Nuôi biển - Phải biến tiềm năng thành thế mạnh
Tiềm năng nuôi biển ở nước ta rất lớn, tuy nhiên, lĩnh vực này vẫn chưa thực sự phát triển, đóng góp cho ngành thủy sản còn khá khiêm tốn. Hiện, với nhiều chính sách ưu đãi, nuôi biển đang được hy vọng sẽ phát triển xứng tầm.
Tích cực thúc đẩy ngành nuôi biển phát triển
Vẫn quanh quẩn ven bờ
Theo số liệu của Tổng cục Thủy sản, trong thời gian qua, lĩnh vực nuôi biển đã có những bước phát triển đáng kể cả về diện tích và sản lượng. Diện tích nuôi biển tăng từ 38.800 ha (năm 2010) lên 246.000 ha (năm 2017); cùng đó, sản lượng tăng lần lượt từ 156.000 tấn lên 377.000 tấn. Các đối tượng nuôi chính là cá biển (song, giò, vược, chẽm…), nhuyễn thể (nghêu, hàu, tu hài, ốc hương…), giáp xác (tôm hùm, cua, ghẹ…) và rong biển.
Nghề nuôi biển phát triển nhanh và mạnh ở một số địa phương như Quảng Ninh, Khánh Hòa, Phú Yên, Kiên Giang…; ở đó đã hình thành những mô hình nuôi biển quy mô lớn, áp dụng công nghệ tiên tiến.
Tại Kiên Giang, tính đến cuối năm 2018, toàn tỉnh đã có gần 3.000 lồng bè nuôi cá các loại trên biển, thu hoạch đạt sản lượng trên 1.400 tấn, chủ yếu thả nuôi các loại các mú, cá bớp, tập trung trên vùng biển Phú Quốc và đảo Nam Du thuộc huyện Kiên Hải. Hiện nay, ngành nông nghiệp Kiên Giang đang đẩy mạnh phát triển mô hình nuôi cá biển công nghiệp nhằm tạo điều kiện để khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế trong phát triển kinh tế biển. Còn tỉnh Khánh Hòa vẫn là thủ phủ nuôi trồng thủy sản khu vực Nam Trung bộ, đối tượng nuôi được người dân tập trung phát triển là tôm hùm, các loại cá biển như cá bớp, cá chim vây vàng, cá hồng, cá mú…
Tiềm năng là vậy, tuy nhiên, theo đánh giá, nghề nuôi biển ở Việt Nam mới ở giai đoạn đầu, trình độ thấp, chủ yếu nuôi ở vùng ven bờ đã bộc lộ nhiều bất cập. Nuôi tự phát, manh mún, phá vỡ quy hoạch, hạ tầng nuôi yếu kém. Cùng đó, nghề nuôi đối mặt với nhiều rủi ro thách thức từ con giống, thức ăn, suy giảm môi trường, thiên tai, dịch bệnh, phát triển không bền vững. Thị trường tiêu thụ các sản phẩm nuôi biển bấp bênh, xuất khẩu chủ yếu qua đường tiểu ngạch, thiếu sự tham gia của các doanh nghiệp… do vậy chưa hình thành được các chuỗi giá trị.
Chiến lược dài hơi
Để phát huy tiềm năng, lợi thế của nuôi biển, dự thảo Chiến lược phát triển nuôi biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được đưa ra lấy ý kiến và trình Chính phủ phê duyệt.
Trong đó, phát triển mạnh công nghiệp nuôi biển vùng xa bờ, hình thành ngành sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, bền vững, tạo sản phẩm hàng hóa đảm bảo vệ sinh thực phẩm, chất lượng cao phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Phấn đấu đưa Việt Nam trở thành quốc gia hàng đầu về công nghiệp nuôi biển trong khối ASEAN và châu Á, top 5 của thế giới về sản lượng và giá trị xuất khẩu hải sản nuôi; sản lượng đạt 3 triệu tấn; giá trị thương mại và xuất khẩu trên 10 tỷ USD; đồng thời, lĩnh vực nuôi biển trở thành một trong những trụ cột của ngành thủy sản.
Để đạt được mục tiêu này và thúc đẩy ngành nuôi biển phát triển, nhiều ý kiến cho rằng, trước tiên cần giải quyết vấn đề con giống. Hiện nay, một số giống cá biển đã được sản xuất nhân tạo, tuy nhiên vẫn ở quy mô nhỏ lẻ, do đó còn phụ thuộc nguồn nhập khẩu tiểu ngạch, dẫn tới sự thiết hụt con giống cả về số lượng và chất lượng, cũng như không đáp ứng được yêu cầu mùa vụ. Cùng với đó, phải giải quyết vấn đề thức ăn cho đối tượng nuôi biển, bởi hiện vẫn phụ thuộc vào nguồn cá tạp, trong khi thức ăn công nghiệp chưa theo kịp. Đồng thời, định hướng và ổn định thị trường tiêu thụ, bởi sản phẩm nuôi biển vẫn chủ yếu xuất khẩu tiểu ngạch.
Vấn đề quan trọng nữa hiện nay là quy hoạch và quản lý quy hoạch. Bởi tại nhiều địa phương hiện đã xảy ra tình trạng mở rộng vùng nuôi vượt quy hoạch, gây khó khăn cho công tác quản lý và áp lực lớn lên môi trường, dẫn đến tình trạng dịch bệnh xảy ra liên miên, hoặc đối tượng thủy sản nuôi chết hàng loạt, gây thiệt hại lớn cho người dân. Điển hình như vụ tôm hùm chết tại xã vịnh Cam Ranh (Khánh Hòa) thời gian vừa qua.
Phát biểu tại một cuộc hội thảo, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, phải tập trung NTTS chứ không thể dựa mãi vào nguồn khai thác. Không chỉ nuôi trong bờ, mà nghiên cứu nuôi ở những vùng phù hợp bằng công nghệ hiện đại nhất. Lập quy hoạch vùng nào nuôi đối tượng nào, ứng dụng khoa học, công nghệ ra sao, quản lý như thế nào, phòng tránh thiên tai, chống bị ô nhiễm phát sinh ra dịch bệnh… Tất cả phải tính toán bài bản, đầu tư đúng mức.
Để phát triển ngành công nghiệp nuôi biển, cùng với việc sớm quy hoạch lĩnh vực này, cần những chính sách ưu đãi đầu tư, tín dụng và có cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa công nghiệp nuôi biển với công nghiệp du lịch, dầu khí, quốc phòng. Quan trọng, phải thu hút các doanh nghiệp tham gia nuôi biển, có như vậy mới nhanh chóng đẩy mạnh phát triển lĩnh vực này. Vì hiện nay, trong số hàng trăm doanh nghiệp thủy sản của Việt Nam, không doanh nghiệp nào đầu tư vào nuôi cá biển. Lý do có nhiều, nhưng quan trọng nhất vẫn là vốn đầu tư.
Số liệu thống kê cho thấy, tổng diện tích tiềm năng nuôi trồng hải sản trên biển và hải đảo ở nước ta khoảng 244.190 ha; trong đó, diện tích vùng bãi triều 153.300 ha, vùng vũng vịnh, eo ngách và ven đảo là 79.790 ha, vùng biển hở 11.100 ha. Cùng đó, hiện cả nước có 20 triệu cư dân sống ven biển và ở các đảo. Đây là lực lượng lao động quan trọng để phát triển ngành hàng này.
Có thể bạn quan tâm
Sản lượng gần 40 tấn một năm, giá thành 400.000đ – 600.000 đồng một kg, rươi trở thành“lộc trời ban” cho nhiều hộ gia đình ở Tiên Lãng, Hải Phòng.
Hiện nay, đã gần hết tháng 8 nhưng cá linh non ở ĐBSCL chưa xuất hiện nhiều khiến giá bán khá cao.
Không nuôi theo hình thức trang trại, nhưng mỗi năm anh Huỳnh Văn Hải có lợi nhuận hơn 150 triệu đồng từ mô hình nuôi ếch thâm canh trong vèo lưới, kết hợp nuôi