Nuôi bò sữa quy mô nào mang lại hiệu quả cao nhất?
Trong mấy năm qua, trong khi đàn bò sữa cả nước tăng lên, thì đàn bò sữa ở TP.HCM lại giảm xuống. Tuy nhiên, quy mô đàn ở các hộ nuôi bò sữa lại tăng lên. Vậy nuôi theo quy mô nào mang lại hiệu quả cao nhất?
Nuôi bò sữa ở TP.HCM
Theo TS Phạm Hồ Hải, Phó trưởng phòng Phòng Khoa học Công nghệ (Sở NN-PTNT TP.HCM), tổng đàn bò sữa của TP tính đến tháng 6/2018 là 73.642 con, chiếm 23,76% tổng đàn bò sữa của cả nước, thấp hơn gần 20% so với năm 2014. Tuy nhiên, đàn cái vắt sữa của TP hiện là 37.412 con, chiếm 50,8% tổng đàn và cao hơn 4,6% so với năm 2014.
Điều này cho thấy khuynh hướng chung của bò sữa ở TP là giảm tổng đàn nhưng lại tăng tỷ lệ cái vắt sữa và tăng năng suất sữa, phù hợp với đề án nâng cao chất lượng đàn bò sữa TP giai đoạn 2016-2020 là: Duy trì đàn bò sữa không quá 100.000 con, với năng suất sữa đạt bình quân 7.700 kg/con/năm; đồng thời, xây dựng cơ cấu đàn cái sinh sản chiếm 65 - 70% và đàn cái vắt sữa chiếm 50% tổng đàn; xây dựng đàn hạt nhân mở chiếm 2 -5% tổng đàn bò sữa TP, với năng suất sữa trên 8.500kg/con/năm.
Tổng đàn bò sữa của TP.HCM giảm mạnh trong những năm qua, trước hết là do thu nhập từ chăn nuôi bò sữa đã giảm. Nếu như vào năm 2014, tổng thu nhập của người nuôi bò sữa (khi bán sữa cho Vinamilk) đạt bình quân là 83,7 triệu đ/con thì đến 2016 đã giảm mạnh xuống chỉ còn 72,8 triệu đ/con. Sang năm 2017 và 6 tháng đầu năm 2018, thu nhập bình quân/con đã tăng trở lại nhưng vẫn chưa vượt mốc 80 triệu đ/con như những năm 2014-2015. Giá bán sữa tươi giảm trong giai đoạn 2014-2018, trong khi chi phí sản xuất sữa tăng lên… là những nguyên nhân quan trọng làm giảm tổng đàn bò sữa của TP.
Số hộ nuôi bò sữa ở TP.HCM cũng đã giảm mạnh, từ 9.106 hộ năm 2014 xuống còn 5.911 hộ (tháng 6/2018). Giảm nhiều nhất là số hộ nuôi nhỏ lẻ ở quy mô dưới 10 con, từ 5.096 hộ xuống còn 2.903 hộ. Ngược lại, quy mô đàn trên hộ lại tăng, hiện ở mức bình quân 12,5 con/hộ (năm 2014 là 10,7 con/hộ). Điều này cho thấy khuynh hướng chăn nuôi bò sữa đang theo hướng nuôi tập trung theo quy mô lớn, giảm dần quy mô chăn nuôi nhỏ lẻ.
Mặt khác, dù thu nhập bình quân trên mỗi con bò sữa đã giảm nhưng đây vẫn là vật nuôi cho hiệu quả kinh tế cao ở vùng ngoại thành TP.HCM, nhất là tại huyện Củ Chi, nơi đang chiếm tới 66,35% tổng đàn bò sữa và 70,84% số hộ chăn nuôi bò sữa của TP.
Một điều đáng chú ý trong chăn nuôi bò sữa ở TP.HCM hiện nay là chăn nuôi theo kiểu lấy công làm lời (nuôi nhỏ lẻ) đã không còn đạt hiệu quả kinh tế, thậm chí là lỗ, do các chi phí trung gian cao và yêu cầu về chất lượng sữa từ các công ty thu mua ngày càng chặt chẽ hơn.
Trước hết, nuôi quy mô càng nhỏ thì giá thành sản xuất sữa càng lớn. 6 tháng đầu năm nay, các hộ nuôi 5 con bò sữa có giá thành cao nhất, tới 12.547 đ/kg. Tiếp đó là hộ 10 con (10.178 đ/kg). Giá thành tiếp tục giảm ở các hộ 20 con, 50 con, 100 con và thấp nhất là ở hộ nuôi 200 con (8.511 đ/kg).
Do giá thành cao hơn giá bán sữa, các hộ nuôi 5 con đang có tỷ suất lợi nhuận/giá bán sữa là âm 2,4% (bị lỗ). Hộ nuôi 10 con có tỷ suất lợi nhuận 10,7%; hộ 20 con đạt tỷ suất lợi nhuận 12,4%. Tỷ suất lợi nhuận đạt trên 20% khi nuôi bò với quy mô lớn (>50 con). Cao nhất là hộ nuôi 200 con khi đạt tỷ suất lợi nhuận tới 31,1%.
TS Phạm Hồ Hải cho hay, nhìn chung, chăn nuôi bò sữa ở TP HCM hiện chỉ phát huy tác dụng ở quy mô chăn nuôi từ 20 con trở lên. Trong đó chăn nuôi hiệu quả nhất là khi nông dân có đất trồng cỏ và sử dụng nguồn lao động của gia đình trong khâu khai thác sữa. Giá thành sản xuất sữa biến động từ 9.756 - 10.028 đồng/kg sữa tươi, tỷ suất lợi nhuận từ 15,3 - 17,5% tùy thuộc vào giá thức ăn (cỏ, cám và giá bán sữa).
Có thể bạn quan tâm
Mô hình liên kết trong chăn nuôi bò thịt đã giúp nâng cao thu nhập cho người dân, khắc phục một số bất cập trong chăn nuôi, mở ra hướng đi mới cho ngành
Được phát hiện cách đây hơn nửa thế kỷ, Phytoplasma là tác nhân gây ra rất nhiều bệnh trên nhiều loại cây trồng khác nhau
Thực hiện mô hình thu gom và xử lý bèo thành phân hữu cơ tại chỗ nhằm phục vụ nhu cầu sản xuất nông nghiệp, tạo ra sản phẩm an toàn.