vào thời kỳ sau cai sữa.
Ngày thứ 15 sau khi đẻ có thể tập cho nghé ăn thức ăn tinh, ngày thứ 20 tập cho ăn cỏ khô, ngày thứ 30 tập cho ăn cỏ non, cỏ ủ tươi.
Nguyên tắc tập ăn là cho ăn từ ít đến nhiều.
Thức ăn cho nghé phải sạch sẽ, phẩm chất tốt.
Cần đảm bảo thường xuyên có nước uống sạch sẽ, đầy đủ.
Nên bố trí máng thức ăn tinh, máng cỏ khô và máng nước ngoài sân chơi để nghé có thể tự do liếm láp.
Trong điều kiện nuôi trâu trong các gia đình để lấy thịt hoặc sử dụng sức kéo, có thể để nghé trực tiếp bú trâu nhưng cũng cần chú ý cho nghé tập ăn hoặc chăn thả tự do trên bãi chăn.
Việc chăn thả trên bãi chăn ngoài vấn đề giúp nghé có thể tự liếm láp, sớm tập ăn còn tăng khả năng vận động, giúp cho quá trình trao đổi chất tăng và cơ thể chúng thêm rắn chắc, khoẻ mạnh.
Có thể bạn quan tâm
Ở nước ta, công tác giống vật nuôi, trong đó có công tác giống trâu chưa được quan tâm đúng mức. Trong tình hình hiện nay, công tác giống trâu cần tập trung chọn lọc để bồi dục và nuôi thuần chủng những con giống tốt, nhằm nâng cao khối lượng, khả năng cho thịt và khả năng cày kéo.
Mỗi loài động vật có một bộ máy tiêu hoá khác nhau, chính vì vậy, các loại thức ăn dùng cho chúng cũng khác nhau. Trâu là động vật nhai lại, có dạ dầy bốn túi, có khả năng tiêu hoá và sử dụng nhiều loại thức ăn mà lợn, gà không sử dụng được. Thức ăn cho trâu rất đa dạng và phong phú.
Đối với trâu, bò rơm lúa là nguồn thức ăn quan trọng. Tuy nhiên, rơm khô có giá trị dinh dưỡng thấp, tỷ lệ tiêu hoá thấp và kém hấp dẫn. Vì vậy, nên chế biến rơm để tăng khả năng tiêu thụ và tỷ lệ tiêu hoá rơm. Ta có thể xử lý rơm trước khi cho trâu ăn.