Nuôi cá theo công nghệ Sông trong ao: Ưu điểm vượt trội
Là một trong những mô hình nuôi trồng thủy sản đang được Trung tâm Khuyến nông Hà Nội triển khai, nuôi cá chép ứng dụng công nghệ “sông trong ao” với nhiều ưu điểm vượt trội hứa hẹn mang lại sản phẩm chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm.
Đoàn cán bộ Khuyến nông thành phố và huyện Quốc Oai thăm mô hình nuôi cá “sông trong ao” của hộ ông Lợi.
Mạnh dạn đầu tư thực hiện thí điểm
Ông Phan Nhân Lợi ở thôn Đa Phúc, xã Sài Sơn (Quốc Oai) có thâm niên làm trang trại và nuôi trồng thủy sản hàng chục năm. Khi được cán bộ khuyến nông Hà Nội và huyện Quốc Oai chọn làm thí điểm xây dựng mô hình “sông trong ao” theo công nghệ Mỹ, biết đây là mô hình sản xuất sạch, ông đã nhận lời.
Cuối năm 2017, ông Lợi hút cạn ao, chờ đáy khô để chuẩn bị xây bể nuôi cá theo công nghệ mới. Mặc dù là mô hình thí điểm, nhưng ông Lợi đã mạnh dạn xây 2 bể, với kích thước: rộng 5m, dài 25m, cao 2,5m, dốc về phía đuôi và có hệ thống xử lý phân ở cuối bể, số lượng cá nuôi tối đa 7.500 con/bể/0,5ha. Chi phí đầu tư mỗi bể khoảng 150 triệu đồng.
Theo ông Lợi, cái khó nhất của mô hình “sông trong ao” là phải luôn đảm bảo cung cấp đủ ô xy cho cá 24/24 giờ. Nếu mất điện, phải có máy phát dự phòng, đảm bảo hệ thống thổi khí luôn hoạt động.
Hiện, các hộ tham gia mô hình được hỗ trợ 100% cá chép giống, được tập huấn 1 tháng về cách nuôi và chăm sóc, phòng bệnh cho cá. Ngoài ra, còn được đi tham quan mô hình ở các tỉnh bạn như: Hải Dương, Hưng Yên; trên địa bàn Hà Nội: Chương Mỹ, Thường Tín, Ứng Hòa để học hỏi cách xây bể.
Ông Lợi cho biết, ông bắt đầu thả cá từ ngày 16/5/2018, đến nay cá đã đạt trọng lượng 450-600 g/con. Dự kiến đến tháng 12 dương lịch thu hoạch, cá sẽ đạt trọng lượng 1,2 - 1,5kg/con, giá 50.000 - 60.000 đồng/kg bán tại ao; trong khi giá cá thường chỉ 30.000 - 35.000 đồng/kg.
Nguồn thức ăn cho cá là cám viên tổng hợp, có trong danh mục cho phép của Bộ Nông nghiệp và PTNT. Bình quân, cho cá ăn 4 lần/ngày; tùy theo độ tuổi của cá để có kích cỡ viên thức ăn khác nhau. Nếu như trước đây, cũng loại cá này, nhưng nuôi trong ao đất, theo cách truyền thống, cho ăn bằng cám ngô, gạo, thì phải 2 năm mới được 1 lứa thu hoạch, thì nay ngược lại đạt 2 lứa/năm.
Ưu điểm của mô hình nuôi cá “sông trong ao” là dễ quản lý môi trường, dịch bệnh và thu hoạch không vất vả. Nếu như trước đây, khi có khách đặt hàng mua cá, phải thuê người kéo lưới; dù đánh nhiều hay ít, 1 mẻ lưới cũng phải thuê 4 - 6 người, với giá tiền công 250.000 đồng/người/ngày. Nay, nuôi trong bể cải tiến, dù khách đặt hàng vài chục kg/lần, hay vài tạ/lần cũng thu hoạch dễ dàng. Mặt khác, cá nuôi trong bể sạch, được sục khí, hút phân thường xuyên nên không có mùi tanh. Ngoài ra, có thể tận dụng lượng chất thải được thu gom, sử dụng làm phân bón trong trồng trọt, nâng cao hiệu quả kinh tế cho người nuôi.
Để mở rộng sản xuất, ông Lợi đề xuất được hỗ trợ thêm máy thổi khí, máy phát điện; camera giám sát để truy xuất nguồn gốc. Cá giống nên có kích cỡ to hơn; cá bé quá dễ lọt mặt lưới. Đối tượng cá nuôi nên phong phú hơn, không riêng cá chép mà nên phối hợp nhiều loại cá như: trắm đen, rô phi để đáp ứng nhu cầu thị trường.
Ưu điểm vượt trội
Bà Vũ Thị Hương, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội, cho biết: “Sông trong ao” là mô hình nuôi cá sạch, theo công nghệ của Mỹ, quy mô 5 ha/5hộ tại 3 địa phương: Thường Tín, Phú Xuyên , Quốc Oai tham gia, được kiểm soát chặt chẽ từ nguồn nước, thức ăn, cách chăm sóc. Đặc biệt là việc tạo ra dòng chảy trong ao, khiến cá được bơi ngược dòng một cách thỏa thuê, nhờ đó, cá khỏe, thịt rắn chắc hơn.
Hiện, mô hình đã cấp đủ 100% cá giống (75.000 con), cỡ 12-14cm/con và 175kg chế phẩm sinh học Aqua Clear-S cho các hộ tham gia mô hình. Cá giống khỏe mạnh, đều con, sinh trưởng tốt, các hộ đang tích cực chăm sóc và vận hành hệ thống sông theo đúng quy trình. Cán bộ khuyến nông huyện hướng dẫn các hộ, chăm sóc cá sau thả đúng quy trình kỹ thuật. Đồng thời kiểm tra, đôn đốc các hộ chuẩn bị thức ăn và vật tư đối ứng đầy đủ, đúng giai đoạn theo yêu cầu của mô hình”.
Theo bà Hương, để các mô hình khuyến nông trong năm 2018 thành công, Trung tâm đã phối hợp với Phòng Kế hoạch - Tài chính cung cấp con giống, thức ăn thủy sản và mua giống bò, gà kịp thời phục vụ bà con. Tiếp tục theo dõi những mô hình năm thứ 2, yêu cầu cán bộ khuyến nông huyện luôn bám sát địa bàn; hướng dẫn kỹ thuật và cùng các hộ giải quyết khó khăn. Đôn đốc bà con chú trọng phòng dịch, chăm sóc, theo dõi và đánh giá khả năng sinh trưởng, sinh sản của tổng đàn. Từ nay đến cuối năm 2018, tiếp tục công tác cấp giống, vật tư phục vụ mô hình. Kết hợp với Phòng Kế hoạch - Tài chính trong công tác đấu thầu, lựa chọn nhà cung cấp giống, vật tư, phục vụ mô hình...
Trao đổi với chúng tôi, ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội, cho biết: “Mô hình nuôi cá “sông trong ao” có nhiều ưu điểm như: nước trong ao không cần phải thay thế, song vẫn có sự tuần hoàn tốt. Chỉ cần xử lý nước ở ngoài khu vực nuôi và sử dụng men vi sinh để quản lý chất lượng nước ao nuôi. Mô hình còn có ưu điểm: Hệ số sử dụng thức ăn giảm, tỷ lệ dịch bệnh thấp, cá tăng trọng nhanh. Thịt cá săn chắc, chu kỳ nuôi ngắn, năng suất cao hơn so với cách nuôi truyền thống. Đặc biệt, sau khi thu hoạch, cho phép thả con giống ngay mà không cần phải xử lý đáy ao. Vì thức ăn dư thừa và phân cá đã được thu gom ra bên ngoài, nên môi trường nước không bị ô nhiễm”.
Tuy nhiên, theo ông Mỹ, để áp dụng được mô hình này, cần có diện tích mặt nước lớn, khoảng 5.000m2, vì vậy, các hộ có diện tích nhỏ, manh mún, sẽ không áp dụng được. Mặt khác, mô hình còn đòi hỏi đầu tư ban đầu lớn (khoảng 150 triệu đồng/bể); cơ sở vật chất đầy đủ, nguồn điện ổn định, và phải có máy phát điện dự phòng. Đồng thời, đây cũng là mô hình áp dụng công nghệ cao, thiết bị vận hành liên tục; quản lý môi trường khá phức tạp, do đó, cần người có trình độ nhất định, nhiệt tình tham gia, vì phải theo dõi, giám sát trong suốt quá trình nuôi.
Nhiều mô hình nổi bật năm 2018
Được biết, ngoài mô hình “sông trong ao”, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội còn có nhiều mô hình ứng dụng công nghệ sinh học.
Mô hình nuôi cá rô phi, quy mô 18 ha/18 hộ tham gia tại Mê Linh, Thanh Trì, Mỹ Đức, Quốc Oai, Phú Xuyên, Thường Tín, Hà Đông, Phúc Thọ, Chương Mỹ. Hiện, đã cấp đủ 100% con giống (540.000 cá rô phi giống Đường Thành cỡ 6-8cm/con) và 630kg chế phẩm sinh học Aqua Clear-S. Đôn đốc các hộ chăm sóc cá sau khi thả theo đúng quy trình kỹ thuật, nhất là vào những ngày nắng nóng, cần tăng cường quạt nước trong ao nuôi. Cá tăng trưởng tốt, khỏe mạnh, trung bình đạt 12-14 cm/con.
Mô hình ứng dụng chế phẩm sinh học trong chăn nuôi gà thả vườn, quy mô 100.000 con, tại 10 huyện: Mê Linh, Sóc Sơn, Đông Anh, Đan Phượng, Thanh Oai, Thường Tín, Sơn Tây, Gia Lâm, Mỹ Đức, Thạch Thất; Hệ thống làm mát trong chăn nuôi quy mô 5 hệ thống/5 hộ tham gia tại Gia Lâm, Chương Mỹ, Phúc Thọ, Quốc Oai, Hoài Đức; Mô hình chăn nuôi bò sinh sản quy mô 80/80 hộ tham gia tại Gia Lâm, Ba Vì, Quốc Oai, Sóc Sơn.
Hiện, các mô hình trên đang hoàn thiện hồ sơ ban đầu; xây dựng kế hoạch triển khai, tổ chức tập huấn cho bà con và hướng dẫn biện pháp kỹ thuật, chuẩn bị chuồng trại theo đúng tiêu chí của mô hình. Mặt khác, Trung tâm đang trình Sở Nông nghiệp và PTNT xin chuyển mô hình chăn nuôi gà Hyline sang mô hình chăn nuôi lợn thương phẩm, sử dụng thức ăn vi sinh với quy mô 450 con triển khai tại 5 huyện Thanh Oai, Mỹ Đức, Chương Mỹ, Phúc Thọ, Sơn Tây.
Đặc biệt, mô hình chăn nuôi bò sinh sản, quy mô 90 con, hỗ trợ cho 90 hộ nghèo trên địa bàn 5 xã miền núi của 3 huyện Ba Vì, Mỹ Đức, Thạch Thất. Hiện, đàn bò khỏe mạnh, tỷ lệ sống 100%. Các hộ đã chuẩn bị đầy đủ thức ăn, vật tư cho bò đã được phối giống; số bò còn lại, các hộ tiếp tục theo dõi, chăm sóc theo đúng quy trình kỹ thuật.
Mô hình chăn nuôi gà Ai Cập sinh sản, quy mô 50.000 con, thực hiện ở 5 huyện: Đông Anh, Hoài Đức, Mê Linh, Thanh Oai, Mỹ Đức. Đến thời điểm này, gà tại các điểm đều sinh trưởng, phát triển tốt, trung bình đạt 1,6-1,7 kg/con, tỷ lệ đẻ trên 70%, cán bộ kỹ thuật hướng dẫn các hộ điều tiết lượng thức ăn, ánh sáng phù hợp và chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật. Mặt khác, hướng dẫn người dân tích cực thực hiện biện pháp phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm, thủy sản trong mùa nắng nóng.
Ngoài ra, Trung tâm cũng đang thực hiện những mô hình nuôi trồng thủy sản có giá trị cao như: Ứng dụng công nghệ sinh học trong nuôi tôm càng xanh siêu đực thương phẩm, quy mô 3ha với 3 hộ tham gia tại Ba Vì, Thanh Trì, Mỹ Đức. Hiện, đã cấp đủ 450.000 con tôm giống và 108kg chế phẩm sinh học Aqua Clear -S cho các hộ tham gia mô hình. Theo đó, tôm sinh trưởng tốt, đang trong giai đoạn lột xác lần 5, trung bình đạt 27- 29mm/con. Tích cực hướng dẫn các hộ theo dõi giai đoạn lột xác của tôm, để kịp thời bổ sung dinh dưỡng và khoáng chất cần thiết, giúp tôm tăng trưởng tốt, tránh hao hụt.
Có thể bạn quan tâm
Tận dụng diện tích mặt nước trên bè cá, anh Trần Văn Cường ở xã La Ngà (Định Quán - Đồng Nai) đã thử nghiệm nuôi xen cá và ếch, bước đầu cho hiệu quả kinh tế
Với mong muốn tiết kiệm chi phí cho người nuôi trồng thủy sản, nhóm học sinh đã sáng chế ra máy sục khí chạy bằng năng lượng gió và pin mặt trời
Hai phát minh vừa được trao giải Thách thức đổi mới ngành thủy sản và được trao cơ hội tham gia thuyết trình tại hội nghị GOAL được tổ chức ở Chennai, Ấn Độ