Nuôi cá chép ứng dụ̣ng công nghệ sông trong ao: Ưu điểm vượt trội
Là một trong những mô hình nuôi trồng thủy sản đang được Trung tâm Khuyến nông Hà Nội triển khai, nuôi cá chép ứng dụng công nghệ sông trong ao với nhiều ưu điểm vượt trội hứa hẹn sẽ mang lại sản phẩm chất lượng, đảm bảo ATTP.
Lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông Hà Nội kiểm tra mô hình nuôi cá ứng dụng công nghệ sông trong ao tại huyện Quốc Oai.
Trưởng phòng Chăn nuôi - Thủy sản, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Nguyễn Hồng Sơn cho biết, công nghệ sông trong ao là công nghệ mới đang được ứng dụng trong nuôi trồng thủy sản tại một số tỉnh như Hải Dương, Phú Thọ, Nghệ An… với nhiều ưu điểm như quản lý môi trường tốt, hạn chế ô nhiễm, giảm thiểu dịch bệnh trong quá trình nuôi và cho năng suất vượt trội.
Thay vì nuôi trong môi trường nước tĩnh trong ao, công nghệ này sử dụng phương pháp nước chảy. Cá được nuôi trong các bể nhỏ có nước chảy liên tục, các bể này được xây dựng trong một bể lớn. Những chiếc máy thổi khí được đặt ở đầu các bể có nhiệm vụ đẩy nước lưu thông một chiều tạo thành một dòng sông nhỏ trong ao. Khi nước chảy liên tục, cá trong bể sẽ hình thành thói quen vận động và bơi ngược dòng 24/24 giờ. Đây là điểm khác biệt của mô hình nuôi cá sông trong ao so với phương pháp nuôi truyền thống.
Tham khảo tại một số tỉnh bạn đã triển khai mô hình cho thấy, công nghệ này không chỉ cho năng suất cao, cá vận động thường xuyên nên chất lượng cá cũng ngon hơn. “Vì đây là mô hình mới tại Hà Nội nên Trung tâm Khuyến nông rất chú trọng đến khâu chọn điểm, chọn hộ” – ông Sơn nhấn mạnh. Theo đó, mô hình được thực hiện tại 3 huyện: Thường Tín, Phú Xuyên và Quốc Oai với quy mô 5ha và 5 hộ tham gia. Tham gia mô hình, các hộ được hỗ trợ 100% cá giống (tương đương 15.000 con giống cá chép V1), 30% thức ăn và chế phẩm sinh học.
Để mô hình đạt hiệu quả cao, trước khi bắt tay vào thực hiện, các hộ tham gia mô hình được tập huấn kỹ thuật, tham quan mô hình tại một số tỉnh bạn. Bên cạnh đó, trong suốt quá trình thiết kế, cải tạo ao, xây bể nuôi cũng như lắp đặt trang thiết bị, Trung tâm đều cử cán bộ kỹ thuật hỗ trợ cùng với các hộ dân nhằm đảm bảo đúng quy chuẩn kỹ thuật.
Theo lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông Hà Nội, mô hình được triển khai với mục đích thay đổi tư duy của người nông dân trong nuôi trồng thủy sản, hướng tới nền sản xuất tiên tiến áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật để nâng cao hiệu quả kinh tê, tạo ra sản phẩm chất lượng, đảm bảo VSATTP. Vì vậy, từ khâu chuẩn bị ao nuôi đến giao cá giống, thức ăn và chế phẩm sinh học cho các hộ tham gia mô hình đều được Trung tâm triển khai đúng kế hoạch và tiến độ đề ra. Trong thời gian tới, Trung tâm sẽ tiếp tục đồng hành cùng các hộ dân trong quá trình chăm sóc, quản lý dịch bệnh để cá sinh trưởng, phát triển tốt đem lại thành công cho mô hình.
Có thể bạn quan tâm
Mùa mưa, nuôi trồng thủy sản thường gặp nhiều rủi ro về dịch bệnh, ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế. Do đó, chế độ chăm sóc, quản lý môi trường nước, ao nuôi
Mô hình nuôi cá hô trong ao đất do Chi cục Thủy sản Vĩnh Long triển khai từ tháng 9/2017, quy mô 10 hộ tham gia.
Việt Nam đã làm chủ được công nghệ sản xuất giống cua biển tạo thuận lợi cho sự phát triển của nghề nuôi này