Nuôi cua theo hướng VietGAP
Mô hình nuôi cua theo hướng VietGAP đã và đang mở ra hướng phát triển mới, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân, góp phần cải thiện môi trường.
Biến đổi khí hậu, nước biển dâng dẫn đến thiếu nước ngọt vào mùa khô, ảnh hưởng đến sản xuất và chất lượng nguồn nước mặt, nước dưới đất. Cùng với đó, hiện tượng xâm nhập mặn ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp của người dân.
Nuôi cua hướng VietGAP
Để thích ứng, phát triển nông nghiệp bền vững, tỉnh Cà Mau đã triển khai nhiều giải pháp, chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng thích ứng biến đổi khí hậu, gia tăng hiệu quả sản xuất.
Điển hình, tại xã Phú Tân, huyện Phú Tân (Cà Mau) địa phương có diện tích nuôi trồng thủy sản hơn 5.000ha, sản lượng nuôi trồng đạt 7.150 tấn/năm, với phương thức nuôi dần thay đổi theo hướng áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất.
Tuy nhiên, ở các vùng nuôi vẫn còn xảy ra sự lạm dụng thuốc kháng sinh và hóa chất độc hại, gây suy giảm môi trường nuôi, ảnh hưởng đến sức khỏe con người.
Năm 2023, Trung tâm Khuyến nông Cà Mau đã thực hiện dự án xây dựng vùng nguyên liệu cua theo hướng VietGAP, với quy mô 30 ha/15 hộ tại ấp Mỹ Bình, xã Phú Tân, huyện Phú Tân. Mô hình nuôi cua theo hướng VietGAP được đưa ra để lựa chọn các hộ tham gia.
Theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh Cà Mau, vùng nguyên liệu nuôi cua theo hướng VietGAP nằm trong vùng quy hoạch nuôi trồng thủy sản của địa phương, hộ nuôi tập trung, với yêu cầu phải có quyền sử dụng đất, hồ sơ theo qui định VietGAP.
Mô hình VietGAP đem lại lợi nhuận cao cho người dân so với cách nuôi truyền thống. Ảnh: Trọng Linh.
Điều kiện triển khai phương án có hạ tầng đáp ứng theo yêu cầu, thuận lợi về giao thông, thủy lợi để đảm bảo triển khai tốt và thuận tiện tham quan, nhân rộng mô hình. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị quản lý, chuyên môn và địa phương để tổ chức triển khai, kiểm tra, đánh giá và báo cáo kết quả.
Để dự án thành công và đi vào chiều sâu, xã Phú Tân đã phân công viên chức triển khai phương án, chọn những hộ có đủ điều kiện và năng lực thực hiện. Chọn vùng triển khai phương án có đầy đủ các điều kiện triển khai phát triển trong những năm tiếp theo. Hộ dân tham gia phải tuân thủ quy trình kỹ thuật, có đủ điều kiện đối ứng.
Lợi nhuận tăng, môi trường đảm bảo
Sau hơn 7 tháng thực hiện thí điểm, mô hình nuôi cua theo hướng VietGAP đã cho kết quả khả quan. Các hộ dân tham gia mô hình thí điểm đều cho rằng, việc áp dụng VietGAP đã cải thiện rõ rệt năng suất cua nuôi so với trước kia.
Tham gia mô hình này, các hộ dân được Trung tâm Khuyến nông tỉnh Cà Mau hỗ trợ 50% kinh phí về giống và các vật tư thiết yếu, được hướng dẫn về kỹ thuật sản xuất cua theo tiêu chuẩn VietGAP, hỗ trợ phân bón, vi sinh.
Cua nuôi được thương lái thu mua với giá cao. Ảnh: Trọng Linh.
Ông Võ Văn Phương, một trong những hộ tham gia mô hình tại xã Phú Tân, cho biết: Sau vụ này, tôi sẽ tiếp tục áp dụng canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP cho các vụ tiếp theo, đồng thời vận động bà con tham gia và áp dụng kỹ thuật đã được chuyển giao.
Ghi nhận của phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam, tại vuông nuôi theo hướng VietGAP của gia đình ông Võ Văn Phương có sử dụng vi sinh, định kỳ 2 tuần một lần cua được bắt lên để cân đo, ghi chép cẩn thận các thông số. Đây là cơ sở để đánh giá mức độ phát triển của cua so với thời điểm trước đó nhằm định hướng khối lượng cho phù hợp với từng giai đoạn, các yếu tố môi trường nước như: pH, độ trong, nhiệt độ, độ kiềm và các loại địch hại cũng được theo dõi và kiểm tra hằng ngày.
Ông Nguyễn Văn Khởi, nông dân tham gia mô hình này chia sẻ: Với 3ha mặt nước nuôi cua theo phương pháp truyền thống, những năm trước đây, gia đình tôi thu hoạch được khoảng 90 triệu đồng, tương ứng 300 kg/năm.
Từ năm 2023, được Trung tâm Khuyến nông Cà Mau lựa chọn tham gia mô hình nuôi cua theo hướng VietGAP, cua lớn nhanh và đạt đầu con chỉ sau hơn 7 tháng thả nuôi. Tuy chưa hết một vụ nuôi, gia đình đã thu tỉa được hơn 350kg, tăng khoảng 50kg so với các vụ nuôi truyền thống trước đây. Với trọng lượng khoảng 3 con/kg, giá bán 400.000 đồng, tổng thu từ đầu năm đến nay là 140 triệu đồng.
Ông Nguyễn Văn Nhận, cũng là một trong những hộ tham gia mô hình, cho biết thêm: Từ nhiều năm nay, do không áp dụng đúng quy trình kỹ thuật nên cua nuôi không đạt, cua thường bị mềm, khó quản lý dịch bệnh dẫn đến năng suất không cao. Khi tham gia mô hình nuôi cua theo hướng VietGAP, tôi thấy có nhiều ưu điểm như: Xử lý môi trường, phòng bệnh bằng chế phẩm sinh học, hạn chế sử dụng thuốc và hóa chất, dễ dàng truy xuất nguồn gốc và đặc biệt có sự liên kết bao tiêu sản phẩm với doanh nghiệp.
Việc xử lý môi trường nước định kỳ nhằm phân hủy các chất cặn bã, thức ăn dư thừa và chất thải cua, tránh hiện tượng tăng khí độc đột ngột do quá trình phân hủy chất hữu cơ gây ra làm ảnh hưởng đến sự tăng trưởng cua nuôi.
Việc sử dụng chế phẩm sinh học xử lý môi trường và ủ men định kỳ suốt thời gian nuôi đã giúp cho các chỉ tiêu môi trường ổn định. Ảnh: Trọng Linh.
Dù thời tiết nắng nóng kéo dài, gây ảnh hưởng đến quá trình tăng trưởng của cua nuôi, nhưng đều có cán bộ kỹ thuật hướng dẫn, tập huấn kịp thời cách chăm sóc cũng như phòng bệnh trên cua. Mô hình đã góp phần nâng cao ý thức quản lý môi trường nước, phòng và trị bệnh trong quá trình nuôi bằng các chế phẩm sinh học giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tạo vùng nuôi bền vững, nhằm tạo ra sản phẩm sạch, an toàn cho người tiêu dùng.
Kỹ sư Nguyễn Giang Em, Trưởng trạm Khuyến nông huyện Phú Tân trực tiếp chỉ đạo mô hình, cho biết: Việc sử dụng chế phẩm sinh học xử lý môi trường và ủ men định kỳ suốt thời gian nuôi đã giúp cho các chỉ tiêu môi trường ổn định đã giúp cho cua lớn nhanh và hạn chế được mầm bệnh. Điều này đã làm thay đổi sự nhận thức của người dân trong việc ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất.
Theo kỹ sư Nguyễn Giang Em, ngoài việc nuôi cua thì những hộ dân thực hiện dự án còn tận dụng sân vườn, bờ bao vuông để trồng thêm rau màu, cây ăn trái để phục vụ cho bữa ăn gia đình và tăng thêm thu nhập cho hộ gia đình.
Có thể đánh giá mô hình “Nuôi cua theo hướng VietGAP” đã và đang mở ra hướng phát triển mới, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân, góp phần cải thiện môi trường, thay đổi nhận thức của người dân về kỹ thuật nuôi an toàn theo quy chuẩn cũng như bảo đảm tính bền vững trong nuôi trồng thủy sản. Trong thời gian tới, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Cà Mau thông tin tuyên truyền, chuyển giao và nhân rộng mô hình để giúp bà con từng bước tiếp cận, áp dụng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.
Có thể bạn quan tâm
Tập đoàn Việt Úc đã tham dự Hội nghị Thượng đỉnh ngành tôm toàn cầu năm 2024 và lan tỏa câu chuyện thực tiễn nuôi tôm bền vững tại Việt Nam hơn 23 năm qua.
Tôm công nghệ cao được kỳ vọng giúp ngành thuỷ sản chủ lực này của Việt Nam nói chung và Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)
Hiện đang vào mùa mưa, nhiều bà con nuôi tôm trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu khá lo lắng vì thời tiết từ nắng gắt chuyển sang mưa.