Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Nuôi Con Mình Bạc Vây Vàng

Nuôi Con Mình Bạc Vây Vàng
Ngày đăng: 16/01/2015

“Bạc”, “vàng” nhắc đến ở đây vừa để tả màu sắc đặc trưng của loài vật thủy sinh, vừa để ví von về hiệu quả kinh tế lớn đối với mô hình nuôi cá chim vây vàng ở huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình.

Bãi biển Kim Sơn những ngày đầu năm 2015 khá trầm lắng. Vụ tôm năm trước, dịch bệnh đốm trắng, hoại tử gan tụy “làm mưa làm gió” vùng thủy sản. Làm ăn thua lỗ, chủ ao, đầm sợ mầm bệnh vẫn luẩn quẩn trong nước nên chẳng mặn mà đầu tư thả tôm giống.
Biết không thể dựa dẫm quanh năm vào tôm để làm giàu, đầu năm 2014, Trung tâm Khuyến nông Ninh Bình đã đem về vùng thủy sản Kim Sơn giống cá chim vây vàng để bà con nuôi thử nghiệm.
Vừa trông thấy loài vật thủy sinh thân hình ánh bạc, mọc lên lớp vây màu vàng chanh bắt mắt, ai nấy đều hết lời khen ngợi. Và, khi nghe cán bộ giới thiệu các chim vây vàng sinh trưởng vừa khỏe, ít dịch bệnh, giá bán luôn cao hơn 100.000 đồng/kg, chủ ao mừng rỡ.
Người được Trung tâm Khuyến nông tỉnh “chọn mặt gửi vàng” là gia đình bà Đỗ Thị Thu Oanh, xóm 4, xã Kim Hải. Trước ngày nhận giống, bà Oanh tháo kiệt nước trong ao diện tích khoảng 350 m2, rắc vôi bột nông nghiệp rồi phơi khô tiếp 3 - 5 ngày mới cấp nước mặn từ biển vào ao và thả xuống 3.000 con cá giống.
“Ở một số vùng ven biển, chủ ao thả cá chim vây vàng giống cỡ chỉ 1,5 - 2 cm. Như thế rất nguy hiểm vì sức đề kháng của cá còn yếu, nếu môi trường thủy sinh không đạt tiêu chuẩn, tỉ lệ chết có thể lên tới 50 - 60%. Chúng tôi hỗ trợ hộ tham gia mô hình cá giống cỡ 6 cm để đảm bảo tỷ lệ sống cao”, ông Vũ Thế Nguyên, Trạm trưởng Trạm Khuyến nông Kim Sơn chia sẻ.
Tưởng rằng mọi việc đã xong xuôi, chỉ cần vãi cám viên dạng nổi theo hệ số tiêu tốn thức ăn của cá ở từng thời kỳ sinh trưởng, phát triển là chúng lớn vù vù. Nào ngờ, vào một ngày mưa lớn, nước đổ xối xả xuống lòng ao. Nhiều con cá ngoi lên mặt nước ngáp.
Bà Oanh gọi “cứu hộ” từ Trạm Khuyến nông huyện. Hóa ra, nước ngọt đã pha loãng độ mặn nước ao, cá không hợp. Sau khi tiếp thêm nước biển vào, lũ “mình bạc vây vàng” mới hồi phục. “Tôi rút kinh nghiệm là luôn phải giữ mực nước trong ao khoảng 1,5 m và độ muối ổn định từ 20 - 28‰”, chủ mô hình nuôi cá chim vây vàng bật mí.
Do được định kỳ thay nước, cá biển nhỏ theo dòng chảy len lỏi qua lưới lọc luồn vào ao. Khi cho ăn, cá tạp cũng ngoi lên cướp mồi. Cá chim vây vàng vốn là loài ăn tạp và rất hiếu chiến nên truy sát đến cùng. Ấu trùng, bọ gậy cũng bị chúng tiêu diệt. Mầm bệnh trong ao nuôi từ đó giảm dần.
Sau 9 tháng kể từ khi thả nuôi, trọng lượng trung bình một con cá chim vây vàng đạt khoảng 0,6 kg. Nếu tính tỷ lệ cá sống là 80% thì sản lượng cá đạt được khoảng 1,4 tấn. Hiện tại, thương lái Hải Phòng trả 110.000 đồng/kg để cung ứng cho các nhà hàng, khách sạn nhưng tôi vẫn chưa đồng ý. Bà Oanh nhẩm tính, giá thành SX 1 kg cá khoảng 60.000 đồng (lãi 50.000 đồng/kg). Như vậy, lợi nhuận thu được khoảng 80 triệu đồng.
“Nếu thâm canh tốt, 1 ha diện tích mặt nước có thể thả 10.000 con cá chim vây vàng. Hộ nuôi chuyên nghiệp có thể đạt lợi nhuận 300 triệu đồng/ha/vụ”, bà Oanh khẳng định.
Nhận xét về mô hình, ông Phạm Văn Trung, GĐ Trung tâm Khuyến nông Ninh Bình cho rằng: “So với tôm sú, tôm thẻ chân trắng, mô hình nuôi cá chim vây vàng lãi thấp hơn nhưng vẫn đảm bảo được mức lợi nhuận lý tưởng so với các loài cá biển khác. Đặc biệt, mô hình này ít chịu rủi ro bởi hiếm khi xảy ra dịch bệnh”.
Với chủ trương đẩy mạnh đa dạng hóa vật nuôi trong vùng thủy sản, ông Trần Văn Công, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Kim Sơn khẳng định: "Sau khi tổng kết, nếu các chỉ tiêu về hiệu quả kinh tế và đầu ra của sản phẩm tốt, huyện sẽ tạo mọi điều kiện trong khả năng để nhân rộng mô hình nuôi cá chim vây vàng. Được biết, mô hình của bà Oanh được rất nhiều người dân quanh vùng đến tham quan và học hỏi".
Từ nguồn vốn hỗ trợ của Bộ KH-CN, một doanh nghiệp đóng trên địa bàn xã Kim Hải đang trong quá trình tiếp nhận quy trình SX, ương nuôi giống các chim vây vàng để cung cấp nhu cầu nuôi thủy sản của địa phương và các tỉnh lân cận.


Có thể bạn quan tâm

Phát triển ngành dệt may theo hướng bền vững Phát triển ngành dệt may theo hướng bền vững

UBND tỉnh vừa có ý kiến chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương và các đơn vị liên quan phải đảm bảo cho các khu công nghiệp dệt may (KCNDM) trên địa bàn tỉnh phát triển theo hướng bền vững.

02/11/2015
Ngày đầu lệnh cấm khoai tây Trung Quốc vào chợ nông sản có hiệu lực Ngày đầu lệnh cấm khoai tây Trung Quốc vào chợ nông sản có hiệu lực

Ngày 1/11, lệnh cấm đưa khoai tây Trung Quốc vào Chợ đầu mối nông sản Đà Lạt chính thức có hiệu lực, các tiểu thương đã nghiêm chỉnh chấp hành. Cấm khoai tây Trung Quốc vào chợ nông sản Đà Lạt/ Nới thời hạn cấm khoai tây Trung Quốc vào chợ nông sản Đà Lạt

02/11/2015
Băn khoăn máy đo thực phẩm an toàn Băn khoăn máy đo thực phẩm an toàn

Để đối phó với tình trạng trái cây “tẩm” thuốc, thịt ướp hóa chất tràn lan trên thị trường, nhiều bà nội trợ bỏ tiền triệu mua thiết bị đo an toàn thực phẩm được nhập khẩu vào VN, dù hiệu quả vẫn còn nhiều tranh cãi.

02/11/2015
Chăn nuôi dùng chất cấm và kinh nghiệm của Hà Lan Chăn nuôi dùng chất cấm và kinh nghiệm của Hà Lan

Tôi ở VN đã tám năm, đã lấy vợ và có hai con ở VN. Việc lựa chọn thực phẩm cho bữa ăn hằng ngày của gia đình tôi vẫn là một vấn đề luôn phải suy nghĩ về vệ sinh an toàn thực phẩm.

02/11/2015
Người làm muối và nỗi lo bị ép giá Người làm muối và nỗi lo bị ép giá

Là làng nghề duy nhất còn sót lại tại tỉnh Quảng Bình, nghề làm muối tại xã Quảng Phú, huyện Quảng Trạch đã giúp người dân nơi đây thoát nghèo đi lên, có nhiều gia đình giàu lên nhờ làm muối.

02/11/2015