Nữ tỷ phú từ nuôi cua đinh và ba ba
Đó chính là chị Trương Ánh Nguyệt, ở ấp Láng Hầm, xã Thạnh Xuân, huyên Châu Thành A (Hậu Giang) khi nuôi cua đinh và ba ba cho thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm.
Chị Trương Ánh Nguyệt có hơn 15 năm trong nghề nuôi cua đinh và ba ba thương phẩm và cung cấp con giống cho các tỉnh ĐBSCL với số lượng lớn. Mô hình của chị Nguyệt rộng 1,5 ha, được chia thành nhiều khu như: khu nuôi thương phẩm, khu sinh sản, khu nuôi dưỡng con giống... Bình quân mỗi năm chị xuất bán ra thị trường khoảng 2.000 cua đinh thương phẩm và 2 tấn ba ba, sản phẩm chủ yếu được tiêu thụ tại các nhà hàng và quán ăn.
Nói về con giống, gia đình chị Nguyệt có hơn 450 cua đinh và 700 ba ba bố mẹ cho sinh sản quanh năm để phục vụ bán con giống nhưng số lượng luôn không đủ đáp ưng cho thị trường. Do, hiện phong trào nuôi cua đinh và ba ba đang phát triển mạnh ở ĐBSCL và cả miền Bắc, đây là loại vật hoang dã nhưng rất dễ nuôi, cho thu nhập cao và luôn có đầu ra ổn định.
Chia sẻ kinh nghiệm thực hiện mô hình, chị Nguyệt cho biết, đối với nuôi cua đinh và ba ba khá đơn giản chỉ cần xây hồ bằng xi măng trên bờ hay đào ao nuôi đều được. Đặc biệt lưu ý, khi chuẩn bị ao nuôi đều phải dùng tôn hay xây gạch xung quanh để cua đinh hay ba ba không bò ra ngoài. Cùng đó, một ngày cho ăn một lần vào buổi sáng. Thức ăn chủ yếu là cá biển xay nhuyễn cộng với một ít thức ăn công nghiệp giúp vật nuôi lớn nhanh. Đối với 2 vật nuôi này trong vòng 12 - 15 tháng có thể đạt 1 kg/con đối với cua đinh và 1,2 - 1,4 kg/con với ba ba sau 10 - 12 tháng có thể xuất bán. Đặc biệt, hai đối tượng nuôi này càng nuôi càng lớn. Theo chị Nguyệt, nuôi cua đinh hay ba ba trong ao hồ, lưu ý cần thay nước thường xuyên để phòng ngừa bệnh. Vì thức ăn cho ăn hàng ngày chính là cá biển sống rất dễ làm nước trong ao nuôi bị dơ (bẩn) nhanh chuyển sang màu đen, nếu không chăm sóc tốt ở khâu này rất dễ làm cua đinh và ba ba nhiễm bệnh và chậm lớn.
Ngoài việc nuôi ba ba và đua đinh tại gia đình, chị Nguyệt còn đứng ra thành lập HTX nuôi cua đinh - ba ba Thạnh Lợi tại nhà do chị làm giám đốc. HTX có 22 xã viên, ban đầu chị cung cấp cua đinh và ba ba bố mẹ cho các thành viên trong HTX nuôi theo hình thức trả chậm qua nhiều năm. Riêng năm 2019, HTX Thạnh Thợi xuất bán khoảng 20 tấn ba ba thịt và 5.000 con cua đinh giống và 15.000 con ba ba giống đem lại lợi nhuận trước thuế 1,5 tỷ đồng.
Hiện giá cua đinh thịt là 600.000 đồng/kg (loại 2 kg/con trở lên), còn ba ba loại một (1,8 - 2,5 kg/con trở lên) giá 260.000 đồng/kg, loại 2 giá 190.000 đồng, loại 3 giá 170.000 đồng... tăng khoảng 10 - 15% so cùng kỳ năm 2019. Còn con giống cua đinh 2 tuần tuổi giá bán 350.000 đồng/con, ba ba giống giá 4.000 đồng/con.
Đối với chị Nguyệt mô hình nuôi ba ba và cua đinh thương phẩm và bán con giống, sau khi trừ hết chi phí mỗi năm gia đình chị có thu nhập hàng tỷ đồng. Từ thành công đó, nhiều năm liền chị được nhận bằng khen của tỉnh Hậu Giang và Trung ương Hội nông dân về sản xuất kinh doanh giỏi.
Chị Trương Ánh Nguyệt chia sẻ, năm 2019 lần đầu tiên chị xuất khẩu lô hàng trên 500 kg ba ba thịt sang thị trường Nhật Bản, với giá bán cao gấp đôi so trong nước. Hiện nay chị đang hoàn thiện một số thủ tục để trong năm 2020 tiếp tục xuất khẩu 2 sản phẩm này sang các thị trường như: Trung Quốc, Đài Loan và Nhật Bản
Có thể bạn quan tâm
Trồng lan bán hoa cắt cành cho lợi nhuận cao gấp 1,5 lần thâm canh quất cảnh cùng diện tích.
Người dân ở xã Tịnh Hà, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi đều ngưỡng mộ ông Nguyễn Văn Hùng, bởi ông đã nuôi thành công 2 giống gà quý hiếm.
Anh Nguyễn Thanh Nhàn (34 tuổi), ngụ ấp 6, xã Vĩnh Trung, H.Vị Thủy, Hậu Giang, được xem là người đầu tiên đưa giống xoài cát hồng về trồng thành công ở xã này,