Trang chủ / Hải sản / Tôm thẻ chân trắng

Nuôi cá biển trong lồng hợp kim đồng

Nuôi cá biển trong lồng hợp kim đồng
Ngày đăng: 09/09/2015

Hơn một năm qua, Trung tâm Hợp tác nghề nuôi trồng và khai thác thủy sản bền vững (Hội Nghề cá Việt Nam) đã phối hợp thử nghiệm thành công sử dụng lồng hợp kim đồng (CAM) nuôi cá biển tại đảo Cát Bà (TP Hải Phòng).

Nhóm thực hiện lắp đặt 6 lồng CAM (thể tích 27 m3 và 15 m3) nuôi cá mú tại hai hộ nuôi ở Bến Bèo. Lồng được làm bằng sợi hợp kim đường kính 2 mm, trong đó hàm lượng đồng 65%, còn lại là một số hợp kim khác. Lồng ni-lon được sử dụng làm đối chứng.

Kết quả, sau 1 năm nuôi, lồng đồng giúp cá sinh trưởng tốt hơn, tỷ lệ sống cao hơn 18,5%, hệ số chuyển đổi thức ăn cũng cao hơn tới 40%. Việc tăng hiệu suất thức ăn giúp giảm giá thành thức ăn trên mỗi kg cá.

Bên cạnh đó, cá sống trong lồng đồng khỏe mạnh hơn, ít bị dịch bệnh và nặng hơn khi đạt kích cỡ thương phẩm. Đặc biệt, trong khi lồng ni-lon chỉ sau 1 tháng nuôi có rất nhiều hàu, hà bám thì lồng CAM hầu như không bị hàu và hà bám nên không phải dùng máy diesel để làm sạch.

Lồng CAM cũng giúp giảm 18% chi phí sử dụng, sửa chữa, duy trì lưới cá. Lưới có khả năng tái sử dụng hoàn toàn ngay cả khi lưới đã quá hạn sử dụng (6 năm trở lên).

Mặt khác, hàm lượng đồng và kẽm trong cá và môi trường nước biển không có khác biệt nào so với khi dùng lồng ni-lon.

Nhóm nghiên cứu đánh giá, lồng vật liệu đồng có ưu điểm lưu thông dòng chảy, giúp duy trì lượng ôxy cao, không có ký sinh trùng và vật liệu bám gây dịch bệnh cho cá, nhờ đó giảm việc bổ sung kháng sinh và hóa chất. Kết cấu lồng vững chắc, không bị sóng gió làm biến dạng nên có thể đặt lồng nuôi ở khá xa bờ.

Mặc dù chi phí đầu tư cho lồng CAM rất cao gấp 11 lần so với lồng ni-lon nhưng tính theo giá trị khấu hao, lợi nhuận khi nuôi cá bằng lồng CAM cao gấp rưỡi so với nuôi trong lồng ni-lon.

Đây là lần đầu tiên lồng CAM được ứng dụng tại nước ta trong khi nó đã phổ biến trên thế giới từ hàng chục năm nay.

Bà con nuôi cá lồng trong nước vẫn chủ yếu dùng lồng đan từ lưới ni-lon. Lồng ni-lon thường bị rong rêu và sinh vật trong nước bám vào làm nước lưu thông kém, tăng ký sinh trùng gây ô nhiễm nước làm cá bị nhiễm bệnh.

Ngư dân tại Bến Bèo bày tỏ mong muốn nhân rộng việc dùng lồng CAM để nuôi các loài cá khác như cá giò, cá chèm, tôm hùm… Họ cũng mong có thể tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư mua lồng CAM.

Tags: ca bien, nuoi ca bien, thuy san, hai san, nuoi trong thuy san, nuoi ca


Có thể bạn quan tâm