Nông dân Trà Vinh phấn khởi từ dự án nuôi cua quảng canh
Ông Lý Văn Hùng, Trưởng ấp Phước Hội, cho biết: “Kinh tế chính của người dân nơi đây là nuôi trồng thủy sản với đối tượng chính là con tôm, con cua. Những năm trước môi trường ít ô nhiễm, khi nuôi con tôm, con cua còn có năng suất, có ăn, còn bây giờ nói đến con tôm là người dân lắc đầu. Riêng con cua thì thả con giống nhiều mà thu hoạch chẳng được bao nhiêu, khó khăn lắm…”.
Theo ông Hùng, con cua cũng như con tôm mất dần năng suất mặc dù người dân thả con giống định kỳ, nối vụ nhưng khi đến thời gian thu hoạch thì cua đã chết dần, chết mòn. Nguyên nhân đa phần không xác định được, nhưng người dân chung nhận định là do môi trường thay đổi, dịch bệnh kéo dài…
Tiến sĩ Vũ Anh Tuấn, Chuyên gia tư vấn dự án MAM cho biết: “Qua tìm hiểu thì gần như 100% người dân không cải tạo đầm nuôi, không sên vét đáy ao, phơi đầm, bón vôi diệt khuẩn hay bổ sung vi sinh cải tạo môi trường ao nuôi, tái tạo thức ăn tự nhiên cho con tôm, con cua. Từ đó, các loại vi khuẩn, ký sinh trùng gây bệnh tích tụ nhiều và luôn tồn tại trong ao nuôi, khi tôm bị bệnh thì con cua cũng bị nhiễm theo. Đó cũng là nguyên nhân khiến con tôm, cua không hiệu quả, nhất là khi thời tiết, biến đổi khí hậu ngày càng khó khăn hơn cho vật nuôi”.
Tháng 10/2019, Tổ chức Phát triển Hà Lan SNV, dưới sự tài trợ của Quỹ Khí hậu CFM thông qua dự án MAM 2 thực hiện mô hình hỗ trợ sinh kế cho mô hình nuôi quảng canh tại ấp Phước Hội, xã Long Khánh cho 5 hộ dân thuộc diện bị ảnh hưởng bởi dự án điện gió trên đối tượng con cua.
Dự án tiến hành tập huấn kỹ thuật, cải tạo ao theo quy trình như bơm phơi đầm nuôi, rải vôi diệt khuẩn, hỗ trợ phân vi sinh Hudavil Hud 5, vi sinh gốc (EM1) để gây màu nước, tái tạo thức ăn tự nhiên trong ao nuôi. Hỗ trợ 100% cua giống (6.000 con/hộ) chia thành 2 đợt thả giống/năm. Qua hơn 2 tháng thả giống nuôi đã mang lại dấu hiệu tích cực cho nông dân thực hiện mô hình này.
Người dân phấn khởi trước tỷ lệ sống, sức lớn của cua từ dự án mang lại.
Qua kiểm tra cua tại 5 hộ thực hiện dự án, Tiến sĩ Vũ Anh Tuấn cho biết: “Nhờ thực hiện đúng quy trình cải tạo ao nuôi và thả cua giống qua xét nghiệm, chăm sóc cua tốt nên đến nay trọng lượng cua trung bình của các hộ trong dự án đạt 105 g/con, số cua lớn đạt trên 150 g/con (chiếm trên 15%). Với tỷ lệ sống được người dân đánh giá khá cao hứa hẹn thu nhập ổn định từ dự án nuôi cua này”.
Hiện tại 5 hộ dân thực hiện dự án không còn hiện tượng cua chết như trước, đang tích cực chăm sóc quản lý cua nuôi, tăng cường bổ sung thức ăn cho cua, nhất là sử dụng định kỳ phân vi sinh Hudavil Hud 5, vi sinh gốc (EM1) theo khuyến cáo của dự án. Dự kiến sau thời gian nuôi 4,5 - 5 tháng cua sẽ đạt trọng lượng từ 250 g trở lên người dân tiến hành thu hoạch.
Có thể bạn quan tâm
Để xây dựng ngành NTTS thịnh vượng cho tương lai, nhiều giải pháp và hướng đi đã được đặt ra; hãy cùng lắng nghe chia sẻ của các chuyên gia về vấn đề này.
Cá trê Phi (Clarias gariepinus) được nuôi phổ biến ở nhiều nơi trên thế giới. Mặc dù đã có nghiên cứu được thực hiện về sự thích hợp
Hàu Thái Bình Dương (Crassostrea gigas) (TBD) đã được nhập vào Việt Nam từ Nhật Bản và Australia để thay thế một số loài hàu bản địa đang bị cạn kiệt nghiêm.