Nuôi bò sữa VietGAP mỗi tháng thu 200 triệu đồng
Tự tin với bò sữa VietGAP
Tốt nghiệp ngành Điện tử viễn thông (Trường Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội) nhưng anh Huấn không lựa chọn công việc ở thành phố mà về quê chăn nuôi bò sữa. Trang trại của gia đình anh rộng 4ha vừa trồng cỏ, vừa nuôi bò sữa và là một trong những trang trại có quy mô lớn tại thị trấn Nông trường Mộc Châu. Từ lưng vốn 30 con bò sữa ban đầu, đến nay trang trại của gia đình anh đã tăng lên 142 con bò sữa, mỗi năm thu được gần 500 tấn sữa tươi. Nhờ nuôi bò sữa mà trung bình mỗi tháng, anh thu nhập 200 triệu đồng và tạo dựng được cơ ngơi trị giá hơn 7 tỷ đồng.
Có được thành quả như hiện nay, anh Huấn cho hay chính là nhờ liên kết với Công ty CP Giống bò sữa Mộc Châu. Khi tham gia liên kết, những hộ nông dân như anh Huấn được hỗ trợ từ 700-1.000 đồng/kg thức ăn tinh bột và cỏ Alfalfa, hỗ trợ 5 triệu đồng cho mỗi con bò giống. Mỗi năm 2 lần, Công ty cử đội ngũ cán bộ có chuyên môn hướng dẫn cụ thể phòng bệnh cho bò, tổ chức tiêm phòng chống dịch lở mồm long móng, chống bệnh tụ huyết trùng cho bò. Công ty còn áp dụng chính sách khuyến khích thưởng vào giá sữa hàng tháng, bao tiêu sản phẩm với giá cả ổn định. Giá thu mua sữa cũng được tính toán làm sao để người nuôi có lãi, hiện với giá thu mua 13.600 đồng/1kg sữa tươi, mỗi con bò sữa trung bình cho 7,5 tấn/1 chu kỳ, nhiều nông dân như anh Hiếu đã trở thành tỷ phú.
Anh Huấn chia sẻ: “Khi liên kết cùng công ty, tôi còn được tham gia khoá học chứng chỉ VietGAP, các lớp tập huấn về vệ sinh an toàn thực phẩm do công ty phối hợp Cục Chăn nuôi, Sở NNPTNT. Nhờ có kiến thức, tôi đã đầu tư trên 2 tỷ đồng để thiết kế lại hệ thống xử lý nước thải, phân chuồng đảm bảo tiêu chuẩn”.
Yên tâm hơn nhờ được bảo hiểm
“Nếu như trước đây, trang trại thường bị động về nguồn thức ăn, không đủ cho đàn bò trong chu kì vắt sữa thì nay có sự liên kết chặt thức ăn cho bò được đảm bảo tốt nhất. Chất lượng sữa của trang trại tôi luôn đạt tiêu chuẩn loại 1 chất lượng tốt nên được giá và được thưởng từ công ty”
Anh Phan Doãn Huấn
Tại trang trại của anh Huấn, đàn bò sữa được quản lý bằng số, được cung cấp đầy đủ thức ăn thô xanh, ủ chua. Mỗi chuồng còn được thiết kế hệ thống uống nước tự động, máy massage tự động khi bò có nhu cầu. Mọi không gian chuồng trại đảm bảo cho đàn bò thoải mái nhất trong quá trình vắt sữa hay sinh sản. Cùng với việc đầu tư trang trại hiện đại, anh Huấn còn rất yên tâm khi tham gia bảo hiểm.
Anh cho biết: “Có thời điểm, trang trại của tôi có con bò bị ốm chết đã được Quỹ bảo hiểm vật nuôi đền bù. Tôi đã nhận số tiền rất sớm và nhanh chóng mua được bò mới thay thế để đảm bảo sản lượng hàng ngày. Đây chính là sự chia sẻ từ phía công ty nên chúng tôi rất yên tâm sản xuất”. Được biết, phí bảo hiểm vật nuôi ở mức 600.000 đồng/một con bò sữa/năm, 400.000 đồng/một con bò hậu bị/năm. Khi bị thiệt hại, trang trại sẽ được quỹ đền bù từ 10-12 triệu đồng/con, bò hậu bì được đền bù từ 5-7 triệu đồng/con. Khi bán sữa cho công ty, người nuôi trích nộp vào quỹ 50 đồng/kg sữa. Nếu giá sữa tụt giảm 30%, quỹ bảo hiểm sẽ hỗ trợ 60% số tiền sữa bị sụt giảm.
Có thể bạn quan tâm
Hệ thống siêu thị trên cả nước xuất hiện ngày càng nhiều, mặt hàng nông sản cũng đa dạng để phục vụ người tiêu dùng. Tuy nhiên không vì thế mà các trang trại, hay nông dân “dễ thở” hơn, bởi vẫn thiếu những cái bắt tay bền chặt giữa nông dân và siêu thị.
Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, thông thường tổng mức xuất khẩu gạo 6 tháng đầu năm phải đạt 3,2 - 3,5 triệu tấn, tuy nhiên hết 6 tháng đầu năm 2016, xuất khẩu gạo mới đạt 2,7 triệu tấn, giảm 2% so với cùng kỳ. Đây là mức thấp nhất trong nhiều năm gần đây.
Là huyện kinh tế trọng điểm của tỉnh Sơn La, nơi tập trung các nhà máy chế biến nông sản, dù có đóng góp lớn cho tăng trưởng địa phương nhưng việc môi trường ngày càng ô nhiễm tại đây đã khiến các ngành chức năng “đau đầu” tìm giải pháp.