Nuôi cua thương phẩm bằng con giống nhân tạo
Trong thực hiện chương trình chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Cần Giờ, nghề nuôi trồng thủy sản vẫn chiếm vai trò chủ lực. Bên cạnh con tôm là đối tượng nuôi chính thì từ năm 2013, để đa dạng hóa các đối tượng nuôi, Trung tâm Khuyến nông TPHCM đã triển khai đầu tư một số mô hình nuôi cua bằng con giống nhân tạo.
Sau 5 năm thực hiện việc chuyển giao kỹ thuật, đến nay nhiều nông dân Cần Giờ đã mạnh dạn sử dụng con giống nhân tạo thay thế cho nguồn giống cua thu gom từ tự nhiên ngày càng khan hiếm. Bên cạnh đó, nhờ tỷ lệ kích cỡ cua giống nhân tạo đồng đều, nên tình trạng cua ăn thịt lẫn nhau được hạn chế, ít hao hụt. Đồng thời, người nuôi biết áp dụng kỹ thuật nuôi thâm canh sử dụng thức ăn công nghiệp để nâng cao hiệu quả kinh tế, giúp nhiều nông hộ có cuộc sống ổn định. Trong đó, có hộ chị Huỳnh Thị Tuyết Phương (ảnh, ngụ ấp An Lộc, xã Tam Thôn Hiệp).
Chị Phương cho biết: “Với hơn 20 năm kinh nghiệm nuôi thủy sản, tôi đã sản xuất rất nhiều vụ cua, chủ yếu là sử dụng nguồn cua giống tự nhiên mua từ những người cào. Do đặc điểm là cào từ tự nhiên nên kích cỡ cua không đều, nuôi rất khó vì chúng dễ cắn nhau khi giành mồi, dẫn đến cua chết nhiều, nên hiệu quả không cao. Năm 2017, tôi được cơ quan khuyến nông hỗ trợ 5.000 con cua giống nhân tạo/ 5.000m2 ao nuôi để phát triển kinh tế gia đình. Qua thời gian nuôi, tôi nhận thấy cua nhân tạo thích hợp với điều kiện tự nhiên ở đây, tỷ lệ sống đạt khoảng 40%, kích cỡ trung bình đạt 250g - 300g/con sau 4 tháng nuôi”.
Nói về kinh nghiệm nuôi cua thương phẩm, chị Phương chia sẻ: “Cái khó nhất là tỷ lệ sống không cao, vì cua là loài hung dữ và ăn thịt lẫn nhau khi lột xác. Với kinh nghiệm của tôi, trong những ngày nước kém (khoảng mùng 10, 25 âm lịch), cua lột xác thì nên thay đổi nước, cho mực nước cao hơn bình thường. Khi những ngày lột xác, cua thường trèo lên cao để tránh các cua khác, vì thế khi làm ao nên có những cái gờ cao, hay bỏ chà, để cua trú và cho cua ăn đầy đủ. Ngoài ra, để nuôi cua đạt kết quả cao thì người nuôi cần phải siêng năng chăm sóc, theo dõi mọi hoạt động của con cua, thường xuyên kiểm tra lượng thức ăn còn ít hay nhiều để điều chỉnh kịp thời cách cho ăn. Cung cấp canxi cho cua cứng vỏ sau khi cua lột, kiểm tra lưới rào để tránh cua bò ra ngoài”.
Ngoài nghề chính là nuôi thủy sản, chị Phương còn buôn bán cá ở chợ nên đã tận dụng những phụ phẩm từ cá để làm thức ăn cho cua, giúp giảm chi phí đầu vào. Khi thu hoạch thì chị tự bán sản phẩm, không qua thương lái nên giá bán rất cao (dịp tết vừa rồi, chị bán được giá 250.000 - 300.000 đồng/kg).
Từ hiệu quả mang lại, chị cho biết: Tôi rất vui vì vấn đề cua giống đã có giải pháp thuận lợi. Vụ tới, tôi ưu tiên chọn mua con giống nhân tạo để nuôi nhưng sẽ yêu cầu cơ sở cung cấp giống phải hạ độ mặn cho phù hợp với độ mặn của ao, tránh việc cua bị sốc độ mặn gây hao hụt nhiều. Theo tôi, mô hình nuôi cua từ con giống nhân tạo có khả năng phát triển, đem lại thu nhập cho người nuôi trồng thủy sản tại Cần Giờ”.
Có thể bạn quan tâm
Thành phố Cần Thơ tổ chức hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển ngành cá tra năm 2018 theo hướng nâng cao giá trị và bền vững.
Nuôi cá nước ngọt thường gặp phải một số bệnh rất khó phát hiện và xử lý, ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế.
2017 là một năm nông nghiệp chịu ảnh hưởng lớn do thời tiết xấu, một số cơn bão đã đổ bộ trực tiếp vào tỉnh Hà Tĩnh làm phần lớn diện tích thủy sản bị thiệt hại