Nuôi chim trĩ cho thu nhập trên 300 triệu đồng mỗi năm
Với nghề nuôi chim trĩ, mỗi năm anh Vũ Văn Hạnh (33 tuổi, ngụ KV Thới Hưng, P.Long Hưng, Q.Thốt Nốt, TP.Cần Thơ) có nguồn thu nhập trên 300 triệu đồng.
Anh Hạnh thành công với mô hình nuôi chim trĩ nhốt chuồng. Ảnh: Duy Tân
Nhập con giống từ miền Bắc
Cơ duyên đưa anh Hạnh đến với nghề nuôi chim trĩ là vào năm 2015, khi lên mạng tìm hiểu cách làm ăn để kiếm thêm thu nhập, anh Hạnh cảm thấy “kết” với mô hình nuôi chim trĩ thuần chủng mang lại hiệu quả kinh tế cao lại ít tốn công chăm sóc. Muốn thử sức với loài vật nuôi này, anh cất công ra tận miền Bắc, tìm đến các hộ nuôi chim trĩ có uy tín mua 50 con giống về nuôi.
Thời gian đầu, do chưa nắm vững kỹ thuật nuôi, anh Hạnh liên tục gặp thất bại. Hơn phân nửa số con giống bị chết do thay đổi môi trường sống đột ngột. Không bỏ cuộc, anh tìm đến những trang trại nuôi chim trĩ thành công học hỏi kinh nghiệm; đồng thời đọc thêm sách báo, tìm kiếm thông tin trên mạng chia sẻ về cách nuôi chim. Nhờ kiên trì áp dụng các phương pháp khoa học, đàn chim trĩ của anh dần thích nghi với điều kiện sống ở miền Tây và phát triển khỏe mạnh.
Hiện anh Hạnh đã xây dựng khu chuồng nuôi rộng 100 m2, phủ đệm lót sinh học sạch sẽ, không gây ô nhiễm môi trường. Chỉ sau 3 năm, từ 20 con giống còn sống sót, đàn trĩ đỏ, trĩ xanh của anh đã tăng lên 400 con, gồm 100 con chim bố mẹ và 300 con chim thương phẩm. Chim trĩ 1 ngày tuổi anh Hạnh bán với giá 35.000 - 40.000 đồng/con, chim 1 tháng tuổi 100.000 đồng/con và chim thương phẩm từ 230.000 - 240.000 đồng/kg. Nhờ đó, mỗi năm anh thu nhập trên 300 trịêu đồng.
Đầu ra ổn định
Theo anh Hạnh, chim trĩ vốn là loài hoang dã nên người nuôi cần nắm vững kỹ thuật mới đạt hiệu quả cao. Chim ít khi mắc bệnh, nếu có thường là bệnh phổi và bệnh Ecoli khá dễ điều trị. Chuồng chim được rào bằng lưới thép B40, phía trên lợp mái tôn tránh chim bay ra ngoài, có treo cành cây ngang cho chim đậu; phía dưới trải đệm lót sinh học để chuồng trại luôn sạch sẽ và hạn chế dịch bệnh.
Thức ăn của chim trĩ giống như của gà, gồm các loại cám trộn với bắp, lúa, rau... Đặc biệt, chim trĩ ăn rất ít. Nếu 200 con gà 1 tuần tuổi mỗi ngày tiêu thụ 10 kg thức ăn thì 200 con chim trĩ chỉ tốn từ 3 - 4 kg thức ăn. Chim non nuôi từ 3 - 4 tháng có thể xuất bán thịt, từ 6 - 7 tháng là cho sinh sản (tùy theo chim trĩ đỏ hay trĩ xanh). Chim sinh sản mỗi năm 2 đợt, đợt đầu từ tháng 3 đến tháng 4, đợt hai từ tháng 9 đến tháng 10. Bình quân chim mái đẻ từ 60 - 70 trứng/đợt.
Những yếu tố ảnh hưởng đến năng suất của chim trĩ là kỹ thuật ghép đôi, bảo quản và ấp trứng. Tỷ lệ ghép đôi phù hợp là 1 trống 6 mái trong chuồng có diện tích 2 m2, không nên ghép theo tỷ lệ 1 trống 1 mái, cũng không nên ghép nhiều mái dẫn đến tỷ lệ trứng nở kém. Tập tính sau sinh sản của chim trĩ khá giống chim tu hú. Chúng đẻ trứng xong nhưng lại không ấp, do đó người nuôi phải cho ấp bằng máy để đạt tỷ lệ nở 80 - 85%.
Hiện đầu ra của chim trĩ giống và chim thương phẩm khá ổn định. Không chỉ khách hàng ở TP.Cần Thơ mà các tỉnh như An Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng, TP.HCM… cũng tìm đến trang trại anh đặt mua. Sắp tới, anh Hạnh sẽ mở rộng trang trại, tăng đàn, nhập chim trĩ bảy màu về nhân giống để bán con giống, hỗ trợ kỹ thuật nuôi cho bà con tại địa phương. “Cùng công chăm sóc, chi phí thức ăn, nuôi chim trĩ có thể mang lại giá trị kinh tế cao hơn rất nhiều lần so với các loại gia cầm thông thường. Do đó, nếu biết đầu tư đúng cách, nghề nuôi chim trĩ hoàn toàn có thể giúp bà con có nguồn thu nhập khá”, anh Hạnh chia sẻ.
Có thể bạn quan tâm
Năm qua vườn bưởi của anh Hưng thu hoạch khoảng 25 tấn trái, với giá bán bình quân 40.000 đ/kg, thu nhập mang lại cho gia đình hơn 1 tỷ đồng/năm.
Một trong những nông dân tiên phong đưa giống lúa Nhật về trồng trên tổng diện tích 120ha tại vùng đất phèn Đồng Tháp Mười thu lợi nhuận mỗi năm hơn 6,5 tỷ đồng
Anh Đào Quang Hùng là chủ hộ nông dân đã trồng 20ha chuối tiêu hồng từ năm 2009, nhưng phải tới năm 2017 anh mới thực sự có được nguồn nhuận trên 1 tỷ đồng.