Nuôi Cá Sặc Rằn Phá Thế Độc Canh Cây Lúa
Châu Hưng A là một trong những xã nghèo của huyện Vĩnh Lợi (Bạc Liêu) chuyên SX lúa. Để phá thế độc canh cây lúa đưa nông dân thoát nghèo và vươn lên làm giàu, Sở KH-CN Bạc Liêu đã phối họp với Trường ĐH Cần Thơ xây dựng mô hình nuôi cá sặc rằn ở một số ấp trong xã.
Những năm gần đây, phong trào nuôi cá nước ngọt nhằm tăng thu nhập đã được nông dân trong huyện Vĩnh Lợi ứng dụng rộng rãi. Tùy theo điều kiện đất đai, môi trường nước và nguồn vốn, nông dân đã chọn nuôi những đối tượng khác nhau, nhưng hiệu quả kinh tế chưa cao.
Chính quyền địa phương cho biết, xã chủ yếu SX nông nghiệp, nhiều hộ dân còn nghèo. Nông dân đã đi tìm nhiều mô hình SX mới với áp dụng thực hiện như nuôi tôm, trồng cây ăn trái… nhưng không hiệu quả.
Trước những bức xúc đó, đầu năm 2012, Sở KH-CN, Trường ĐH Cần Thơ đã hỗ trợ xây dựng mô hình nuôi cá sặc rằn. Khi tham gia mô hình này, bà con nông dân được các kỹ sư hướng dẫn toàn bộ quy trình từ việc cải tạo ao đầm, cách chọn cá giống bố mẹ, cách ép đẻ, chăm sóc cá bột, cá giống và kỹ thuật nuôi thương phẩm.
Khi đưa vào thử nghiệm, ngành chức năng đã chọn 10 hộ dân ở 5 ấp Trà Ban I, Hà Đức, Nhà Dài A, Nhà Dài B và ấp Thạnh Long. Anh Đoàn Văn Dũng, cán bộ nông nghiệp xã Châu Hưng A cho biết: “Sau khi được đầu tư mô hình nuôi cá sặc rằn, xã đã tiến hành chọn các hộ có đủ điều kiện về đất đai, ao đầm và khả năng đầu tư. Vì dự án chỉ đầu tư 50%, còn lại các hộ phải tự bỏ ra. Vì thế, cần phải chọn những hộ có tiềm lực. Nếu mô hình hiệu quả sẽ được tiếp tục nhân rộng trong thời gian tới”.
Là hộ đầu tiên được chọn làm điểm để triển khai trình diễn mô hình nuôi cá sặc rằn, anh Nguyễn Văn Tiến, ấp Thạnh Long, xã Châu Hưng A nói: “Khi tham gia tôi được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn cách cải tạo ao và chọn cá bố mẹ cho đẻ, cách chăm sóc cá bột, cá giống...
Mỗi hộ chỉ được đầu tư hơn 16 triệu đồng để nuôi một ao cá. Nhận thấy đây là mô hình mới nên tôi đã quyết định bỏ tiền ra cải tạo thêm một ao nữa để nuôi. Hiện cá sặc rằn phát triển rất tốt, khoảng 20 con/kg. Với giá cao như hiện nay, khi thu hoạch lời là chắc”.
Cũng như các hộ khác, ông Nguyễn Hòa Quân ngụ cùng địa phương được hướng dẫn cả quy trình kỹ thuật nuôi cá sặc rằn. Ông Quân cho biết, ông thả nuôi 16.000 con giống nuôi với một ao với diện tích 800 m2. Nhờ chăm sóc tốt và đúng kỹ thuật nên cá phát triển rất tốt và đều. Hiện nuôi được 5 tháng, trọng lượng đạt khoảng 20 con/kg.
Ông Quân chia sẻ: “Khi nuôi tôi chỉ cần chịu khó bỏ công chăm sóc, cho cá ăn ngày 4 lần. Chỉ sau khoảng 2 tháng là thu hoạch. Dự tính tôi thu hoạch ao cá này được 2 tấn, trọng lượng 10 con/kg và bán với giá 50.000 đ/kg. Thu được 100 triệu đồng trừ chi phí dự án và gia đình đầu tư còn lãi khoảng 50 triệu”.
Mô hình nuôi cá sặc rằn đã mở ra một hướng đi mới cho bà con nông dân nơi đây. Đây là một mô hình mang lại hiệu quả kinh tế có thể nhân rộng để phá thế độc canh cây lúa tăng thêm nguồn thu nhập.
Theo ngành nông nghiệp địa phương, các đơn vị có liên quan đang tính việc liên kết với doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Bởi vì có như thế, mô hình mới tồn tại lâu dài và SX bền vững.
Có thể bạn quan tâm
Xóm Hữu Nghị, xã Hợp Tiến được biết đến là một trong những địa phương trồng vải nhiều, có chất lượng cao của huyện Đồng Hỷ (Thái Nguyên). Hàng chục năm nay, 48 hộ dân trong xóm vẫn cần mẫn chăm sóc đồi vải của mình để đem đến cho người tiêu dùng những chùm quả chín ngọt.
Để đáp ứng nhu cầu của thị trường, người nông dân nuôi tằm tại Trung Quốc đã dần thay đổi và cải tiến phương thức nuôi tằm.
Thử nghiệm nuôi cá bóp lồng bè (còn gọi là cá bớp, bốp) ở Cà Mau bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế cao cho các hộ dân trên đảo Hòn Chuối.
Từ thôn thuần nông nghèo nhất xã Hoàng Đông (huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam), đến nay, Bạch Xá đã trở thành địa chỉ hàng đầu nuôi và cung cấp "đặc sản" rắn hổ mang, rắn hổ trâu ở tỉnh này, mang lại tiền tỷ cho không ít hộ gia đình.
Một số huyện ven đô Hà Nội, Vĩnh Phúc- vùng chăn nuôi bò sữa truyền thống của các tỉnh phía Bắc đang đô thị hóa quá nhanh, đẩy dần đàn bò sữa dời khỏi các vùng này. Trong sự dịch chuyển ấy, Hà Nam nổi lên như một tỉnh nuôi bò sữa tiềm năng.