Nuôi cá rô đầu nhím mở ra hướng đi mới cho vùng đất nhiễm phèn
Mô hình nuôi cá rô đầu nhím tại Trạm Nghiên cứu ứng dụng khoa học và công nghệ (KH&CN) Đồng Tháp Mười, xã Thạnh Hưng, thị xã Kiến Tường, tỉnh Long An góp phần đa dạng hóa vật nuôi, tăng giá trị sử dụng đất, ứng dụng các tiến bộ KH&CN vào sản xuất nông nghiệp, tạo sản phẩm thủy sản có chất lượng phục vụ người tiêu dùng, khống chế, xử lý phèn trong ao nuôi thủy sản mới khai hoang bị nhiễm phèn.
Cá rô đầu nhím đạt trọng lượng 130-170g/con, 5-7 con/kg
Trạm Nghiên cứu ứng dụng KH&CN Đồng Tháp Mười có diện tích hơn 80ha. Trong đó, khu nuôi trồng thủy sản được thiết kế gồm 1 ao lắng và 24 ao nuôi với diện tích 3.000m2/ao, 6 ao nuôi với diện tích 1.000m2/ao. Các ao nuôi thủy sản thường nhiễm phèn nên tôm, cá không sống được và khó phát triển. Muốn kiểm soát độ pH của nước tại ao nuôi để các loại thủy sản phát triển tốt, ngoài kiểm soát 2 nguồn phát sinh phèn, cần chọn đối tượng nuôi thích hợp với điều kiện, môi trường đất và nước tại trạm. Cá rô đầu nhím là con lai, thừa hưởng những ưu điểm giữa cá rô đồng và cá rô đầu vuông, có tốc độ tăng trưởng nhanh hơn cá rô đồng nhưng chất lượng thịt thơm, ngon hơn cá rô đầu vuông. Đặc biệt, loài cá này có khả năng thích nghi với môi trường khắc nghiệt rất tốt. Vì vậy, Sở KH&CN giao Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN xây dựng mô hình nuôi cá rô đầu nhím trong vùng đất nhiễm phèn mới khai hoang.
Ao nuôi có diện tích 900m2 được tát cạn nước, bắt hết cá tạp, vét bùn đáy ao, chừa lại lớp bùn khoảng 20cm, rửa phèn đáy ao khoảng 3-4 lần. Sau đó, sử dụng bạt phủ trên mặt bờ ao và lót xung quanh bờ ao nhằm hạn chế phèn từ trên bờ rửa trôi xuống do mưa, ngăn phèn rỉ từ trong bờ ao; đồng thời, bón vôi liều lượng 200kg để tăng pH của nước. Đáy ao được bón 300kg phân chuồng tạo hệ đệm nền đáy, ngăn phèn từ nền đáy xì lên và giúp tảo phát triển mạnh, quá trình quang hợp của tảo sẽ làm tăng pH. Cấp nước vào ao từ 1,5-2m, kiểm tra chất lượng nước đạt tiêu chuẩn trước khi tiến hành thả cá.
Cá giống được chọn những con khỏe mạnh, đồng đều, không xây xát, dị tật, kích cỡ từ 150-200 con/kg. Mật độ nuôi 20 con/m2. Cá được nuôi bằng thức ăn công nghiệp có hàm lượng đạm 30%, kích cỡ viên thức ăn thay đổi tùy theo kích cỡ miệng của cá, dao động từ 2-4 mm. Trong quá trình nuôi, định kỳ bón vôi phòng bệnh cho cá, lượng vôi bón 2-3kg/100m2; trộn men tiêu hóa và vitamin C vào thức ăn để tăng sức đề kháng cho cá. Thường xuyên thay nước, theo dõi hoạt động của cá.
Sau 3 tháng, trung bình, trọng lượng cá từ 130-170g/con, 5-7 con/kg. Tổng sản lượng cá thu hoạch trên 1.300kg, tỷ lệ sống đạt 70%. Với kết quả này, mô hình nuôi cá rô đầu nhím trong ao phèn mới khai hoang mở ra hướng mới trong việc lựa chọn thủy sản phù hợp vùng đất phèn Đồng Tháp Mười của tỉnh, đồng thời giúp nông dân có biện pháp cải tạo nước ao, nâng pH đến 6,5-8 để phù hợp với nuôi thủy sản.
Có thể bạn quan tâm
Theo đúng kế hoạch, Ủy ban châu Âu (EC) đã thực hiện chuyến thanh tra tại Ấn Độ để đánh giá các phương pháp kiểm soát chất lượng tôm xuất khẩu sang EU
Lãi trung bình vài chục triệu đồng mỗi ha trên vụ nuôi, tôm càng xanh đang tạo sức hút lớn với nông dân ở Cà Mau.
Để kim ngạch xuất khẩu tôm đạt 10 tỷ USD vào năm 2025 như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ thì việc định vị con tôm Việt Nam trên thị trường thế giới