Nuôi cá lồng trên các hồ chứa tiềm năng còn bỏ ngỏ
Nhận thấy nguồn nước ở hồ Núi Cốc trong lành nên tháng 4-2015, anh Nguyễn Văn Sáng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Thương mại và Dịch vụ Sao Sáng (Bắc Giang) đã mạnh dạn thuê lại 2.500ha diện tích mặt nước của Xí nghiệp Thủy sản hồ Núi Cốc để nuôi cá chép, cá trắm đen, cá rô phi đơn tính, cá nheo, cá trê…
Trò chuyện cùng chúng tôi, anh Sáng chia sẻ: Điều quan trọng nhất khi nuôi cá lồng, bè là sông, hồ chứa phải có nguồn nước trong sạch, không bị nhiễm bẩn bởi nước thải sinh hoạt, chất thải công nghiệp và chất thải của các nhà máy hoá chất. Nuôi cá tại hồ có thể tận dụng nguồn thức ăn tại chỗ, giảm được chi phí và không phải lo thay nước hằng ngày như nuôi ở các hồ nhỏ tại nhà.
Hiện tại, Công ty có 80 lồng nuôi cá ở hồ Núi Cốc và đã xuất bán được trên 30 tấn cá các loại. Từ nay đến cuối năm, Công ty dự kiến sẽ mở rộng nuôi thêm 80 lồng, sản lượng dự ước đạt trên 500 tấn. Ngoài ra, Công ty còn tạo việc làm ổn định cho 20 lao động địa phương với mức thu nhập bình quân 5 triệu đồng/người/tháng.
Ngoài Công ty cổ phần Thương mại và Dịch vụ Sao Sáng, trên địa bàn tỉnh còn có các đơn vị: là Công ty cổ phần Tư vấn và Chuyển giao công nghệ nuôi cá lồng trên hồ Ghềnh Chè, xã Bình Sơn (T.P Sông Công), hồ Kim Đĩnh, xã Tân Kim (Phú Bình); Xí nghiệp Thuỷ sản Núi Cốc nuôi cá lồng trên hồ Xuân Đô, xã Tân Thái (Đại Từ) và nuôi thâm canh trên 5ha diện tích ao của xí nghiệp; Hợp tác xã Thủy sản Bảo Linh nuôi cá trên hồ Bảo Linh (Định Hóa) với tổng số 125 lồng nuôi, thể tích nuôi trên 12.000m3, sản lượng đạt trên 294 tấn. Theo ông Nguyễn Văn Phúc, Trưởng phòng Thủy sản (Sở Nông nghiệp và PTNT): Hiệu quả của các mô hình đã đánh thức tiềm năng nuôi cá lồng, bè trên hồ chứa, nhằm đa dạng các hình thức nuôi, tận dụng tiềm năng diện tích mặt nước sẵn có tại địa phương và góp phần tăng thu nhập cho người sản xuất, nâng cao đời sống nông dân quanh khu vực lòng hồ.
Với tổng diện tích mặt nước khoảng gần 7 nghìn ha, tỉnh ta có điều kiện thuận lợi cho phát triển nuôi trồng thủy sản.
Tuy nhiên, tỉnh ta mới chỉ khai thác được một phần rất nhỏ so với tiềm năng diện tích mặt nước của sông và hồ chứa, diện tích nuôi thâm canh mới chỉ đạt trên 7%, chủ yếu là nuôi quảng canh, bán thâm canh. Bên cạnh đó, nghề nuôi cá lồng vẫn mang tính tự phát, chưa theo quy hoạch, phát triển sản xuất chưa gắn với bảo vệ môi trường.
Hơn nữa, việc phát triển nghề nuôi cá lồng chưa thành vùng chuyên canh tập trung nên chưa tạo được hệ thống tiêu thụ và thị trường ổn định. Người dân nuôi cá truyền thống vẫn theo hình thức thả cá sống tự nhiên, thiếu sự chăm sóc, không có kỹ thuật quản lý môi trường và phòng trừ dịch bệnh nên sản lượng cá nuôi năng suất chưa cao.
Thực tế, đa phần người dân mới chỉ đi học tập kinh nghiệm ở một số địa phương, chưa qua các lớp tập huấn, nên kinh nghiệm chăm sóc, phòng chống dịch bệnh, xử lý chất thải... còn thiếu. Thêm vào đó, việc phát triển lồng, bè cá trên hồ chứa không có dòng chảy thì tốc độ ô nhiễm nguồn nước sẽ nhanh hơn do lượng thức ăn dư thừa và chất thải từ đàn cá đọng lại.
Để khuyến khích phát triển nghề nuôi cá lồng bền vững, theo ông Vũ Đình Thịnh, Giám đốc Trung tâm Thủy sản tỉnh, trong thời gian tới, Trung tâm sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan hoàn chỉnh xây dựng Quy hoạch phát triển thủy sản tỉnh Thái Nguyên đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 với nội dung phù hợp quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, định hướng tái cơ cấu ngành thuỷ sản, các quy hoạch của ngành và quy hoạch xây dựng nông thôn mới. Trên cơ sở quy hoạch thủy sản, xây dựng các đề án, dự án phát triển thủy sản đối với từng loại hình mặt nước và từng huyện, thành phố, thị xã.
Cùng với đó, Trung tâm sẽ nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ mới trong sản xuất con giống có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện của địa phương; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, nuôi thâm canh các đối tượng thủy sản đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm và phát triển bền vững, trong đó, chú trọng đến nuôi cá lồng, nuôi cá hồ chứa; nuôi thuỷ sản đặc sản và thủy sản nước lạnh. Đồng thời phối hợp với cơ quan có thẩm quyền cải tạo các hồ chứa thủy lợi để đáp ứng các điều kiện phát triển nuôi trồng thủy sản như: Nền đáy hồ, đăng chắn, đập tràn…
Xây dựng hệ thống quan trắc, cảnh báo môi trường và dịch bệnh trong nuôi trồng thủy sản tại các vùng sản xuất tập trung. Ngoài ra, Trung tâm cũng sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến khích các hợp tác xã, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tham gia vào việc phát triển nuôi cá lồng theo hướng liên kết tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, đảm bảo ổn định đầu ra. Toàn tỉnh phấn đấu đến năm 2020 diện tích mặt nước nuôi trồng thuỷ sản đạt 6.855ha (tăng 1.080ha so với năm 2013).
Trong đó, tăng diện tích mặt nước nuôi trồng thuỷ sản hồ chứa thuỷ lợi, từ đất lúa trũng chuyển đổi, đất lúa - cá kết hợp và diện tích nuôi cá lồng (nuôi ao, hồ nhỏ 2.140ha, nuôi hồ chứa đạt 4.015ha, nuôi cá ruộng đạt 700ha), diện tích nuôi trồng thuỷ sản ứng dụng khoa học kỹ thuật nuôi thâm canh từ 1.700ha (chiếm 25%) trở lên, sản lượng cá lồng đạt trên 1.000 tấn.
Có thể bạn quan tâm
Sản lượng nuôi trồng thủy sản tháng 3 năm 2016 ước đạt 197 ngàn tấn, tăng 0,3% so với cùng kì năm trước, đưa tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản 3 tháng đầu năm đạt 548 ngàn tấn, tăng 1,8 % so với cùng kỳ năm trước.
Lịch thời vụ được các ngành chức năng đưa ra nhằm giúp bà con nông dân sản xuất hiệu quả, tránh thiệt hại. Tuy nhiên, với thời tiết diễn biến phức tạp như hiện nay thì khi áp dụng lịch thời vụ người dân cần xem xét điều kiện thực tế để chọn thời điểm xuống giống, nuôi trồng hợp lý, hiệu quả.
Chọn nuôi giống cá rô phi đơn tính, trồng dừa xiêm cao sản trên diện tích 49ha khu vực Bàu Cái (xã Tân Tiến, thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận) là cách làm Hợp tác xã (HTX) nuôi trồng thủy sản 27/7 Tân Hải đang thực hiện, đem lại nguồn thu nhập cao mỗi năm cho các xã viên.