Nuôi cá lồng ở Pơ Nang (Sơn La)
Trên chiếc thuyền máy, anh Mùi Văn Điến, Trưởng bản Pơ Nang đưa chúng tôi đi thăm những lồng cá dập dềnh trên mặt nước. Anh chia sẻ: Trước đây, 94 hộ dân trong bản chủ yếu sống dựa vào cây sắn, cây ngô, vì vậy cuộc sống của nhiều hộ còn nhiều khó khăn. Nghề nuôi cá lồng được bắt đầu từ sau khi một số hộ trong bản đi thăm mô hình nuôi cá lồng ở xã Quy Hướng (Mộc Châu). Qua chuyến thăm đó, ai cũng nhận thấy nuôi cá lồng không tốn nhiều công, chi phí đầu tư ban đầu không quá cao mà lại cho hiệu quả kinh tế lớn. Vậy là từ lợi thế của mặt nước hồ Hòa Bình, một số hộ dân trong bản đã làm lồng để nuôi cá trên mặt nước. Khởi đầu là 5 lồng cá, đến nay đã có 35 hộ nuôi 40 lồng cá. Tiếp tục câu chuyện về nuôi cá lồng, anh Điến khoe: Gia đình tôi là một trong những hộ đầu tiên ở bản nuôi cá lồng. Ngay vụ cá đầu tiên, vừa ăn, vừa bán cũng thu được hơn 10 triệu đồng. Từ hiệu quả đó, gia đình đã làm thêm 1 lồng nữa để nuôi cá.
Con thuyền tiếp tục đưa chúng tôi đến khu nuôi cá của gia đình ông Đinh Văn Liên, một trong những hộ nuôi cá lồng đầu tiên ở bản nên có nhiều kinh nghiệm. Ông Liên kể: Lúc đầu chưa có kinh nghiệm nên gặp nhiều khó khăn. Con giống mua của người bán mang từ huyện vào không biết địa chỉ rõ ràng, thành ra tỷ lệ cá sống chỉ đạt 50%. Năm nay, tôi nuôi thêm 1 lồng cá nữa và chọn loại cá “nhỡ” khoảng 4 con/kg về thả nên cá thích nghi nhanh và mau lớn, không bị chết. Mỗi lồng thả khoảng 40 kg cá giống, với giá 150 nghìn đồng/kg cá giống. Theo ông Liên, nuôi cá lồng không khó. Song, trong quá trình nuôi cần theo dõi sự phát triển của cá từng ngày, nếu cá bị bệnh sẽ được phát hiện sớm và xử lý kịp thời. Ông Liên tính toán: Nuôi cá lồng thu nhập gấp 2 lần so với trồng ngô, trong khi vốn đầu tư ít, lại dễ tiêu thụ vì thương lái đến tận gia đình đặt hàng. Cá nuôi lồng phát triển nhanh, tận dụng được thức ăn có sẵn, mỗi lồng cá sau 1 năm nuôi cho thu nhập từ 20-25 triệu đồng.
Dù nghề nuôi cá chưa trở thành nghề chính ở Pơ Nang, nhưng lại là nguồn thu nhập chính của nhiều gia đình. Lồng cá rộng chừng 30-36m2, làm bằng tre, lưới thường dùng được 3-4 năm, với mức chi phí làm lồng khoảng từ 8 - 10 triệu đồng/lồng. Người dân ở đây chủ yếu nuôi cá trắm, cá rô phi vì loại cá này dễ nuôi và nhanh cho thu hoạch. Nuôi khoảng 9-12 tháng, cá trắm có trọng lượng trung bình từ 2,5 - 3 kg/con, cá rô phi 0,5 - 1 kg/con. Bên cạnh đó, nuôi cá lồng trên hồ có tốc độ sinh trưởng nhanh, bởi nguồn nước sạch, hàm lượng ôxy cao. Do tận dụng được môi trường tự nhiên nên chất lượng thịt cá ở đây thơm ngon, được khách hàng ưa chuộng, vì vậy, đầu ra của sản phẩm tương đối ổn định. Với giá bán trên thị trường hiện nay trung bình là 80.000 đồng/kg cá trắm, 60.000 đồng/kg cá rô phi (tư thương đến tận nơi mua), mang lại nguồn thu nhập không nhỏ cho các hộ nuôi cá.
Tuy mang lại nguồn thu đáng kể cho người dân bản Pơ Nang, nhưng việc nuôi cá lồng tại đây vẫn còn nhiều vướng mắc, rủi ro. Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, hiện nhiều hộ gia đình trong bản có nguyện vọng nuôi cá lồng, nhưng bà con lại bị động về nguồn cá giống. Người nuôi cá tự liên hệ và mua cá giống từ các địa phương khác về nuôi, khó kiểm soát nguồn giống và dịch bệnh ở cá. Đặc biệt, cá mắc một số bệnh mà người dân không biết là bệnh gì, cách phòng và điều trị như thế nào, do đó, khiến người dân do dự khi đầu tư vào nghề mới này.
Để nghề nuôi cá lồng trở thành thế mạnh trong phát triển kinh tế của xã Tân Hợp, giúp người dân bản Pơ Nang xóa đói, giảm nghèo, rất cần sự quan tâm vào cuộc của các cấp, các ngành trong việc nghiên cứu chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất; hướng dẫn kỹ thuật cho người nuôi cá, cũng như có thị trường tiêu thụ sản phẩm cá ổn định.
Có thể bạn quan tâm
Vừa qua, tại khách sạn Quê Tôi, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với WWF – Việt Nam (Quỹ Quốc tế về bảo vệ thiên nhiên) tổ chức ký kết hợp đồng “Sản xuất và tiêu thụ tôm theo tiêu chuẩn ASC (viết tắt của Hội đồng Quản lý nuôi trồng thuỷ sản)”. Tham dự có lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đại diện Công ty cổ phần Thủy sản Sóc Trăng (Stapimex), các thành viên Hợp tác xã nuôi tôm Hòa Nghĩa (Vĩnh Châu) cùng một số đơn vị mua tôm ở Đan Mạch và Na Uy.
Từ đầu vụ đến nay, yếu tố môi trường, những bất lợi về thời tiết đã tác động xấu đến hoạt động nuôi trồng thủy sản nước lợ ở huyện Kim Sơn (Ninh Bình), một số ao tôm đã có hiện tượng chết rải rác. Dự báo trong thời gian tới thời tiết sẽ diễn biến phức tạp hơn, nhất là những ngày gần đây đã xuất hiện nắng nóng gay gắt cộng thêm những cơn mưa đầu mùa, do đó người nuôi tôm cần chăm sóc tốt và quản lý chặt chẽ môi trường ao nuôi.
Trước tình trạng khai thác thủy sản trái phép diễn ra phức tạp, ngoài sự chỉ đạo và triển khai truy bắt mang tính định kỳ của chính quyền, sự chung sức của từng cá nhân, chi hội nghề cá, góp phần bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên đầm Cầu Hai.