Trang chủ / Tin tức / Tin thủy sản

Nuôi cá bông lau trong ao đất

Nuôi cá bông lau trong ao đất
Tác giả: Tăng Thanh Chí
Ngày đăng: 25/11/2019

Độ mặn dao động từ 0 - 8‰ khá phù hợp cho sự tăng trưởng của cá bông lau, từ đó có thể nhân rộng mô hình ra những huyện có điều kiện sinh thái tương tự.

Vừa qua, tỉnh Sóc Trăng tổ chức hội nghị bàn về việc nuôi cá bông lau tại địa phương. Tiến sỹ Hồ Mỹ Hạnh - Phó trưởng Khoa Công nghệ - Thủy sản, Trường cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ báo cáo tham luận “Hiện trạng nuôi cá bông lau trong ao đất ở Vĩnh Long, Hậu Giang và Sóc Trăng”, tiến sỹ Nguyễn Quang Trung - Chủ nhiệm dự án đã trình bày Kết quả thực hiện mô hình nuôi cá bông lau trong ao đất ở tỉnh Sóc Trăng.

Theo đó, dự án được thực hiện tại 06 ao nuôi của 06 hộ ở 02 huyện Kế Sách và Cù Lao Dung (mỗi huyện 03 ao), diện tích ao nuôi dao động từ 1.100 - 2.000m2, giống được sản xuất nhân tạo tại Trung tâm Quốc gia giống thủy sản nước ngọt Nam bộ với mật độ thả từ 1 - 2 con/m2 được bố trí một cách ngẫu nhiên, khối lượng cá trung bình lúc thả là 6,06g.

Các yếu tố môi trường ao nuôi được khống chế trong khoảng tương đối thích hợp cho cá sinh trưởng ở tất cả các ao nuôi, chỉ khác nhau ở độ mặn: độ mặn ở 3 ao tại huyện Cù Lao Dung dao động từ 0 - 8‰ trong suốt vụ nuôi, trong khi độ mặn ở 3 ao tại huyện Kế Sách là 0‰ trong suốt vụ nuôi. Cá được cho ăn thức ăn tổng hợp Uni-President với độ đạm 40% trong 3 tháng đầu, sau đó độ đạm giảm dần xuống còn 26% từ tháng thứ 10 đến khi thu hoạch.

Kết quả sau 3 tháng nuôi khối lượng cá đạt trung bình gần 100g ở hầu hết các ao nuôi. Tuy nhiên, từ tháng thứ 4 đến tháng thứ 11, cá trong các ao nuôi ở huyện Kế Sách tăng trưởng chậm chỉ đạt trên 300 g/con và tỷ lệ sống thấp chỉ đạt 22,3% (do bệnh gan thận mủ) nên đã tiến hành thu hoạch, năng suất bình quân chỉ đạt 0,81 tấn/ha.

Trong khi đó, 3 ao nuôi ở Cù Lao Dung cá tăng trưởng nhanh, trung bình đạt gần 1kg/con ở tháng thứ 11 và tỷ lệ sống bình quân đạt 77,5% và được tiếp tục nuôi đến tháng thứ 12 (2 hộ) và tháng thứ 17 (1 hộ) với khối lượng trung bình trên 1,2 kg/con mới thu hoạch, năng suất trung bình đạt 16,43 tấn/ha. Xét về hiệu quả kinh tế thì 3 ao ở huyện Kế Sách bị lỗ 183 triệu đồng, ngược lại 3 ao ở huyện Cù Lao Dung lãi 163 triệu đồng.

Từ kết quả trên cho thấy cá bông lau nguồn giống nhân tạo tăng trưởng chậm ở vùng nuôi nước ngọt của huyện Kế Sách, tỷ lệ hao hụt cũng rất cao, từ đó khuyến cáo cần cân nhắc trước khi thả nuôi ở vùng này. Ngược lại, các ao nuôi ở huyện Cù Lao Dung với độ mặn dao động từ 0 - 8‰ khá phù hợp cho sự tăng trưởng của cá bông lau, từ đó có thể nhân rộng ra một số huyện khác có điều kiện sinh thái tương tự như huyện Mỹ Xuyên, Trần Đề.

Ông Dương Vĩnh Hảo, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Sóc Trăng khẳng định, mô hình nuôi cá bông lau trong ao đất bằng nguồn giống nhân tạo là một trong những nhiệm vụ khoa học rất cần thiết, nhằm đa dạng đối tượng nuôi thay thế hoặc luân canh cho những ao nuôi tôm nước lợ kém hiệu quả, giảm áp lực cho việc khai thác nguồn giống cá bông lau tự nhiên trên địa bàn tỉnh.

Ông đề nghị đơn vị chủ trì dự án (Trường cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ) sớm hoàn thiện các bước còn lại để báo cáo trước hội đồng khoa học của tỉnh Sóc Trăng để nghiệm thu.


Có thể bạn quan tâm

Muốn giàu nuôi cá muốn khá cũng nuôi cá tại Đà Nẵng Muốn giàu nuôi cá muốn khá cũng nuôi cá tại Đà Nẵng

Mạnh dạn dồn điền, đổi thửa để tiến hành nuôi các loại cá nước ngọt và mang lại hiệu quả, giúp nhiều hộ dân có thu nhập khá, vươn lên làm giàu.

25/11/2019
Phát triển kinh tế từ tôm càng xanh tại Hà Tĩnh Phát triển kinh tế từ tôm càng xanh tại Hà Tĩnh

Nhận thấy tôm càng xanh là đối tượng nuôi không quá khó về mặt kỹ thuật, chi phí đầu tư thấp mà giá bán lại cao nên đưa đối tượng này vào nuôi hiệu quả kinh tế

25/11/2019
Bệnh vi bào tử trùng trên tôm nuôi lần đầu xuất hiện ở Hà Tĩnh Bệnh vi bào tử trùng trên tôm nuôi lần đầu xuất hiện ở Hà Tĩnh

Nhiều diện tích nuôi tôm vụ hè thu ở Hà Tĩnh bị mắc bệnh vi bào tử trùng (EHP) dẫn đến tôm nuôi còi cọc. Đây là bệnh lần đầu tiên được phát hiện tại Hà Tĩnh

25/11/2019