Trang chủ / Tin tức / Tin nông nghiệp

Nuôi 2.000 vịt đẻ, kiếm tiền triệu mỗi ngày

Nuôi 2.000 vịt đẻ, kiếm tiền triệu mỗi ngày
Tác giả: Dương Lam
Ngày đăng: 21/06/2018

Với lợi thế gia đình có khu vườn rộng đến 7 sào đất (500 m2/sào) nằm bên sông Quéo đầy nước quanh năm, anh Nguyễn Văn Trí (SN 1967) ở xóm Tây, thôn Thuận Hòa, xã Bình Tân (huyện Tây Sơn, Bình Định) nuôi 2.000 con vịt "đẻ ra tiền".

Anh Trí với đàn vịt đẻ 2.000 con bên dòng sông Quéo

Tuy không có lãi nhiều như những người nuôi vịt thịt theo phương thức chạy đồng, bởi nuôi nhốt chi phí thức ăn nhiều hơn, nhưng với đàn vịt đẻ 2.000 con, anh Trí có thể kiếm tiền triệu mỗi ngày.

Không phải suốt ngày đứng giữa đồng không mông quạnh chăn đàn vịt của mình, nên anh Trí thường xuyên có mặt ở nhà. Mỗi ngày, sau khi cho đàn vịt ăn, anh rảnh tay chăm sóc mấy con bò, cắt cỏ cho bò ăn, hoặc giúp vợ làm mấy sào ruộng.

Hôm chúng tôi tìm đến căn nhà của anh nằm sâu trong xóm nhỏ, anh Trí đang quanh quẩn với đàn vịt 2.000 con. Anh Trí cho biết: “Nuôi vịt đẻ lãi ít nhưng nhàn, có thời gian để có thể làm thêm nhiều việc khác kiếm thêm thu nhập”.

Lứa vịt trước vừa hết chu kỳ đẻ, anh Trí "bán xác" và thả nuôi ngay 2.000 vịt "nhí”. Vịt giống chỉ cần đặt mua ở các lò ấp là chủ nuôi được cung ứng ngay số lượng vịt mái theo nhu cầu. Hiện con giống đang đứng ở giá 9.000 đồng/con. Sau 5 tháng thả nuôi đàn vịt bắt đầu đẻ, từ tháng thứ 6 trở đi là người nuôi ung dung “đếm” tiền lãi mỗi ngày.

Theo tính toán của anh Trí, trong 5 tháng nuôi chờ đẻ, mỗi con vịt có khoản chi phí 100.000 đồng, đó là tính cả tiền mua con giống. Bắt đầu tháng thứ 6 vịt đẻ, cho ăn đầy đủ, tỷ lệ đẻ của vịt đạt ít nhất 90%. Với 2.000 con vịt, mỗi ngày anh sẽ “lượm” chắc 1.800 quả trứng. Trứng vịt được thương lái thu mua với giá 2.200 đồng/quả, có bao nhiêu thương lái mua hết bấy nhiêu. Mỗi ngày anh Trí được hơn 1,2 triệu đồng tiền lãi ròng. Trong 4 tháng đầu thu trứng, tiền lãi đủ bù chi phí cho 5 tháng nuôi vịt chờ đẻ.

“Chu kỳ vịt đẻ đạt tỷ lệ 90% kéo dài khoảng 12 tháng. Sau đó tỷ lệ đẻ của vịt giảm dần xuống còn 70%, người nuôi có lãi ít hơn, chu kỳ này cũng kéo dài 12 tháng. Đến năm thứ 3, vịt đẻ chỉ còn đạt tỷ lệ 50%, đến lúc này tiền bán trứng chỉ đủ bù chi phí thức ăn cho chúng mỗi ngày.

Do vậy, đến thời điểm này người nuôi thường "bán xác" vịt thịt. Giá vịt xác tôi vừa bán là 70.000 đồng/con. Nếu ai muốn gây nuôi đàn vịt từ đầu thì mua giống thả lại, ai không muốn thì mua vịt đã được 6 tháng tuổi về thả nuôi để thu trứng ngay. Giá vịt mái 6 tháng tuổi hiện nay được bán 120.000 đồng/con”, anh Trí cho hay.

Tôi thắc mắc: “Người nuôi vịt mái đã đến 6 tháng tuổi sao không để chúng đẻ mà lại bán đi?”. Anh Trí cười, chia sẻ: “Có những người chuyên gây nuôi vịt đúng 6 tháng thì bán kiếm lãi chứ không cho đẻ. Họ nuôi số lượng nhiều, cả mấy chục ngàn con. Vịt chuyên chạy đồng, hết tỉnh này đến tỉnh khác, chỉ ăn lúa rụng trong ruộng, không cho ăn cám thực phẩm nên chi phí đầu vào thấp. Nuôi đến 6 tháng họ bán cho những người chuyên nuôi vịt đẻ, giá hiện nay là 120.000 đồng/con là họ đã có lãi khá. Mua về thúc cho ăn no nê vài bữa là đẻ ngay”.

Anh Trí với chiếc máy nổ và đầu bơm dùng để làm vệ sinh chuồng trại

Theo anh Trí, vịt 5 - 6 tháng tuổi thường có bộ lông đều, mướt mát và bóng. Vịt “cao niên” bộ lông thường thưa thớt do rụng, chỉ còn trơ cọng. Bao nhiêu năng lượng hấp thụ được từ thức ăn trong ngày, vịt già dành hết cho việc đẻ, không còn nuôi lông nữa nên chúng thường có bộ lông “khô chát”.

“Tuy nhiên, nếu gặp người ma mãnh, bỏ đói đàn vịt già dăm ba bữa, chỉ cho uống nước chứ không cho ăn, khi ấy vịt sẽ dừng đẻ. Khi không còn bị mất sức do đẻ thì vịt bắt đầu nuôi lông nên bộ lông vịt sẽ phục hồi, có thể đánh lừa những người mua ít kinh nghiệm. Tuy nhiên, còn 1 cách “xem tướng” vịt già khác là xem chân. Vịt già đi đứng nhiều, nên chân của chúng nổi u cục chứ không trơn tru như vịt tơ, nhìn là biết ngay”, anh Trí cho biết.

Để tiếp sức cho vịt đẻ mạnh, anh Trí mua 1 máy nổ để kéo 1 đầu bơm hút cát từ sông Quéo lên làm vệ sinh chuồng trại mỗi tháng 1 lần. Khi hút cát, nước dưới sông theo lên đẩy trôi lớp cát cũ đã bẩn, lấp lớp cát mới lên làm cho chỗ vịt đứng đẻ trở nên sạch sẽ, kích thích vịt đẻ mạnh hơn.

“Vịt là loài vật chuyên gây bẩn, nhưng lại ưa sạch sẽ. Nếu chuồng trại ô nhiễm, vịt đã không đẻ mà còn bị nhiễm bệnh chết. Nuôi nhốt vịt ít dịch bệnh, rủi ro thấp nên người nuôi có thu nhập ổn định”, anh Trí nói.


Có thể bạn quan tâm

Gạo sạch nhờ vịt Gạo sạch nhờ vịt "trừ sâu"

Những con vịt này giữ nhiệm vụ bảo vệ đồng lúa bằng cách ăn cỏ, sâu bọ hay côn trùng gây hại.

21/06/2018
Làm giàu từ hoa hồng cổ Làm giàu từ hoa hồng cổ

Đi sau trong việc trồng hoa hồng cổ nhưng anh Phạm Viết Toản (37 tuổi ngụ thôn Kiều Trung, xã Hồng Thái, huyện An Dương, thành phố Hải Phòng) vẫn “đến trước”

21/06/2018
Mô hình luân canh lúa-tôm giúp nông dân vượt khó Mô hình luân canh lúa-tôm giúp nông dân vượt khó

Luân canh trồng lúa kết hợp với nuôi tôm theo mô hình 1 vụ lúa vào mùa mưa và 1 vụ tôm vào mùa khô hạn là cách làm đầy sáng tạo.

21/06/2018