Nông Dân Tìm Cách Giảm Chi Phí Trong Chăn Nuôi Heo

Để nuôi heo có thể sinh lãi, nhiều nông dân đã tìm cách phối trộn cám, tự sản xuất con giống, giúp hạ chi phí đầu vào.
Theo tính toán của ông Hoàng Minh Hải, chủ trang trại chăn nuôi heo tại xã Tóc Tiên (huyện Tân Thành, Bà Rịa Vũng Tàu), một con heo đến lúc xuất chuồng ăn hết 9 bao cám các loại. Với giá cám bình quân 300 ngàn đồng/ bao 25kg, để có được 1 tạ heo hơi xuất chuồng phải tiêu tốn 3,7 triệu đồng. Cộng với tiền heo giống, tiền công, vắc xin phòng bệnh, khấu hao chuồng trại và những phí tổn khác, chi phí nuôi 1 con heo khoảng 4 - 4,1 triệu đồng.
Với giá heo hơi hiện nay thì người chăn nuôi mới huề vốn, chưa có lãi. Chính vì vậy, các trang trại chăn nuôi đã phải tính toán tận dụng nguồn thức ăn sẵn có để giảm chi phí đầu vào. Cách phối trộn thức ăn đơn giản là kết hợp giữa cám đóng gói và bắp, khoai mỳ, tấm gạo…
Nắm được công thức cám trộn có hàm lượng dinh dưỡng tương đương với cám hỗn hợp mà giá thành lại rẻ hơn nên đầu năm 2013, ông Lương Đức Duy, ở xã Xuyên Mộc (huyện Xuyên Mộc) đã sử dụng loại cám này thay cho thức ăn công nghiệp bán sẵn trên thị trường. Ông Duy mua loại cám 11 ngàn đồng/kg, trộn với bắp. Khi heo lớn khoảng 50 - 60 kg, ngoài bắp, ông Duy trộn thêm với một số chất khác như khoai mỳ, tấm gạo...
Ông Duy cho biết, việc sử dụng cám trộn thay cho thức ăn công nghiệp sẽ giảm chi phí rất nhiều, thường rẻ được khoảng 3.000 đồng/kg thức ăn. “Với quy mô trang trại 100 con heo thịt, mỗi ngày dùng 3.000kg cám trộn sẽ tiết kiệm được từ 20 - 30% so với dùng thức ăn công nghiệp. Trong thực tế hiện nay, việc dùng các phụ phẩm như: đậu, bắp, mì… là những nguyên liệu dễ tìm và giá thành lại rẻ”, ông Lương Đức Duy cho hay.
Ngoài việc dùng cám trộn, các trang trại hiện nay cũng bắt đầu hướng tới quy mô chăn nuôi khép kín như tự sản xuất con giống, học cách tiêm vắc xin phòng ngừa dịch bệnh cho heo. Nhờ đó, họ đã giảm được chi phí chăn nuôi, đặc biệt là giảm lỗ trong những thời điểm heo hơi rớt giá.
Ông Mai Thi, chủ trang trại chăn nuôi heo tại ấp Thạnh Sơn 2B, xã Phước Tân (huyện Xuyên Mộc) cho biết, để cầm cự và có lãi, người chăn nuôi phải tự học cách phòng chống dịch bệnh, sản xuất con giống… Do đó, ông vừa nuôi heo thịt vừa nuôi heo nái theo quy mô khép kín.
Để phòng ngừa dịch bệnh cho heo, chuồng trại phải bố trí từ hướng Đông sang Tây và trồng cây che mát để tránh ánh nắng buổi chiều, nền chuồng có độ dốc 2%, cột chuồng có chiều cao tối thiểu từ 2,5 - 3m, mái phải dài và cách chuồng 0,8 m để tiện phủ bạt khi mưa gió lùa vào chuồng. Vị trí chuồng phải cách xa giếng, nguồn nước ngầm, xa khu dân cư để tránh bị ô nhiễm môi trường…
Heo nái, heo cai sữa và heo thịt phải tiêm vắc xin phòng bệnh đầy đủ. “Ngoài ra, gia đình tôi còn là nhà phân phối chính thức thức ăn gia súc, gia cầm của công ty Dinh dưỡng Á Châu, do đó không phải mua thức ăn chăn nuôi qua đại lý. Với mô hình sản xuất kinh doanh tổng hợp, khép kín, mỗi năm thu nhập từ chăn nuôi heo thịt, heo nái đẻ và kinh doanh thức ăn chăn nuôi của gia đình tôi là gần 450 triệu đồng”, ông Mai Thi cho hay.
Theo Ts. Vương Nam Trung, Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Miền Nam, giá bán nhiều loại thức ăn chăn nuôi trong nước hiện đang cao hơn khu vực từ 20 - 25%, giá thành sản xuất heo cao hơn 10 - 15%. Trong khi đó, tỷ lệ heo chết cao hơn 35%, khả năng sinh sản thấp hơn 10-15%. Do đó, việc người chăn nuôi phải tính toán, tìm cách hạ giá thành chăn nuôi là việc làm cần thiết để bảo đảm sự ổn định cho sản xuất.
Có thể bạn quan tâm

Ngoài ra, mục đích của dự án cũng hướng tới nâng cao nhận thức cho cộng đồng và chính quyền địa phương về biến đổi khí hậu như giảm thiểu tác động xấu đến môi trường do giảm đốt rơm rạ, không bị ảnh hưởng bởi lũ lụt hạn hán do trồng trên vĩ tre và nằm trong nhà….

Biện pháp khắc phục: Mở nylon che úm vào ban ngày có thời tiết ấm. Khẩn trương chuyển ngay ô mạ đó ra giữa ruộng định cấy. Tạo nền bùn mới rồi nhấc cả ô mạ đó đặt vào, quây úm nylon và điều chỉnh nhiệt như ban đầu. Dùng chế phẩm siêu ra rễ (HPC - 97R) loại 15 gr pha ở tỷ lệ 1/2 gói với 6 lít nước, phun đẫm đều cho 50 m2 mạ; phun 2 lần liên tục, lần 2 sau lần 1 từ 1 - 2 ngày.

Như vậy so với đầu vụ năm 2014, giá điều hiện cao hơn 7 ngàn đồng/kg. Cũng theo ông Chinh, mặc dù có nhuận một tháng, nhưng vụ điều năm nay vẫn trễ và kéo dài hơn so với các năm trước do thời tiết lạnh khiến cây điều trổ bông muộn. Đến nay mới một số ít vườn điều có trái chín ít, phần lớn các vườn đang trong giai đoạn trổ bông.

Đến thời điểm này, bà con nông dân trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đã xuống giống được hơn 10.000ha mía của niên vụ 2015 - 2016, trong đó, huyện Phụng Hiệp (địa phương có diện tích mía lớn nhất tỉnh) đã xuống giống được hơn 7.200ha, diện tích còn lại được phân bổ ở thị xã Ngã Bảy, thành phố Vị Thanh và một phần huyện Long Mỹ. Hiện mía trong giai đoạn từ mới trồng đến gần 3 tháng tuổi và đang phát triển tốt.

Song năm nay tình hình hoàn toàn trái ngược. Tại thôn Lạc Hòa của xã Ninh An, nhiều ruộng ớt cây lên rất tốt nhưng đến kỳ thu hoạch thì tự nhiên lá bị cháy và trái bị thối đồng loạt. Ngoài ra, không ít ruộng ớt lại mắc phải bệnh xoắn lá, khiến cây ớt không ra hoa được.