Nuôi động vật bản địa bằng thức ăn tự nhiên, doanh thu hơn 1 tỷ đồng/năm
Đến xã Tức Tranh, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) hỏi Hợp tác xã Chăn nuôi động vật bản địa, chúng tôi được người dân nơi đây chỉ dẫn đường chu đáo và thấy họ khen ngợi cơ sở này…
Nuôi lợn rừng bằng thân chuối lá thái nhỏ
Vừa cho lợn ăn, ông Trần Đình Quang, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX cho biết: “Xuất phát điểm ban đầu là trang trại chăn nuôi gia đình. Đến năm 2015 có thị trường tốt, lượng khách hàng đông hơn, HTX đã mở rộng sản xuất. Chúng tôi đã chủ động liên kết với các hộ dân trong khu vực này, nhất là những hộ có diện tích đất canh tác, có hệ thống chuồng trại quy mô lớn và có đủ điều kiện phát triển chăn nuôi... để thành lập HTX Chăn nuôi động vật bản địa, chỉ tập trung nuôi 3 loại con vật chính: Ngựa bạch, lợn rừng và hươu.
Qua đó, Hội đồng quản trị của HTX đã phát huy được thế mạnh, kinh nghiệm của mỗi thành viên mà phân công đảm nhiệm các mô hình đảm bảo các tiêu chuẩn vệ sinh từ nguồn thức ăn tự nhiên, đến nhân con giống… đáp ứng nhu cầu thị trường về sản phẩm sạch, chất lượng tốt.
Cũng theo ông Quang, từ chỗ chiếm lĩnh lòng tin khách hàng bằng sản phẩm sạch, một số cơ sở chăn nuôi bắt đầu tiếp cận tốt với thị trường như cơ sở nuôi hươu sao của ông Nguyễn Văn Dinh xóm Gốc Gạo, cơ sở nuôi ngựa bạch của ông Nguyễn Văn Tân ở xã Sơn Cẩm...
Chăn hươu sao bằng cỏ voi
Vừa phát triển chăn nuôi, HTX còn tận dụng nguồn phân chuồng để cải tạo đất đồi trồng các loại cây ăn quả như bưởi, cam, quýt và chăm bón cỏ voi, chuối lá… lấy nguồn thức ăn cho ngựa, hươu, lợn rừng.
Mục tiêu của HTX không chỉ dừng lại ở mức phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho các xã viên, mà còn góp phần bảo tồn nguồn gen giống có giá trị. Chính mô hình kinh tế mới này đã giúp HTX trở thành điểm thực tập lý tưởng, giúp nhiều thế hệ sinh viên của Đại học Nông lâm Thái Nguyên trải nghiệm để nâng cao được kiến thức thực tế, trước khi ra trường.
Do quy mô của HTX còn nhỏ, lực lượng lao động ít, với 12 gia trại vệ tinh, trong khuôn viên khoảng vài chục ha đất đồi, nên các hộ viên mới duy trì tổng đàn lợn rừng thương phẩm từ 300 - 500 con; ngựa bạch 100 con; hươu sao 400 con và mấy nghìn gốc cây ăn quả các loại...
Do chăn thả bán hoang dã, cùng nguồn thức có sẵn trong ăn tự nhiên, nên chất lượng sản phẩm của HTX được thị trường trong và các tỉnh lân cận như Tuyên Quang; Bắc Kạn; Hà Nội; Bắc Giang… đánh giá cao về chất lượng.
Nuôi ngựa bạch bằng cỏ voi độn thân chuối lá
Hiện giá hươu sao do HTX cung ứng luôn giữ ở mức từ 200.000 - 220.000 đồng/kg; lợn rừng từ 100.000 - 120.000 đồng/kg hơi; ngựa bạch tùy độ tuổi, độ thuần chủng, mà có giá từ 20 - 100 triệu đồng/con...
Với mức đầu tư thấp, chủ yếu tận dụng phế phẩm nông nghiệp và cây cỏ có sẵn trong tự nhiên để chăn nuôi, vốn đầu tư ban đầu của HTX chỉ 500 triệu đồng khi mới thành lập (năm 2007), đến nay đã phát triển thành mô hình kinh doanh có hiệu quả liên tục và tăng được tổng nguồn vốn đầu tư lên tới hơn 10 tỷ đồng.
Tính từ năm 2015 đến nay, doanh thu của HTX mỗi năm đạt trên 1 tỷ đồng. Nguồn thu đó chưa phải quá lớn, nhưng ở một nơi heo hút, kinh tế hộ gia đình còn nhiều khó khăn như xã Tức Tranh thì mô hình chăn nuôi động vật bản địa đang là hướng đi đúng. Vì họ đang làm chủ thị trường, trong suốt 10 năm qua chưa khi nào sản phẩm đầu ra của HTX bị tư thương ép giá.
Có thể bạn quan tâm
Chỉ từ hơn 3.000m2 đất trồng mai xen dừa với hơn 8.000 gốc mai, nhờ đam mê và tài năng của mình anh Thu đã có thu nhập mỗi năm tỷ đồng.
Với ưu thế chất lượng cua Năm Căn đã được công nhận, nhiều hộ dân tại huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau đã đầu tư, thực hiện mô hình ương, nuôi cua giống
Anh Hà Văn Mạn chia sẻ, đạt được kết quả trong sản xuất, kinh doanh là nhờ mạnh dạn ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, trồng trọt.