Mô hình nuôi cá sặc rằn dễ áp dụng, ít tốn kém chi phí, đầu ra ổn định và cho thu nhập cao. Hiện mô hình này đang được người dân xã Mỹ Trà nhân rộng, trong đó có hộ ông Đào Duy Linh (ấp 1, xã Mỹ Trà, thành phố Cao Lãnh - Đồng Tháp).
Chú Linh cho biết: “Để phát triển kinh tế trong sản xuất nông nghiệp, việc đầu tiên là phải tìm hiểu kỹ thị trường thì mới tránh được rủi ro. Qua những lần tập huấn, tham quan mô hình sản xuất chăn nuôi cùng với sự giúp đỡ của CLB khuyến nông và Hội Nông dân xã, từ mô hình nuôi cá rô tôi mạnh dạn chuyển sang nuôi cá sặc rằn...”.
Theo chú Linh, nuôi cá sặc rằn khó nhất là giai đoạn đầu thả nuôi. Trong điều kiện nuôi thâm canh, với mật số cao, sử dụng thức ăn công nghiệp, nguồn nước nuôi cá dễ bị ô nhiễm. Điều này là nguyên nhân làm cho các loại ký sinh trùng trên cá phát triển mạnh, chủ yếu ở da và mang. Vì vậy, nên thường xuyên quan sát ao cá để kịp thời phát hiện cá bị bệnh và điều trị. Đặc biệt, bệnh thường xuất hiện và phát triển khi trời u ám, nhiệt độ thấp và mùa mưa.
Để phòng trị cần xử lý nước bằng thuốc diệt ký sinh trùng, trộn thuốc kháng sinh, bổ sung vitamin vào thức ăn cho cá và xử lý đáy ao. Đồng thời, phải quản lý tốt các công đoạn từ chăm sóc cá giống, cải tạo ao nuôi và chăm sóc cá thương phẩm.
Mật độ cá nuôi từ 30 con/m2, độ sâu ao nuôi từ 1 - 1,5m, ao gần nguồn nước sạch và có thể cấp thoát nước chủ động. Chọn giống tự nhiên, cá giống phải khỏe mạnh, đồng cỡ. Đối với cá con, hòa bột đậu nành và bột cá làm thức ăn, còn thức ăn cho cá sặc rằn thương phẩm chủ yếu là thức ăn công nghiệp.
Cá nuôi khoảng 9 - 10 tháng đạt trọng lượng 100 - 150 gram/con thì thu hoạch. Mô hình này thuận lợi là thương lái đến mua tại nhà, giá cá tươi cao hơn cá khô 1.000 đồng/kg. Đầu năm nay, loại cá 5 - 7 con/kg chú Linh bán cho thương lái với giá 60.000 - 65.000 đồng/kg. Với diện tích 1.100 m2, mỗi năm gia đình chú thu được 60 triệu đồng sau khi trừ chi phí.