Nuôi con ăn rau rừng, uống nước lã, bán 400 ngàn đồng/kg thịt
Vài năm gần đây mô hình nuôi hươu sao lấy nhung hoặc nhân giống được nhiều nông dân tỉnh Điện Biên phát triển. Riêng anh Hoàng Đình Hiên ở phường Noong Bua, T.P Điện Biên Phủ lại chọn cách chuyên nuôi hươu sao lấy thịt, tạo sản phẩm ít "đụng hàng" ở thị trường thực phẩm, bán được giá cao, cho nguồn thu vài trăm triệu đồng mỗi năm.
Anh Hiên cho biết ngoài thức ăn chính là các loại rau rừng thì hươu rất thích ăn các loại rau, quả vị ngọt, chát, như chuối, đu đủ, thanh long và rau muống
Sau gần 6 năm theo đuổi mô hình nuôi hươu sao lấy nhung và nhân giống, đến nay anh Hoàng Đình Hiên đã thu lấy số vốn đầu tư và tích lũy được một khoản lãi kha khá. Vốn thức thời trong làm ăn kinh tế, có tư duy đánh giá xu hướng thị trường, năm 2017, anh Hiên đã chuyển hướng sang nuôi hươu lấy thịt. Thịt hươu của anh Hiên, luôn đắt khách, hơn nữa thịt hươu không phải cạnh tranh ở thị trường thịt gia súc, sản phẩm dễ tiêu thụ mà giá thành cao, đạt 400.000 đồng/kg thịt.
Là người có cá tính, nhiều năm qua anh Hiên luôn đau đáu tìm cách làm giàu nhưng anh lại quan niệm cách làm giàu của mình luôn luôn phải độc đáo, khác người và sẵn sàng chấp nhận quy luật “được ăn cả ngã về không” .
Anh Hiên cho biết: “Tôi không chấp nhận kiểu làm ăn manh mún và chạy theo phong trào, bởi như vậy rất dễ rơi vào tình cảnh “được mùa mất giá…”, hiệu quả không cao. Khi bắt tay vào nuôi hươu sao tôi đã tìm hiểu rất kỹ thị trường tại tỉnh Điện Biên”. Anh Hiên phân tích nuôi hươu sao hướng thịt là hướng làm ăn mới và hiệu quả rất cao.
Thị trường Điện Biên những năm gần đây mới cung cấp được sản phẩm nhung và hươu giống, còn hươu thịt thì vẫn phải nhập từ nơi khác về. Sau vài năm vừa nuôi vừa lấy kinh nghiệm, đến giờ anh Hiên đã tập trung chuyển sang nuôi hươu thịt là chủ yếu.
Chuồng nuôi hươu của anh Hiên, được thiết kế rất đơn giản, diện tích mỗi chuồng rộng chừng 100m2, anh Hiên thả trong đó từ 10 -13 con hươu. Do đặc tính của hươu nhát người, những con đực hay đánh nhau nên anh Hiên xây tường lửng cao 1m, còn lại vây kín bằng lưới B40 tạo không gian thoáng.
Mỗi ngày 1 con hươu thịt ăn khoảng 5-7kg rau xanh, lá cây, những loại rau, lá cây này rất dễ kiếm trên rừng, kể cả vào mùa đông cũng không bị khan hiếm như thức ăn cho trâu, bò.
Anh Hiên chia sẻ: “Kỹ thuật nuôi hươu, cách chăm sóc hươu rất đơn giản, bởi thức ăn của chúng chủ yếu là các loại rau, lá cây rừng, chúng uống nước lã và ít mắc các dịch bệnh. Ngoài ra, người nuôi có điều kiện thì cho hươu ăn thêm các loại quả như: chuối, thanh long, đu đủ hoặc rau muống, đó là những thức ăn sở trường, bổ sung dinh dưỡng rất tốt cho hươu.”.
Theo anh Hiên, nuôi hươu không lo khan hiếm thức ăn tươi vào mùa đông giống như nuôi trâu, bò. Bởi đặc tính của hươu có thể ăn tạp được gần 30 loại rau rừng các loại, mà quanh nhà anh Hiên lấy những loại rau đó không hề khó.
Qua khảo sát thị trường Điện Biên, anh Hiên đánh giá, sản phẩm thịt hươu hiện chưa có nhiều và phổ biến để bán tại các chợ mà chủ yếu tiêu thụ trong các nhà hàng lớn. Một con hươu đủ tuổi thịt cần nuôi đủ từ 1 năm tuổi trở lên và đạt trọng lượng khoảng 20kg xuất bán là vừa. Giá thì chưa khi nào anh Hiên bán dưới 250.000 đồng/kg hơi và 400.000 đồng/kg thịt móc hàm và luôn trong tình trạng “cháy” hàng.
Kinh nghiệm nuôi hươu thịt của anh Hiên là chọn những con cái làm giống, vừa nhanh lớn, dễ chăm sóc và ít đánh nhau.
“Nuôi hươu thịt nên chọn giống là những con cái, chúng vừa nhanh lớn, dễ chăm sóc và ít đánh nhau. Bởi nếu chúng đánh nhau, chỉ tạo ra 1 vết thương nhỏ nhưng rất khó lành và có thể bị nhiễm trùng và chết.” anh Hiên bật mí.
Theo tính toán của anh Hiên thì nuôi hươu lãi khá cao, mọi chi phí đầu tư mỗi năm chỉ mất khoảng 30%, còn 70% coi như lãi người nuôi để ra. Bởi vậy có năm làm ăn khá, anh Hiên thu về hơn 350 triệu đồng.
“Chính vì cách chăn nuôi hươu thịt đơn giản lại cho lợi nhuận kinh tế cao, nên theo kế hoạch năm 2019, tôi sẽ đầu tư mở rộng quy mô chuồng trại lên 5.000m2 và phát triển số lượng đàn hươu thịt tới 100 con. Hiện tôi đã quy hoạch xong chỗ nuôi và chuẩn bị lên đường về huyện Hương Sơn, (Hà Tĩnh) để nhập giống lên cho đảm bảo chất lượng” anh Hiên cho biết.
Có thể bạn quan tâm
Mô hình sản xuất hành tím theo hướng sinh học được thực hiện tại phường Vĩnh Phước, với diện tích 10ha, có 21 hộ tham gia.
Mô hình nuôi vịt trời kết hợp với vịt xiêm Pháp của anh Nguyễn Hùng Sơn, ấp Tân Lập, xã Long Phú (Long Phú). Mô hình này bước đầu cho hiệu quả khả quan.
Mô hình trồng chanh dây ngọt của ông Công đã được chính quyền địa phương và một số đơn vị chuyên môn của huyện đến tham quan và đánh giá sơ bộ ban đầu