Trang chủ / Tin tức / Tin thủy sản

Nuôi cá trên lòng hồ thủy điện cho sản phẩm sạch, ít rủi ro

Nuôi cá trên lòng hồ thủy điện cho sản phẩm sạch, ít rủi ro
Tác giả: Lê Khánh
Ngày đăng: 28/11/2019

Tận dụng diện tích mặt nước lớn của lòng hồ thủy điện, nhiều hộ dân ở tỉnh Quảng Nam đã mạnh dạn đầu tư xây dựng hệ thống lồng bè để thả nuôi các loại cá thương phẩm.

Nuôi cá lồng bè trên lòng hồ thủy điện đang mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân.

Những năm qua, mô hình này mang lại nguồn thu nhập ổn định. Hàng năm, sau khi trừ các khoản chi phí, người nuôi thu lãi hàng trăm triệu đồng.

Thủy điện Sông Tranh 2 (huyện Bắc Trà My) bắt đầu tích nước vào năm 2010 thì 2 năm sau đó, gia đình ông Trần Văn Mạo (trú thôn Mộ Long, xã Trà Sơn, huyện Bắc Trà My) quyết định đầu tư lồng bè để nuôi trồng thủy sản trên lòng hồ.

Trải qua 4 tháng nuôi thì 6 lồng bè cá diêu hồng của ông đã cho xuất bán lứa cá đầu tiên. Thời điểm đó, gia đình ông thu lãi hơn 30 triệu đồng.

Nhận thấy được hiệu quả mà mô hình mang lại, huyện Bắc Trà My cũng đã có những chính sách hỗ trợ người dân phát triển kinh tế bằng việc cho người dân vay vốn không lãi suất để mở rộng sản xuất.

Nắm bắt cơ hội này, ông Mạo quyết định vay thêm 100 triệu đồng để đầu tư lồng nuôi. Đến nay, gia đình ông có tất cả 40 lồng nuôi, bình quân mỗi năm xuất ra thị trường khoảng 1,5 tấn cá các loại, doanh thu đạt từ 1,7 – 2 tỷ đồng.

“Bây giờ, sau khi trừ tất cả chi phí thì hàng năm gia đình tôi có lãi khoảng 300 – 400 triệu đồng từ cá lồng bè. Tôi nhận thấy nuôi cá trên lòng hồ thủy điện có nhiều ưu thế như nguồn nước tự nhiên không bị ô nhiễm, môi trường thông thoáng giúp cá phát triển nhanh hơn bình thường.

Bên cạnh đó, ở đây cũng cách ly với môi trường bên ngoài nên hạn chế được dịch bệnh. Từ lúc bắt đầu nuôi đến nay, nhiều năm rồi mà cá chưa xảy ra bất cứ dịch bệnh nào nên rủi ro thấp”, ông Mạo cho biết.

Cá nuôi trên lòng hồ sống trong môi trường sạch nên phát triển nhanh, ít dịch bệnh.

Theo UBND huyện Bắc Trà My, nhà nước đã có những chính sách khuyến khích người dân phát triển sản xuất như hỗ trợ cho các hộ nuôi khung lồng và con giống.

Từ 1 hộ dân đăng ký tham gia nuôi cá lồng bè trên lòng hồ vào năm 2012 thì đến nay đã có 16 hộ nuôi với khoảng 210 lồng. Đối với những hộ nuôi 10 lồng thì mỗi năm thu lãi khoảng 100 – 150 triệu, giải quyết công ăn việc làm cho trên 30 lao động trực tiếp và lao động thời vụ ở địa phương.

Ông Huỳnh Ngọc Thiệu, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Bắc Trà My chia sẻ: “Với tiềm năng diện tích mặt nước 2.200ha, huyện đã xây dựng một phương án nuôi cá lồng bè trên lòng hồ thủy điện Sông Tranh 2.

Để đáp ứng nguyện vọng của người dân, trong thời gian tới, huyện sẽ xây dựng một hợp tác xã nuôi cá lồng bè nhằm ổn đầu ra cho sản phẩm cũng như giúp người dân có thể hưởng được các cơ chế chính sách hỗ trợ của tỉnh và Trung ương”.

Không chỉ ở huyện Bắc Trà My mà ở các địa phương khác ở Quảng Nam cũng đã có thêm một số mô hình nuôi cá lồng bè trên lòng hồ thủy điện mang lại hiệu quả.

Ngoài nuôi cá, nhiều hộ dân còn hướng đến nuôi các loại thương phẩm khác như ếch.

Được biết, toàn tỉnh có khoảng 23 hộ nuôi theo mô hình này với 240 lồng chủ yếu là các loại cá diêu hồng, cá trê, cá lăng, cá chình… Ước tính, mỗi năm sản lượng thu hoạch khoảng từ 450 – 550 tấn cá thương phẩm. Theo quy hoạch, đến năm 2030, số lượng lồng cá nuôi trong các lòng hồ thủy điện đạt 2.800 lồng, sản lượng đạt 3.600 tấn.

Ông Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, nhằm khai thác toàn diện giá trị của lòng hồ thủy điện, UBND tỉnh đã tổ chức hội nghị bàn về vấn đề này trong đó có tập trung khai thác thủy sản và khai thác phát triển du lịch. Tỉnh cũng có quy hoạch và ban hành cơ chế hỗ trợ phát triển thủy sản nước ngọt.

“Tỉnh sẽ giao cho các ngành liên quan phối hợp các địa phương tiến hành quy hoạch, mở rộng quy mô nuôi cá. Cùng với đó là cơ chế khuyến khích, hỗ trợ hình thành và tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp triển khai dự án trong lòng hồ thủy điện, nhằm tạo ra những vùng nuôi quy mô lớn, góp phần cải thiện đời sống cho người dân”, ông Thanh nói.


Có thể bạn quan tâm

Lưu ý về môi trường trong ao nuôi tôm nước lợ Lưu ý về môi trường trong ao nuôi tôm nước lợ

Quản lý môi trường ao nuôi tôm nước lợ là khâu quan trọng, đòi hỏi người nuôi có sự hiểu biết cần thiết về mối quan hệ giữa các yếu tố môi trường và biến động

27/11/2019
Sống khỏe nhờ nuôi hàu nước lợ Sống khỏe nhờ nuôi hàu nước lợ

Nhiều năm qua đã sống khỏe nhờ nuôi loài hải sản “tăng cường sinh lực phái mạnh”, đó là con hàu sữa. Hàu sữa Bình Đại hiện được coi là đặc sản riêng của khu vực

28/11/2019
Tác dụng của acid formic với tôm nuôi Tác dụng của acid formic với tôm nuôi

Việc sử dụng các acid hữu cơ trong đó có acid formic như là các chất phụ gia thức ăn trong nuôi trồng thủy sản sẽ tăng đáng kể trong tương lai gần.

28/11/2019
Sản phẩm khuyên dùng
Chất lượng vượt trội, bọt khí mịn, kháng khuẩn. Ống Nano-Tube là lựa chọn sục khí được ưa chuộng nhất trên thị trường để tăng cường oxy đáy trong ao nuôi tôm …
Sản phẩm khuyên dùng
Chất lượng hoàn toàn vượt trội, sử dụng hộp số giảm tốc vỏ gang, một trải nghiệm vô cùng mới. Oxy hoà tan cao, tạo dòng lưu thông mạnh giữ cho đáy ao luôn sạch.