Nuôi Cừu Ở Sông Quao

Về Hàm Trí (Hàm Thuận Bắc) - nơi đầu nguồn nước sông Quao, ai cũng biết vùng đất thích hợp cho bò, dê sinh trưởng và phát triển, nhưng không mấy ai để ý đến một đàn cừu khoảng hơn 600 con cũng đang phát triển và cho người chăn nuôi thu nhập cao.
Đi cùng với anh Thông Văn Trinh - Phó bí thư Thường trực Đảng ủy xã Hàm Trí từ trụ sở xã ngược về hồ sông Quao vào thôn Phú Thái, trước mắt tôi hiện ra một vùng đất rộng lớn và xanh thẫm của bạt ngàn thanh long và hồ sông Quao trên kia như chiếc máy điều hòa khổng lồ phà ra từng làn không khí mát mẻ, dễ chịu.
Tưởng chừng trong mơ, năm nào từ vùng sỏi đá, khô cằn, nắng dội, chỉ dăm hộ sinh sống, chịu đựng cam khổ để nuôi con bò, con dê mà giờ đây đã thay đổi đến ngỡ ngàng. Hội tụ về đây là nguồn nước sông Quao dồi dào, đất đai màu mỡ, đồng cỏ xanh tươi là điều kiện không còn gì bằng để phát triển chăn nuôi.
Để tìm hiểu sự ra đời của nghề nuôi cừu ở đây, chúng tôi gặp anh Võ Hồng Lý - hội viên cựu chiến binh thôn Phú Thái, cũng là người nông dân sản xuất giỏi, vừa trồng hơn 1.200 trụ thanh long, vừa nuôi đàn cừu trên 100 con, là điển hình của tinh thần vượt khó, vươn lên làm giàu, được anh Lý cho biết: “Là người chuyên nuôi dê, nhưng rất “mặn” với con cừu, nhớ năm 2006 tôi đã vay ngân hàng 10 triệu đồng để ra Ninh Thuận mua được 3 con cừu giống (giá mỗi con 3,5 triệu đồng, gần 4 chỉ vàng) về đây để gầy đàn.
Buổi đầu chưa am hiểu về kỹ thuật và thiếu kinh nghiệm nên để chết 1 con, tôi lại phải đi mua giống và dần hồi cũng nuôi được rồi phát triển thành đàn.
Nuôi cừu cũng như nuôi bò, nuôi dê ở đây, rất thuận lợi, mùa mưa thì đồng cỏ tươi tốt, mùa nắng không đủ cỏ thì các đàn gia súc kéo nhau vào chân núi Bà, hoặc khu Đá Bàn tiếp giáp Hàm Trí với Hàm Phú để ăn lá cây. Nuôi cừu dễ hơn nuôi dê vì cừu ít dịch bệnh; khi sinh con, cừu mẹ nuôi con tốt hơn dê mẹ.
Cừu đẻ trung bình mỗi năm 2 lứa, mỗi lứa được 1 - 2 con và con lớn rất nhanh, trong vòng 4 tháng đã nặng 20 kg. Cừu nuôi chủ yếu để bán thịt và bán giống. Giá thịt cừu từ 90.000 - 100.000 đồng/kg, thịt dê từ 110.000 - 120.000 đồng/kg.
Cừu cũng như dê được tiêu thụ mạnh trong và ngoài tỉnh; riêng thịt cừu ở đây được các nhà hàng ở Hàm Tiến, Mũi Né và quán Sơn Dương - Ngã 3 Tam Biên, TP Phan Thiết tiêu thụ, nhiều lúc không đủ để cung cấp. Nhờ những năm qua cố chí làm ăn, gia đình tôi có thu nhập khá, riêng đàn cừu cho thu nhập trên 70 triệu đồng/năm”.
Con cừu có mặt trên đất Hàm Trí từ bao giờ? Câu hỏi này cần có thời gian tìm hiểu để trả lời. Nhưng theo tôi con cừu mà anh Lý mua về từ Ninh Thuận là con cừu có mặt sớm nhất và từ đó phát triển thành đàn. Hiện nay ở vùng này có 4 đàn cừu với quy mô mỗi đàn từ 100 - 140 con và một số đàn từ 10 - 30 con. mô hình nuôi cừu nhỏ lẻ vài chục con này cũng khá phổ biến ở một số vùng thuộc xã Hàm Phú, Thuận Minh.
Với lợi thế của vùng hưởng lợi nguồn nước sông Quao, các địa phương có điều kiện tự nhiên như xã Hàm Trí cần quan tâm phát triển chăn nuôi, ngoài con bò, con dê, cần có chủ trương xây dựng và nhân rộng mô hình chăn nuôi cừu, xem đây là vật nuôi để góp phần giúp cho người dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo bền vững.
Có thể bạn quan tâm

Hơn 1 tháng nay, ở Hà Nội, Hải Dương, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Bắc Giang… cũng như nhiều địa phương trong cả nước, dưa hấu giá rẻ chưa từng có chỉ 5.000 - 6.000 đồng/kg, loại chất lượng hơn cũng chỉ giá 8.000 đồng, thậm chí bán tại ruộng chỉ 1000 đồng/kg.

Với địa hình bằng phẳng, có nguồn nước dồi dào từ Ngòi Thia, suối Nung, suối Nậm Tộc không những đã tạo cho thị xã Nghĩa Lộ điều kiện thuận lợi phát triển nông nghiệp mà còn là tiềm năng, lợi thế để địa phương phát triển ngành chăn nuôi thủy sản, nhất là mô hình nuôi cá xen lúa.

Trung tâm Nông nghiệp huyện Lạc Dương (Lâm Đồng) vừa hoàn thành giai đoạn một về xây dựng mô hình điểm sản xuất cà phê catimor chè an toàn. Qua đó bước đầu đã đúc kết, chuyển giao nhiều giải pháp khoa học kỹ thuật canh tác mới cho hộ gia đình đồng bào thiểu số địa phương.

Đó là ông Võ Tuấn Tú, hiện ở thôn Châu Trúc, xã Mỹ Châu (huyện Phù Mỹ - Bình Định). Quê ở xã Phước Hòa - Tuy Phước, là vùng cuối nguồn sông và ven đầm Thị Nại, ông gắn bó với nghề nuôi trồng thủy sản từ lâu trên đất quê mình, nên có khá nhiều kinh nghiệm trong nghề.

Theo Bộ NN-PTNT, hiện nay, tình hình chăn nuôi trong cả nước đang gặp khó khăn về dịch bệnh và giá cả, dẫn tới tổng đàn gia súc, gia cầm giảm rõ rệt. Ở hầu hết các tỉnh, thành số lượng trâu bò đều giảm, hiện đàn trâu trên cả nước chỉ còn 2,59 triệu con (giảm 2,54%) và đàn bò có 5,14 triệu con (giảm 3,16%). Riêng đàn bò sữa vẫn phát triển với 174.700 con, tăng 10% so với cùng thời điểm năm 2012.